Đời lề đường của một thợ giày

Đời lề đường của một thợ giày
Đúng 12 giờ trưa. Chiếc BMW M135i xDrive trắng bóng lộn trờ tới góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì đánh xinhan, ép sát lề trái. Như đã hẹn trước, cửa sổ cánh hé mở, người phụ nữ trung niên trong xe đón lấy chiếc túi đựng giày từ người sửa giày vỉa hè với lời cám ơn và nụ cười mát lòng mát dạ.

> Thời bao cấp qua ký ức người thợ rèn phố cổ Hà Nội

Đôi giày mà chủ nhân chiếc BMW kia nhờ anh Phú – người thợ vỉa hè nói trên – đóng lại lớp đế có giá vài triệu đồng. Chỉ mất chưa đến 100.000 đồng, đôi giày đã lại như mới.

Có duyên trong nghề

Chỉ chừng 1 cây số, tính từ đoạn khách sạn Rex đến cửa Đông chợ Bến Thành, đường Lê Thánh Tôn, quận 1, Sài Gòn, có hơn 20 tiệm giày, tủ giày vỉa hè. Từ lâu, đoạn đường này được biết tới là một phố sửa giày. Nó từng đi vào cả các guide book (sách hướng dẫn du lịch) nổi tiếng thế giới.

Nơi đây, có nhiều người có tuổi đời ba, bốn chục năm trời, theo nghề từ trước 1975, nhưng cũng có những “tân binh” vừa vác cơm gạo đi “tầm sư học đạo” kiếm cái nghề mưu sinh.

Năm 1988, anh Nguyễn Đức Phú, một thanh niên gốc Sài Gòn lúc bấy giờ tròn 20 tuổi, sau khi xê dịch kiếm sống từ làm thuê, công nhân cho các xí nghiệp, đã quyết định chọn nghề sửa giày kiếm sống. Nhờ một người chú giới thiệu, anh vào học nghề ở tiệm giày Lạc Long khá nổi tiếng trên đường Lê Thánh Tôn. Từ đó, người bén duyên nghề. Năm nay 45 tuổi, nghề sửa giày vỉa hè đã giúp anh mưu sinh, lo cho hai con nhỏ, đứa học lớp 3, đứa vào mẫu giáo.

“Gia đình nhỏ của tui đang ở chung nhà với ông bà già, cũng đỡ. Bà xã thì làm nhân viên văn phòng ở công ty bảo hiểm. Thời vật giá leo thang, phải hai vợ chồng cùng nhau làm việc, có thu nhập mới nuôi nổi hai con ăn học” – anh Phú nói, với vẻ toan tính, lo lắng. Tuy nhiên, khi nhắc về cái việc đang làm, có thể nhận ra ở người đàn ông mưu sinh hè phố này một niềm vui, bằng lòng với nghề thể hiện trong nụ cười và cách dẫn dắt câu chuyện.

Ngày trước, anh Phú đặt tủ giày trước tiệm Lạc Long, nhưng gần đây, dự án toà tháp SJC chuẩn bị khởi công, mấy tiệm giày bị giải toả, mỗi thợ giày phải tự vác tủ đi tìm chỗ mới, kẻ dạt về phía dưới khu chợ Bến Thành, kẻ ngược lên phía trên trung tâm triển lãm tìm chỗ ngồi tạm. Anh may mắn xin được một chỗ rộng chừng 2m2, giáp giữa một tiệm ăn của đôi vợ chồng Tây thuê mở, một bên là hiệu áo quần và một chỗ cắm điện đặt chiếc máy mài ở cửa trước Taka Plaza.

Như vậy là cũng yên tâm để gắn bó với cái nghề, mà theo anh, là “nếu chịu khó thì cũng không đến nỗi nào”.

Luận về... giày rách

Mỗi ngày của người thợ giày bắt đầu từ 8 giờ sáng. Anh Phú đạp xe chở giỏ hàng từ nhà trên đường Phan Văn Hân (Bình Thạnh) sang Lê Thánh Tôn mất chừng 15 phút. Dọn hàng ra, trả hàng cho khách gửi hôm qua hẹn ghé lấy, nhận hàng mới, hàng shop, hàng vãng lai... Công việc cứ thế tất bật cho đến 5 giờ chiều. Mỗi ngày trung bình anh Phú kiếm được trên dưới 150.000 đồng, chi tiêu cơm hộp, nước nôi, hết chừng 50.000 đồng, còn bao nhiêu để dành dụm đóng tiền học, tiền sữa cho con.

“Cái nghề này cũng vô chừng lắm. Những ngày mưa gió thì ít khách. Nhưng nhờ mình làm lâu năm, có khách mối quen, nên tệ lắm cũng ngày vài ba đôi, kiếm được vài chục, chưa có hôm nào tay trắng. Bữa nào gặp khách xịn, là dân du lịch, thấy làm vừa ý, bo thêm tiền thì trúng. Thời điểm gần tết là hàng nhiều nhất, tối cũng phải mang về nhà làm để kịp hôm sau trả cho khách”, anh Phú kể.

Trong đống giày nằm chờ qua bàn tay khéo léo tỉ mỉ của người thợ sửa lành nghề, có những đôi là hàng chợ, hàng nhái đã sứt quai, bong tróc nhàu nhĩ, nhưng cũng có những đôi là hàng hiệu thứ thiệt giá 5, 7 triệu đồng. Tôi hỏi: “Có phải nhìn giày rách mang đi sửa để đoán giàu nghèo hay không?” Anh Phú cười: “Tui làm trong nghề bao năm, thấy cái đó tuỳ. Tui thấy có người giàu, nhưng vẫn mang đôi giày cũ đi sửa để mang lại, có khi vì người ta không muốn bỏ nó, thấy nó êm chân, dễ chịu, cũng có thể là họ được người thân tặng, gắn với một kỷ niệm nào đó, nên không muốn bỏ đi. Nhưng nhìn chung, cũ mới chưa biết, họ đã mang đôi giày đi cho mình sửa, là họ quý đôi giày, mình cũng phải hiểu tâm lý, để làm cho kỹ, họ hài lòng, sau còn quay lại”.

Quan niệm làm nghề, giữ uy tín nghề, hiểu khách hàng của người thợ giày ở một góc phố xem ra giản dị và trung thực, sự tử tế tự nhiên đó giúp anh sống được, sống vui với nghề. Bài học ấy khối người lên xe xuống ngựa, nói năng to tát mà chắc chi làm được. Hỏi ác: “Cả ngày ngồi lề phố, áo quần lấm lem nhếch nhác, ngó thiên hạ qua lại nườm nượp, ăn vận sạch sẽ đến công sở, có bao giờ tủi cho cái nghề không?” Đáp: “Không. Tui không có cái tính bon chen ngó qua ngó lại hay đua đòi. Đời sống việc ai người đó làm. Mình chỉ cần quan tâm ngày kiếm được bao nhiêu tiền nuôi con là đủ. Mà nghề này đòi hỏi tỉ mỉ, tinh thần phải thoải mái thì mới làm đẹp được”. “Vậy ở đây thợ ngày càng đông, liệu có sự cạnh tranh, đụng chạm giữa các thợ giày không?” “Không, khách ai nấy làm, việc ai nấy biết thôi” – anh Phú nói, giọng đầy nhẹ nhõm.

Có những chủ shop giày lớn, những người bán hàng qua mạng khi cần sửa cỡ, cắt đệm lót, nâng đế giày theo yêu cầu khách hàng, cũng tìm đến anh Phú. Nhiều người sẵn lòng giao cho anh những đôi giày hiệu giá vài triệu bạc về nhà, làm qua đêm. Tất cả vì sự tin tưởng tuyệt đối với tay nghề và tính thật thà của người thợ giày yêu nghề.

Chiếc tủ vuông đóng bằng ván ép để đồ nghề mà anh Phú tự đóng, qua chưa đến tháng thứ ba dầm mưa dãi nắng vỉa hè, đã nhiều nếp nứt bong, lên nước màu cũ kỹ. Nhưng người đàn ông 45 tuổi, cha của hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học thì lại luôn chào đón khách bằng nụ cười tươi mới, thân thiện.

Chút vui cuối ngày

4 giờ 30 chiều, đường phố tan tầm, chộn rộn người, xe. Một chàng trai, là du khách người Anh cùng cô người yêu Việt kiều Mỹ ăn mặc khá sexy ghé tủ giày của anh Phú và nhờ đóng, dán đôi giày hiệu. Anh Phú mời khách ngồi ghế chờ rồi tỉ mẩn chà, đánh bóng, cắt, đóng, dán... chỉ mất chừng 20 phút, du khách kia gật gù nhận lại đôi giày đã được “tân trang”, ra vẻ hài lòng. “Anh ngồi đây hàng ngày chứ?... Chúng ta là bạn nhé. Tôi ở khách sạn gần đây, ngày nào cũng đi lòng vòng đây thôi” – chàng thanh niên người Anh niềm nở và bắt tay người thợ giày Sài Gòn có nụ cười hiền lành thiệt thà.

Chi phí tân trang đôi giày cho ông khách mà anh Phú đề nghị là 120.000 đồng. Nhưng khách hào phóng đưa 200.000 đồng và kèm theo lời cám ơn, thái độ trìu mến.

Một ngày đi qua. Những con phố trung tâm Sài Gòn bắt đầu lên đèn. Anh Phú dọn dẹp túi đồ nghề lên chiếc xe đạp. Những vòng xe của người thợ giày gầy gò trên đường về nhà thênh thang lạ lùng.

Theo Nguyễn Vinh
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG