Đói lạnh giữa nước xiết

Đói lạnh giữa nước xiết
TP - “Đói quá chú ơi, 2 ngày ni ngâm trong nước rồi. Có gạo nhưng không điện, không dầu đèn, đành nhai gạo sống” - Chị Trần Thị Ánh ở xã Đại Hiệp (Quảng Nam), cầm mấy gói mỳ, vừa mừng vừa tủi.
Đói lạnh giữa nước xiết ảnh 1
PV Tiền phong trao hàng cứu trợ cho bà Lê Thị Duông (thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam)                              

Sáng 13/11, chúng tôi theo thuyền của tỉnh Quảng Nam ngược nước xiết lên miền Tây huyện Quế Sơn, nơi đến sáng 13/11 tỉnh, huyện mới tiếp cận được dân.

Nước Thu Bồn cuộn xiết đục ngầu, xác trâu bò heo gà cùng tre pheo nhà cửa trôi vật vờ. Ngang qua Quế Trung, Quế Lâm, Quế Phước, Quế Ninh..., quang cảnh còn tan hoang hơn cả bão Xangsane.

Trong đêm trước, hàng ngàn người đã bỏ nhà cửa chạy thoát thân lên núi. Giờ người dân mới bắt đầu kéo về xem nhà cửa còn mất những gì. Sau lụt 1998, người dân chỉ còn biết trông cậy vào núi non mỗi khi lũ về.

Lập cập trên nóc nhà vì đói và lạnh, nhận mấy gói mỳ tôm chúng tôi quăng vội lên, anh Nguyễn Phước (xã Quế Ninh, Quảng Nam) nói như hụt hơi: “Tui mới từ núi về nhà xem còn chi không, thấy trôi mất nhà dưới rồi, đồ đạc trôi sạch ...”. Hỏi với anh Phước xem còn ai trên núi không, anh gào lên : “Nhiều, toàn bà già con nít, đói lạnh cứng cả người rồi”.

Vợ chồng ông Nguyễn Phin (73 tuổi, thôn Phú Gia 1, xã Quế Phước) phờ phạc và hoảng sợ, đến nỗi không còn nhớ mình ở thôn nào khi chúng tôi hỏi chuyện. Đêm lũ, cả nhà 8 người chỉ kịp leo lên chiếc thuyền rồi ôm cứng nhau cả đêm giữa mưa lạnh.

Nhà anh Võ Văn Anh thôn 3 Quế Ninh nửa đêm đất lở vùi sạch, may cả nhà thoát thân ra ngoài, tài sản để lại hết trong lòng đất. Bà Hồ Thị Hương, 73 tuổi ở thôn Xuân Hòa, Quế Ninh mếu máo nhận mấy gói mỳ tôm : “Đói, không còn chi ăn”.

Ông Hà Phước Trinh – Bí thư Huyện ủy cho biết: “Ngày mai, huyện sẽ đưa lên 25 tấn gạo”. Tuy thế, nhìn nước vẫn mênh mông cuộn chảy thế này, cũng chưa ai dám chắc hàng cứu trợ sẽ lên được.

Ở Quế Trung chúng tôi ghi được một câu chuyện cảm động: Giữa đêm, ông Lê Phi (thôn Trung Phước 1) hành nghề chở than trên sông, đã cùng 6 thuyền dân khác hè nhau cứu dân giữa dòng nước, từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng mỗi thuyền vớt được ít nhất 40 người đang chơi vơi giữa lũ dữ. 

Chiếc thuyền chở mỳ tôm của phường Cẩm Phô (Hội An) đưa chúng tôi về vùng thấp lụt ven sông Thu Bồn. Nước sông xoáy xiết như muốn lôi tuột tất cả ra giữa dòng. Những ngôi nhà ngập lút mở toang hoang cửa không một bóng người.

Ông Nguyễn Sự - Bí thư thị ủy Hội An đi cùng, kể: “Hôm qua, dân đứng trên nóc nhà phất cờ kêu cứu. Chúng tôi huy động tàu lớn neo giữa sông, dùng ca nô nhỏ len vào vớt người, liên tục 57 lần ca nô đầy ắp mới hết người”.

Cả phường chỉ còn gần một nửa khối phố Ngọc Thành là còn người trụ lại. Những tiếng kêu trong mưa và nước đục trên mái tôn, từ những cửa sổ gác lửng, những lùm cây ... Những túm ni lông bọc bên trong vài ba gói mỳ quăng về hướng những bàn tay vẫy. “Dân đói, lạnh, và nhất là thiếu nước uống. Sợ dịch bệnh” – Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Văn Sơn lo âu.

Rời Cẩm Phô, chúng tôi thuê thuyền đi dọc phố cổ, nhiều nhà nước lụt vẫn còn ngập ngang mái. Những nhà cổ như số 5, số 10, số 16 ... hàng trăm năm tuổi trên đường Nguyễn Thái Học mới 3-4 hôm trước chúng tôi còn chứng kiến chủ nhà hì hục lấy cây gỗ chống cho khỏi sập, rồi đùm túm áo mưa chăng ngang giữa nhà hứng nước đổ từ trên trời xuống, nay chìm nghỉm nhận không ra.

Từ Đà Nẵng, chúng tôi trực chỉ QL 14B, đến với 15 xã bị chia cắt hoàn toàn ở huyện Đại Lộc. Qua cầu vượt Hoà Cầm, hàng trăm xe khách, xe tải nối đuôi nhau nằm “bẹp gí” chờ nước rút.

Trên QL14B, lướt qua Hoà Phong, Hoà Khương (Đà Nẵng), Đại Hoà, Đại Hồng, Đại Hiệp... (Quảng Nam), đâu đâu cũng thấy cảnh nhà dân ngập chìm trong nước, người nháo nhác đi lại trên đường, quang cảnh tiêu điều, thê lương.

Đói lạnh giữa nước xiết ảnh 2
Cứu trẻ em trong mưa lũ. Ảnh: TTXVN

Quay trở lại trụ sở UBND xã Đại Hiệp, nơi giờ đây đang là nơi tá túc của hàng chục người dân, ai nấy phờ phạc vì lũ. Anh Phạm Lương – Chủ tịch xã, vắn tắt: “Đại Hiệp có 7 thôn ngập lụt, 5 thôn cô lập hoàn toàn. Lũ đặc biệt ở thôn Phù Mỹ, nước ngập lên quá nửa nhà. Bà con bây giờ đang đói, chúng tôi chỉ có một chiếc thuyền. Hàng cứu trợ đã hết, không cách chi vô được”.

Loay hoay mãi, chúng tôi cũng mua được mấy chục thùng mỳ tôm, đích thân anh Nguyễn Văn Đông – Phó Chủ tịch xã cầm chèo chiếc thuyền nan bé xíu, đưa chúng tôi vượt lũ dữ vào Phú Mỹ.

Thuyền cách nhà chị Lê Thị Dung gần 50m, đã thấy chị bồng con, đứng trên chiếc bàn kê cao, vẫy tay chờ cứu trợ. Chị Dung và 3 người con nhỏ cùng chồng phải “cố thủ” trong nhà 2 ngày nay, không điện, không dầu, nhai gạo sống.

Vượt qua từng gốc cây, rác rưởi, heo gà  vịt nổi lềnh bềnh, thuyền quay mũi vào nhà anh Đặng Ngọc Tín. Hai đứa con gửi nhờ hàng xóm ở Phú Quý, vợ chồng anh Tín ngồi trên chiếc thuyền chết máy, neo trước hiên nhà chờ đợi một cách vô vọng.

Chị Trần Thị Ánh, cầm mấy gói mỳ, vừa mừng vừa tủi: “Đói quá chú ơi, 2 ngày ni ngâm trong nước rồi. Có gạo nhưng không điện, không dầu đèn, đành nhai gạo sống”.

Vượt đoạn nước xoáy nữa, chúng tôi mới đến được túp lều bà Lê Thị Duông (74 tuổi). Dù có 5 người con, nhưng bà già vẫn ở một mình, túp lều xiêu vẹo giữa dòng nước.

Tôi bước xuống thuyền, ngâm mình lội nước vào trong, bà lão móm mém ngước đôi mắt mờ đục nhìn, như lâu lắm rồi mới thấy bóng người. Bà kể trong nhà chẳng còn gì để ăn, mấy thanh niên nhà bên cạnh mấy lần bơi sang đưa mỳ tôm. Đến chiều ngày 12/11 thì mỳ cũng hết, may mà nhà hàng xóm có bếp dầu, thổi cơm nắm đưa sang. Nếu không thì chẳng biết bây giờ ra sao ...

Quảng Ngãi: 500 ô tô kẹt trên Quốc lộ 1A

Lũ ở Quảng Ngãi đã rút chậm, sự tàn phá khốc liệt lộ rõ trên khắp các nẻo đường. Trên địa bàn huyện Bình Sơn, trong 2 ngày qua có hơn 500 xe ô tô bị kẹt dọc QL 1A. Công an tỉnh cử 50 cán bộ chiến sĩ, thanh tra giao thông trực 24/24.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi đã trao 3.500 xuất quà gồm mì tôm, bánh ngọt, nước uống cho hành khách trên xe. Sở Y Tế Quảng Ngãi cử một đội cấp cứu cùng 2 xe cứu thương túc trực.

Rời Bình Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi về huyện Sơn Tịnh, nơi có 3 người bị thương, 10.000 ngôi nhà bị ngập, 4 trụ hạ thế bị đổ ngã gây mất điện. Ở xã Tịnh An, 350 hộ dân thôn Ngọc Thạch và thôn An Phú bị cô lập, không có điện thắp sáng, thiếu nước sạch sinh hoạt từ ngày 4/11 đến nay do lũ Sông Trà chia cắt.

Bà Đồng Thị Phúc cho biết: Lương thực chúng tôi dự trữ đã hết rồi nên dù biết nguy hiểm nhưng vẫn phải chèo thuyền ra đường để mua. Song, trong lúc nhiều hộ dân thiếu đói cần sự hỗ trợ của cộng đồng nhưng một số cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm vẫn nhẫn tâm bán với giá cắt cổ.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.