Đội “đặc nhiệm” tóc dài

Đội “đặc nhiệm” tóc dài
Ngày nào cũng vậy, cứ chập tối là các chị, trong đó có người tuổi ngoài 50, tình nguyện khoác lên mình bộ đồng phục của đội dân quân tự vệ, tuần tra canh giấc ngủ cho người dân ấp Tân Hòa B (xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang).

Người dân địa phương trìu mến đặt cho họ, những người làm việc tình nguyện không thù lao ấy, biệt danh là đội “đặc nhiệm” tóc dài.

Đội “đặc nhiệm” tóc dài ảnh 1
Một số thành viên trong đội dân quân tự vệ tóc dài đang tuần tra - Ảnh: Tuổi Trẻ

Canh trộm cho bà con

Khoảng 22 giờ, khi nhiều người dân sống ở hai bên dòng kênh Zêrô bắt đầu ngon giấc thì các nữ “đặc nhiệm” đi tuần tra. Nhóm tuần tra thông thường có tám người, chia làm hai đội, mỗi đội có bốn người đi theo hai hướng...

Tuần tra được chừng 45 phút, khi pha đèn vào cây mít, chị Trần Thị Bích Thơm, đội trưởng đội 1, nhìn thấy một con chó đang nằm bất động dưới gốc và trào bọt mép. Ba thành viên khác là các chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Lê Thị Lang và Cao Thị Bích Thủy tụm lại xem và nhận định con chó có dấu hiệu bị thuốc. Cả nhóm phán đoán tên trộm sẽ quay lại tìm “chiến lợi phẩm”.

Vậy là phân công nhanh, chị Thanh và chị Thơm núp vào bụi tre ở hai đầu đường, còn hai chị khác báo cho mọi người xung quanh hỗ trợ...

Khi mọi việc bố trí vừa xong thì chỉ ít phút sau, hai tên đánh thuốc chó đi trên xe gắn máy xuất hiện. Tên ngồi phía sau vừa ôm con chó lên thì các nữ “đặc nhiệm” bất ngờ ập đến, quật ngã đối tượng xuống đám cỏ. Cùng lúc đó, người dân xông ra hỗ trợ túm lấy tên trộm còn lại. Hai tên trộm chó bị bắt giữ ngay lập tức...

Không chỉ chuyên bắt trộm, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, nhiều lần các nữ “đặc nhiệm” còn kiêm luôn nhiệm vụ hòa giải các vụ ẩu đả của thanh niên, các cặp vợ chồng... trong xóm.

Chị Thơm kể, một lần đi tuần tra ngang nhà một ông trong ấp thì phát hiện ông này đang chửi mắng và đánh vợ. Các chị vào hỏi thăm, nhưng mới vào tới cửa thì người chồng hỏi: “Có gì không? Chuyện nhà tôi tôi lo, không cần đến mấy chị xía vào”. Bằng những lời lẽ thuyết phục khuyên bảo, chia sẻ, cuối cùng, các chị giúp ông chồng nhận ra cái sai của mình và hòa giải thành công.

“Mình dùng lời “đường mật” nhưng cũng rất cứng rắn khuyên giải nên nhiều ông chồng bớt thói vũ phu, giảm được đáng kể nạn bạo hành trong gia đình vốn trước đây khá phổ biến ở khu này” - chị Lưu Thị Đơn, một thành viên, bật mí.

Hạnh phúc khi xóm làng bình yên

Không còn chọc ghẹo

Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, đội nữ “đặc nhiệm” phát hiện nhiều vụ trộm, tìm được nhiều tài sản bị đánh cắp trao trả lại cho người dân. Tình hình trật tự an ninh địa phương trở nên nề nếp, không còn cảnh thanh thiếu niên tụ tập, quậy phá trên cầu, quán xá tại địa phương không còn cảnh đánh bài ăn tiền, nhậu nhẹt tới khuya...

“Nhờ những thành tích ấy nên người dân nhìn chúng tôi bằng đôi mắt thiện cảm, không những không chọc ghẹo mà còn rất tin tưởng, có chuyện gì đều báo cho chúng tôi” - chị Nguyễn Thị Kim Thanh, đội phó đội 1, chia sẻ.

Cách đây gần ba năm, trong những buổi họp của chi hội phụ nữ ấp Tân Hòa B, nhiều chị em bức xúc trước thực trạng con em trong một số gia đình không lo ăn học mà tối ngày tụ tập chơi game, nhiều người dân tụ tập trên cầu gây rối, nhiều quán xuất hiện tình trạng đánh bài ăn tiền thâu đêm, trộm cắp thì rộ lên...

Các chị trong chi hội phụ nữ ấp nảy ra ý tưởng thành lập nhóm phụ nữ “tư vấn giáo dục”, nhằm khuyên bảo con em và người dân tại địa phương tránh xa tệ nạn.

“Tuy nhiên, chị em bàn nhau nếu chỉ dừng lại ở nhóm “tư vấn giáo dục” thì lỡ gặp những đối tượng ngoan cố cũng đành bó tay. Vì vậy, các chị kiến nghị lãnh đạo UBND xã “nâng cấp” thành đội nữ dân quân tự vệ để vừa có thể khuyên bảo giáo dục vừa có quyền đề nghị giải tán các đối tượng tụ tập quậy phá khi cần thiết” - chị Vũ Thị Nga, thành viên trong đội, kể.

Vậy là, đội “đặc nhiệm” chính thức được ra mắt gồm hai tổ, tổng cộng có 17 thành viên, trong đó người lớn nhất 57 tuổi, người nhỏ nhất 33 tuổi.

Chị Nga cho biết, khi bắt tay thực hiện, gặp rất nhiều khó khăn, đầu tiên là từ chính những người thân trong gia đình.

“Khi biết tôi tham gia đội dân quân tự vệ và đi tuần tra vào ban đêm thì chồng bàn ra với lý do phụ nữ đi lại ban đêm không tiện. Còn các con đặt câu hỏi liệu mẹ có làm được không” - chị Nga kể.

Những người hàng xóm khi thấy các chị tuần tra thì xầm xì: “Đúng là mấy bà nhiều chuyện”. Trước những nghi ngờ của dư luận “trong nhà, ngoài ngõ”, đội “đặc nhiệm” tóc dài vẫn quyết làm cho ra trò.

Ban đầu, đội đặt ra kế hoạch là tuyên truyền chức năng và nhiệm vụ của đội. Bên cạnh đó, cũng “tiếp thị” đội với bà con trong xóm bằng cách cho số điện thoại nếu phát hiện trộm cướp, tình trạng tụ tập đánh bài thì “hãy gọi ngay cho chúng tôi”.

Mặc dù hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không lương, nhưng tất cả thành viên của đội luôn tích cực có mặt kịp thời ở tất cả “điểm nóng” trong xóm, ấp, bất kể đêm hôm khuya khoắt hay trời mưa gió, lũ lụt.

Ông Huỳnh Khắc Cường, trưởng Công an xã Tân Hiệp B, tự hào: “Nhờ các hoạt động của đội “đặc nhiệm” tóc dài tại địa phương mà ấp Tân Hòa B trước đây từng là “điểm nóng” về tệ nạn xã hội, nay chuyển biến thành ấp điểm không tội phạm và tệ nạn của xã”.

Các thành viên của đội cười bảo: “Cực mấy cũng chẳng sao, miễn xóm làng bình yên, giảm được các tệ nạn xã hội là chúng tôi vui và hạnh phúc”.

Theo Tấn Thái
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG