Đổi mới mạnh mẽ để triệt tiêu lực cản

Ông Phạm Thế Duyệt.
Ông Phạm Thế Duyệt.
TP - “Đã đến lúc không thể chậm trễ tiến trình đổi mới được nữa. Phải đổi mới thật nhanh đưa kinh tế phát triển. Chúng ta đổi mới để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, củng cố bộ máy, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng… thì nhân dân ủng hộ, chứ có gì đâu mà phải sợ”, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị nói với PV Tiền Phong trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Là người từng tham gia vào quá trình đổi mới ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, sau 30 năm nhìn lại ông đánh giá thế nào về những thành tựu và những hạn chế của quá trình đổi mới?

Tôi nhớ, khi góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình ra Đại hội VI, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, ở giai đoạn này không thể duy trì chính sách hai giá, bao cấp được nữa. Kinh tế lúc đó rất khó khăn, lạm phát tăng cao, đời sống người dân khó khăn, nếu không đổi mới, không phát huy các thành phần kinh tế thì khó mà phát triển…. Do đó, việc đưa ra các quyết sách đổi mới là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đổi mới lúc đó cũng diễn ra hết sức thận trọng, trong đó lấy kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Đổi mới kinh tế đi trước, chính trị, thể chế sẽ được đổi mới từng bước một cách vững chắc, phù hợp.

Nhìn lại thì thấy các quyết sách thời đó là vô cùng đúng đắn, tạo lực đẩy để đất nước phát triển. Điều đặc biệt nữa là không khí và các quyết sách đổi mới được duy trì liên tiếp từ Đại hội VI cho đến Đại hội VII, Đại hội VIII. Nhờ đó kinh tế, xã hội đất nước ngày càng phát triển với tốc độ rất cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Hình ảnh lãnh đạo tuần nào cũng phải đi dòm kho gạo xem còn nhiều hay ít đã chấm dứt. Sau đó chúng ta còn vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo…

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, việc đổi mới diễn ra không được như mong muốn. Tình trạng bộ máy cồng kềnh, tham nhũng, quan liêu kéo dài… tạo lực cản rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông có suy nghĩ gì khi trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII những ý kiến đề nghị đổi mới mạnh mẽ như tinh thần của ĐH Đảng VI được nhắc đến nhiều?

Bây giờ càng phải đổi mới và phải đổi mới mạnh mẽ. Đừng có chậm đổi mới nữa. Đổi mới mà cứ chậm trễ thì biết đến bao giờ mới bắt kịp được các nước trong khu vực và trên thế giới. Các nước như Hàn Quốc, Singapore trước đây cũng nghèo khó như chúng ta, thế mà giờ đây lại vượt lên, bỏ rất xa chúng ta. Câu hỏi đặt ra là phải chăng người dân ở các nước đó thông minh hơn người Việt Nam? Không phải, cái chính là do đổi mới và những quyết sách đúng đắn tạo ra.

Bây giờ chúng ta phải tự hỏi và trả lời cho được câu hỏi là tại sao người dân có tiền lại cứ gửi vào ngân hàng, không đầu tư vào sản xuất kinh doanh? Tại sao bao nhiêu người đi du học ở nước ngoài, có trình độ rất cao nhưng không về nước làm việc…? Tại sao tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực làm ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn nhiều? Tại sao bộ máy vẫn cứ cồng kềnh…?

Với thực trạng đó thì việc đổi mới đã cần thiết chưa? Tôi nghĩ đã đến lúc không thể chậm trễ tiến trình đổi mới đất nước được nữa rồi. Phải làm thế nào để tiếp tục đổi mới thật nhanh để đất nước phát triển. Phải nghĩ, làm cách nào để thu hút được thật nhiều đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng muốn làm được điều đó thì tiếp tục mới thôi, không có cách nào khác.

Tiếp tục đổi mới thì theo ông chọn khâu nào “đột phá khẩu”?

Đổi mới thì phải thể hiện bằng hành động chứ không thể chỉ hô hào. Đổi mới lúc này là phải làm sao lựa chọn được người có đức và tài vào bộ máy. Cái tài đó phải thể hiện bằng hành động, ở quyết sách, ở sự chỉ đạo, chứ không ở lý thuyết. Đồng thời phải thực hiện dân chủ để trọng dụng trí thức trong xã hội.

Hiện nay nhiều công ty, đơn vị trong nước còn đi thuê chuyên gia nước ngoài thì cớ gì người Việt Nam lại không sử dụng nhân tài của Việt Nam. Phải có cơ chế sử dụng, trọng dụng nhân tài như Bác Hồ đã sử dụng, trong đó trọng dụng cả người tài ngoài Đảng. Lúc này là lúc hành động và làm theo lời Bác, phải trọng dụng cả người tài ngoài Đảng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG