Đổi mới để hội nhập sâu rộng hơn

Sau 30 năm đổi mới, nhiều công trình hiện đại đã được xây dựng khắp mọi miền đất nước. Trong ảnh: Cầu Rồng ở Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sau 30 năm đổi mới, nhiều công trình hiện đại đã được xây dựng khắp mọi miền đất nước. Trong ảnh: Cầu Rồng ở Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 24/8, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 với sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển. 

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục phát huy bài học về chớp thời cơ, đại đoàn kết, đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn, hạn chế để phát triển và hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn.   

Theo ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành quả của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy hy sinh gian khổ của nhân dân Việt Nam. Đây là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập tự do của nhân dân ta, thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đề cập đến tình hình đất nước hiện nay, ông Huynh cho rằng, có nhiều cơ hội thuận lợi, song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đan xen. Điều này đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, các giá trị lịch sử và tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 để quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn.

Diệt tham nhũng để bảo vệ thành quả cách mạng

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và chính sách Quốc gia, từ khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới (Đại hội Đảng lần VI, năm 1986) vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã ngày càng được nâng cao. 

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta vẫn phải đang đối diện với những thử thách lớn cả về đối ngoại và đối nội. Trong đó, nổi lên là những phức tạp liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thứ hai là tệ nạn tham nhũng, suy thoái đã và đang thực sự thách thức sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

“Việc hóa giải những nguy cơ trên tùy thuộc và khả năng chúng ta vận dụng đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh đốn Đảng - tức là phải coi tham nhũng là “giặc nội xâm”, phải dùng luật pháp và điều lệ Đảng để loại bỏ “một bộ phận không nhỏ” ra khỏi hàng ngũ. Bởi chúng đang đánh cắp thành quả cách mạng của Đảng và thành quả lao động của nhân dân”, ông Nguyên nói.

Bà Phạm Thị Vượng, Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng, trong thời đại ngày nay thử thách lớn nhất đối với đất nước ta là vấn đề bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vì thế cần vận dụng bài học thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là đoàn kết- đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là điều hết sức quan trọng.

 “Đảng và Mặt trận Tổ quốc cần tăng cường, chủ động đoàn kết quốc tế để giải quyết vấn đề biển Đông. Một mặt, Đảng và Mặt trận đoàn kết với bạn bè các nước, đưa vấn đề biển Đông ra công luận quốc tế, tạo được sự đồng thuận cao của dư luận trong và ngoài nước, lên án, phê phán mạnh mẽ các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo”, bà Vượng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Vỹ, Học viện Chính trị khu vực IV, ngoài việc đoàn kết thì trong điều kiện hiện nay, nhà nước phải tạo ra những điều kiện và môi trường thuận lợi để nhân dân phát huy tốt quyền làm chủ, vai trò, khả năng và sức đóng góp của mình. Đặc biệt, trong đường lối phát triển kinh tế, nhà nước phải thực sự đảm bảo về môi trường đầu tư tốt đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để Việt Nam thực sự là nơi đến lý tưởng của những nhà đầu tư trong và ngoài nước.

MỚI - NÓNG