Đội cấp cứu gia đình

Đội cấp cứu gia đình
TP - Cách đây 18 năm, khi mới chuyển vào Bù Đăng (Bình Phước) sinh sống, gia đình ông Nguyễn Văn Tuân (sinh năm 1959) không thể ngờ rằng con đường phía trước nhà mình sẽ trở thành một điểm đen về tai nạn giao thông. Ông cũng không thể biết trước được rằng việc gia đình ông ngẫu nhiên chọn mảnh đất này làm nơi lạc nghiệp lại đưa cả nhà đến với công việc sơ cấp cứu cho người bị tai nạn trong suốt gần 20 năm trời.

Cây cầu và những chuyến xe bão táp

Hai vợ chồng ông Tuân trước đây đều là bộ đội. Xuất ngũ từ năm 1983, vợ chồng ông sinh sống tại huyện miền biển Quảng Xương (Thanh Hóa). Sau 10 năm lấy nhau, mảnh đất cằn cỗi nơi quê nghèo vẫn không mang lại cho vợ chồng ông một cuộc sống ấm no, năm 1993 ông Tuân quyết định đưa vợ con vào Nam làm kinh tế mới. Tới xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, thấy mảnh đất màu mỡ nằm bên con sông đầy ắp tôm cá, vợ chồng ông quyết định chọn nơi này để đóng cọc, cất nhà. Ngày ngày, vợ chồng con cái thay phiên nhau phát rừng, làm rẫy, đánh bắt tôm cá… Cuộc sống những ngày đầu tuy còn vất vả nhưng lúc nào cũng yên ả, thanh bình.

Năm 1994, thủy điện Thác Mơ thi công xây dựng cầu 38 nối liền hai bờ sông, giao thông được nối liền, khúc cua dốc ngay trước cửa nhà ông Tuân cũng phút chốc biến thành khúc cua tử thần với hàng loạt các vụ tai nạn thảm khốc. Cuộc sống gia đình ông cũng bị xáo trộn từ đó.

Một trang trong cuốn nhật ký của ông Tuân
Một trang trong cuốn nhật ký của ông Tuân.

Tính đến nay, ông Tuân cũng không thể nhớ chính xác đã có bao nhiêu vụ tai nạn đã xảy ra ngay trước cửa nhà mình, và số người đã được gia đình ông sơ cứu là bao nhiêu. Chỉ biết rằng trong các bản báo cáo hàng năm ông gửi lên hội Chữ Thập đỏ tỉnh Bình Phước, năm nào cũng có ngót nghét trên dưới một trăm vụ tai nạn. Chỉ tính riêng 10 năm từ 1999 đến 2008, tại đây đã có tới 1.205 vụ tai nạn, làm 10 người chết và 1.871 người bị thương, trong đó có 400 người bị chấn thương sọ não.

Những con số khủng khiếp đó đã phần nào cho thấy được mức độ nguy hiểm tại nút giao thông cầu 38 cũng như những cảnh tượng hãi hùng mà ông Tuân cùng vợ con đã phải chứng kiến suốt mười mấy năm qua. Bất kể ngày đêm, mưa nắng hay lễ tết… tai nạn luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với chiếc túi cứu thương và chiếc băng ca, hễ có tai nạn là ông cùng vợ con lại lao ra đường để cứu nạn. Người băng bó, người sát trùng…, cả gia đình hệt như một đội cấp cứu chuyên nghiệp. “Hầu hết các kiến thức y học tôi tích lũy được từ ngày còn trong quân ngũ, sau này chỉ lại hết cho vợ con để phòng khi tôi vắng nhà vẫn có thể cấp cứu cho người bị nạn” - ông Tuân nói.

Theo lời ông Tuân, những ca bị thương nhẹ bên ngoài thì chỉ cần sơ cứu, sát trùng vết thương tại nhà là ổn. Nhưng có những ca nặng như chấn thương sọ não, gãy xương… ông lại phải gọi xe cấp cứu của bệnh viện huyện Bù Đăng tới đưa đi, có những hôm bệnh viện không có xe, ông lại phải dùng xe máy của gia đình chở nạn nhân tới bệnh viện trong những trường hợp có thể chữa được. Đưa được người bị thương tới bệnh viện, ông lại phải ngồi chờ tới khi người nhà của họ đến rồi mới yên tâm ra về. Không chỉ vậy, với những người đã không còn khả năng qua khỏi, ông Tuân vẫn cố gắng bấm huyệt để giữ cho nạn nhân có thể gặp mặt người thân lần cuối trước khi nhắm mắt.

Có lẽ khi nhìn vào những điều mà ông Tuân cùng vợ con đang làm, nhiều người sẽ nghĩ rằng, ông được nhà nước trả lương để làm công tác sơ cứu này. Nhưng sự thật lại hoàn toàn không phải vậy, những ngày đầu khi mới bước chân vào với công việc sơ cứu, ngay cả tiền bông băng, thuốc sát trùng, ông cũng phải tự bỏ tiền túi ra mua. Sau này, khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước quyết định thành lập “Chốt sơ cấp cứu nhân đạo” ngay tại nhà ông, gia đình ông mới được cấp cho một lượng thuốc sát trùng, bông, băng đủ phục vụ cho công tác sơ cấp cứu, ngoài ra không hề có thêm một khoản trợ cấp nào khác. Ngay cả việc đi nhận bông băng, thuốc… ông cũng phải tự chạy xe lên tỉnh để nhận về.

Khu vực xung quanh cầu 38, dù ngày ngày xe cộ qua lại tấp nập, nhưng dân cư sinh sống vẫn rất thưa thớt. Do đó, nhiều đối tượng xấu thường lợi dụng lúc tai nạn xảy ra để trộm cắp, cướp giật tài sản người bị nạn. Ông Tuân vẫn còn nhớ như in vụ tai nạn xảy ra vào 9 giờ đêm ngày 1-1-2000, lúc đó cả nhà ông đang xem ti vi bỗng nghe một tiếng động rất lớn ở phía trước nhà. Biết là đã xảy ra tai nạn, ông cùng vợ con vội vàng xách túi, băng ca chạy ra đường. Tới nơi, một chiếc taxi bị lật nằm chỏng chơ bên vệ đường, tài xế cùng hai người khách trên xe bất tỉnh. Trong lúc đang lo sơ cứu, một nhóm hơn chục thanh niên cầm gậy, dao, cuốc, xẻng xông tới đòi cướp tài sản trên xe, ông vội vàng giao việc sơ cứu cho con để chạy ra ngăn cản. Hậu quả vợ ông bị đánh vào đầu phải nhập viện, ông cũng bị thương ở tay. Rất may lực lượng công an đã kịp thời có mặt bắt giữ các đối tượng và trao trả lại tài sản cho người bị nạn.

Một vụ tai nạn xảy ra tại cầu 38
Một vụ tai nạn xảy ra tại cầu 38 .

Nhận bông băng về… ăn Tết

Theo lời ông Tuân thì những ngày Tết luôn là thời gian cao điểm cứu nạn của gia đình ông. Năm nào cũng vậy, cứ tới 27, 28 Tết thay vì dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đón Tết, ông lại lo chạy xe lên tỉnh để nhận bông băng, thuốc men về chuẩn bị cho mấy ngày Tết. “Gần 20 năm nay tôi chưa hề được đi chúc tết bạn bè vào dịp Tết” - ông Tuân tâm sự.

Ông kể lại, năm 2007, ngay đêm giao thừa, một chiếc xe chạy tuyến TPHCM - Bắc Giang gặp nạn, 16 người trên xe bị thương nặng, trong đó có nhiều ca gãy chân, gãy tay. Vậy là suốt đêm giao thừa, cả nhà ông tất bật với việc sơ cứu. Chưa hết, trong ba ngày Tết của năm ấy, hàng loạt vụ tai nạn cũng liên tiếp xảy ra làm 170 người bị thương, trong đó có 27 ca chấn thương sọ não. Cả nhà phải chia nhau, người vào viện trông nom nạn nhân, người ở lại trông nhà chờ người nhà của nạn nhân tìm đến. Ông nhẩm tính, cả người bị thương lẫn người thân, Tết năm ấy trong nhà ông có ngót nghét mấy chục người.

Để tiện cho việc tìm kiếm người bị nạn của các gia đình, ông Tuân còn lập ra những cuốn “Nhật ký sơ cấp cứu”. Từng cuốn vở học sinh được ghi lại đầy đủ họ tên người bị nạn, quê quán, biển số xe cũng như ngày giờ xảy ra tai nạn. Hơn 20 cuốn sổ như vậy được xếp ngay ngắn trong ngăn kéo tủ đặt tại phòng khách. Đối với ông, đó giống như những kỷ vật vô giá còn lại sau những tháng ngày lập nghiệp nơi đất khách.

Hiện tại, ngoài việc duy trì hoạt động của chốt sơ cấp cứu, ông Tuân còn đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đức Liễu, ngày ngày ông lại bon bon cùng chiếc xe Honda đi vận động nhà hảo tâm đóng góp tiền để xây nhà tình thương cho người nghèo. Ông cũng đang ấp ủ dự định thành lập một hội hiến máu của xã, nhưng hiện còn rất nhiều khó khăn do chưa có kinh phí để phục vụ việc đi lại của các thành viên trong hội mỗi lần đi hiến máu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG