Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Đổi mới chất vấn, tăng tranh luận

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà sẽ đăng đàn đầu tiên. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà sẽ đăng đàn đầu tiên. Ảnh: Như Ý.
TP - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV kéo dài từ ngày 4 - 6/6. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này được cải tiến, đổi mới theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”, tăng tính tranh luận.

Qua đó, mỗi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ có 1 phút đặt câu hỏi, người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 ĐB hỏi, thời gian trả lời không quá 3 phút.

Bốn tư “lệnh ngành” được lựa chọn chất vấn là: Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn cuối cùng.

Đổi mới chất vấn, tăng tranh luận ảnh 1  Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Đổi mới chất vấn, tăng tranh luận ảnh 2

 Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà.

Đổi mới chất vấn, tăng tranh luận ảnh 3

 Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Đổi mới chất vấn, tăng tranh luận ảnh 4

 Bộ trưởng Lao động Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dương.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng): Vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho mỗi tư lệnh ngành

Việc đổi mới chất vấn lần này đòi hỏi ĐBQH phải hỏi thẳng, không giảng giải, với bộ trưởng cũng vậy. Các bộ trưởng phải trả lời thẳng vào vấn đề chứ không tranh thủ báo cáo thêm thành tích. Nếu bộ trưởng không nắm chắc lĩnh vực của bộ mình, ngành mình, trả lời không chuẩn xác thì các ĐB sẽ tranh luận lại. Dù có thể rất căng, nhưng đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho mỗi tư lệnh ngành.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Làm rõ tình trạng thất thoát vốn, tài sản nhà nước

Với cách thức đổi mới chất vấn, các tư lệnh ngành phải trả lời thẳng, chứ không thể báo cáo tình hình, hay nói vấn đề khác để kéo dài thời gian. Điều được nhiều cử tri, ĐB quan tâm, như trong lĩnh vực tài nguyên môi trường là tình hình quản lý đất đai, liên quan đến những khiếu kiện đất đai kéo dài, đông người. Hay trong lĩnh vực GTVT, nổi lên gần đây là tai nạn đường sắt, vậy việc quản lý của ngành thế nào? Công tác cán bộ ra sao?

Về phiên chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngay trong các phiên thảo luận tại Quốc hội đã nổi lên vấn đề quản lý vốn, tài sản nhà nước. Chính phủ đã thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vậy hoạt động của ủy ban này thế nào, có khắc phục được tình trạng thất thoát vốn, tài sản nhà nước không? Hay tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, nguyên nhân tại sao, làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ?

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Lấy trả lời chất vấn để đánh giá tín nhiệm

Có thể nói, cử tri đánh giá rất cao nỗ lực của các bộ trưởng trong thời gian qua, đã cố gắng trả lời, sau đó đi vào giải quyết, hoặc tổ chức thực hiện. Song cử tri cũng mong muốn phải có cơ chế mạnh hơn nữa, xử lý chế tài mạnh hơn nữa với những vấn đề đã nêu trong chất vấn mà các bộ trưởng không thực hiện. Có thể gọi đó là vấn đề hậu giám sát.

Cử tri nhấn mạnh mong muốn có cơ chế minh bạch xử lý trách nhiệm của các cá nhân, hoặc tập thể khi không thực hiện đầy đủ những kiến nghị nêu trong các nghị quyết giám sát, cũng như nghị quyết chung của Quốc hội. Cử tri cũng mong rằng, ĐBQH căn cứ trên chất lượng trả lời chất vấn, chất lượng thực thi công vụ, thực hiện các vấn đề chất vấn, sẽ lấy làm căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm của các vị bộ trưởng, các thành viên do Quốc hội bầu ra khi lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 6, vào cuối năm 2018.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV kéo dài từ 4 – 6/6. Hôm nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, với nhóm vấn đề: Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về quản lý đất đai, tình trạng ô nhiễm môi trường, các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Sau đó, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, với nhóm vấn đề: Thực trạng thị trường lao động trong và ngoài nước; các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em…

Ngày 6/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra tại mỗi phiên chất vấn, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực cùng các tư lệnh ngành khác sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan. Phiên chất vấn lần này được đối mới theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”, hỏi 1 phút, trả lời 3 phút.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.