Đôi ngả suối vàng

Những ngày này đã có nhiều thân nhân đến viếng mộ trong các nghĩa trang liệt sỹ (ảnh ở Nghĩa trang liệt sỹ quận Ô Môn). Ảnh: Sáu Nghệ
Những ngày này đã có nhiều thân nhân đến viếng mộ trong các nghĩa trang liệt sỹ (ảnh ở Nghĩa trang liệt sỹ quận Ô Môn). Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Dịp 27/7, con cháu tập trung viếng mộ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Nữ ở phường Trung Kiên (Thốt Nốt, Cần Thơ). Sau đó, đi mấy cây số đến Nghĩa trang liệt sỹ quận Thốt Nốt viếng mộ ông Hoàng Tuấn Anh. Vợ chồng ông bà qua đời trong năm 2007.

Nhắc chuyện mộ ông và bà ở hai nơi xa cách nhau, con cháu họ nghẹn ngào: Đây là nỗi buồn đau day dứt không biết bao giờ mới nguôi. Lắng nỗi bức xúc, họ nói sẵn sàng chia sẻ cùng Tiền Phong với điều kiện, không nêu tên con cháu của ông bà. “Không nêu tên chúng tôi vì đây là vấn đề đang nhức nhối của nhiều gia đình, vấn đề chung của xã hội chứ không phải riêng gia đình chúng tôi. Gia đình chúng tôi muốn đề cập ở bình diện đó, không phải khiếu nại riêng tư”, một người con của ông bà, cán bộ lãnh đạo cấp sở thành phố Cần Thơ, giải thích.

Hai ngả

Ông Hoàng Tuấn Anh sinh năm 1923, ở xã Trung Nhứt (Thốt Nốt, Cần Thơ), tham gia cách mạng trước năm 1945. Thực ra, ông họ Huỳnh nhưng để giữ bí mật hoạt động và bảo vệ gia đình, ông đổi thành họ Hoàng. Qua nhiều chiến trường, ông lấy bà Hồ Thị Nữ ở xã Nhơn Nghĩa (Phong Điền, Cần Thơ), cách quê nhà dăm chục cây số. Con cái của ông, có người cũng mang họ mẹ là Hồ, để tránh sự truy sát của địch. Một người con của ông kể: “Trong xã có một người bạn thuở nhỏ của cha tôi nhưng theo phía đối lập làm cảnh sát chìm, truy lùng cha tôi dữ lắm”.

“Đề nghị tiêu chuẩn đừng cứng đờ, lạnh lùng. Ước nguyện bên nhau dưới suối vàng là thiêng liêng, khi cha mẹ không bị chia hai ngả cõi âm thì con cháu cõi dương mới yên lòng, góp phần vào bình yên xã hội”.

Một người con của ông Tuấn Anh và bà Nữ

Giữa năm 1972, ông Hoàng Tuấn Anh trong đoàn công tác về xây dựng cơ sở cách mạng ở quê nhà Thốt Nốt. Bởi vì, Thốt Nốt lúc đó cơ sở cách mạng rất mỏng, yếu. Lịch sử quận Thốt Nốt viết: “Đoàn công tác hình thành Ban cán sự Đảng do đồng chí Võ Kim Anh (Hai Kim) làm Trưởng ban, với 3 đội công tác: Đội công tác binh vận có các đồng chí Hoàng Tuấn Anh (Hai Râu), Lương Hoàng Bê (Ba Bê), Chín Nghĩa…”. Các đội công tác hoạt động hiệu quả, xây dựng được lực lượng mạnh để giải phóng Thốt Nốt cùng dịp với cả miền Nam. Ông Hoàng Tuấn Anh làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Quân quản, sau đó là Chủ tịch UBND cách mạng Thốt Nốt những năm đầu giải phóng. Năm 1986, ông nghỉ hưu và qua đời giữa năm 2007, thọ 85 tuổi (tính theo âm lịch), an táng vào khu từ trần ở Nghĩa trang liệt sỹ quận Thốt Nốt.

Bốn tháng sau, bà Hồ Thị Nữ đi theo ông. Bà đã được tặng nhiều huân chương vì suốt mấy chục năm nuôi chứa cán bộ cách mạng, có 2 con trai liệt sỹ. Con cháu của bà xin đưa bà vào nằm gần ông trong Nghĩa trang liệt sỹ quận Thốt Nốt theo nguyện vọng của ông bà, nhưng không được, vì “không có tiêu chuẩn”. Họ chạy xin đến cấp cao nhất của thành phố Cần Thơ vẫn không có kết quả, vì “tiêu chuẩn là tiêu chuẩn”. Con cháu của ông bà đành ngậm ngùi đưa bà về an táng trong đất hương hỏa ở phường Trung Kiên (Thốt Nốt), bên cạnh mộ tổ tiên.

Sau này, bà Hồ Thị Nữ được truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, khi tiêu chuẩn hạ từ có 3 con xuống 2 con liệt sỹ. Với danh hiệu cao quý, bà đủ tiêu chuẩn an táng trong nghĩa trang liệt sỹ. “Nhưng cha mẹ chúng tôi mồ mả đã yên ổn rồi, trong nghĩa trang liệt sỹ thì bên cạnh cha tôi đã có người khác được an táng. Bây giờ, chúng tôi cũng không biết tính như thế nào nữa? Chỉ thương cha mẹ bao năm trong chiến tranh đã chia cắt, ao ước khi nằm xuống được vĩnh viễn bên nhau, ước nguyện giản dị mà con cháu không thực hiện được”, một người con của ông bà bật khóc.

Những con số

Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ quận Thốt Nốt, ông Lê Văn Triều, cho biết nghĩa trang hiện có 619 mộ liệt sỹ, 31 mộ từ trần. Trong số mộ từ trần, nhiều người thọ trên 70 và 80 tuổi nhưng không có ai là vợ chồng. “Tôi làm quản trang đã 26 năm, chứng kiến nhiều người muốn cha mẹ họ khi từ trần được nằm cạnh nhau nhưng vì tiêu chuẩn quy định nên không được”, ông Triều nói.

Đôi ngả suối vàng ảnh 1

Trưởng ban Quản trang Lê Văn Triều bên mộ ông Hoàng Tuấn Anh ở Nghĩa trang liệt sỹ quận Thốt Nốt

Kế bên Thốt Nốt, ở Nghĩa trang liệt sỹ quận Ô Môn, ông Trưởng ban Quản trang Trần Thanh Hoàng cho biết, có 2.789 mộ liệt sỹ, 150 mộ từ trần. Trong nghĩa trang chỉ có hai cặp vợ chồng (chồng liệt sỹ, vợ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và cán bộ từ trần). “Còn 148 mộ từ trần (hơn 98,6% số mộ từ trần) không có vợ hoặc chồng bên cạnh”, ông Hoàng nói.

Nghĩa trang liệt sỹ Long Tuyền chung cho các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Trưởng ban Quản trang Hà Tấn Nhâm cho biết, hiện có 912 mộ liệt sỹ, 852 mộ từ trần. Trong số mộ từ trần, chỉ có 30 người là vợ chồng nằm gần nhau, còn lại 822 mộ (gần 96,5%) đang đơn độc. “Tôi nói đang đơn độc vì không biết chồng hoặc vợ của họ đã qua đời hay còn sống, tuy nhiên theo tôi thì đa số cũng đơn độc. Bởi vì, nếu có tiêu chuẩn được nằm cạnh nhau, con cháu của họ đã báo để dành vị trí”, ông Hoàng nói.

Còn ở Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Cần Thơ, có 3.300 mộ liệt sỹ và 600 mộ từ trần. Trưởng ban Quản trang Trần Nam cho biết, trong số mộ từ trần có 32 người là vợ chồng, và hiện khu này đã kín chỗ nên chắc chắn 568 mộ (gần 94,7%) nếu thân nhân họ để yên ổn ở đây, sẽ không có vợ hoặc chồng bên cạnh.

Bà Hằng, Phó phòng Chính sách của Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ, cho biết mỗi khi làm việc với thân nhân của người vừa qua đời, đều giải thích rõ tiêu chuẩn để quyết định chôn cất ở đâu. “Có gia đình, chồng đủ tiêu chuẩn nằm ở nghĩa trang thành phố nhưng nếu chuyển về nghĩa trang quận thì hai vợ chồng được nằm bên nhau và họ đã chuyển. Cũng có trường hợp chôn cất ở nhà, như cha tôi đủ tiêu chuẩn ở nghĩa trang thành phố nhưng muốn nằm gần mẹ tôi nên an táng ở đất nhà”, bà Hằng nói.

Tiêu chuẩn

Các ông Trưởng ban Quản trang hằng ngày đối diện với nỗi ẩn ức của nhiều gia đình, nói rằng vấn đề không phải là giải quyết từng trường hợp cá biệt, mà đặt ra tiêu chuẩn cần đáp ứng nguyện ước của đa số. “Cha ông xưa đã nói, của chồng công vợ, phải nghiên cứu sao cho an lành chốn tâm linh ở khu từ trần trong nghĩa trang, chứ như hiện nay chia rẽ hầu hết vợ chồng người ta sau khi qua đời là chưa hay”, Trưởng ban Nhâm thẳng thắn.

Đôi ngả suối vàng ảnh 2

Khu mộ dành cho người từ trần được mở rộng bên Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Cần Thơ 

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Xuân, thừa nhận nỗi bức xúc của hàng trăm gia đình đã có từ lâu, rất chính đáng, phải tìm giải pháp. Ông cho biết, cũng chính vì thế, từ năm 2011, Sở LĐTB&XH triển khai dự án mở rộng Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Cần Thơ ra phía sau, xây dựng khu mộ dành cho người từ trần để cố gắng sắp xếp các đôi vợ chồng nằm cạnh nhau. Đến nay đã xong mặt bằng, đang làm đường đi, thiết kế được 1.355 hộc mộ.  

Nhưng theo ông Xuân, quy định thế nào cho cả hai vợ chồng cùng được vào khu từ trần của nghĩa trang, nằm cạnh nhau thì đang bàn. Chẳng hạn, vợ (chồng) không đủ tiêu chuẩn thì phải trả tiền hạ tầng, nhưng tất cả phải trả hay với cấp nào thì không, và làm sao để không gây thắc mắc ở gia đình những người đã từ trần trước đây? “Sở LĐ-TB&XH tham mưu mấy phương án, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp bàn nhiều lần nhưng chưa quyết định được”, ông Xuân nói.

Trong lúc, các Trưởng ban Quản trang bộc bạch, vấn đề bức xúc đã kéo dài, nay bàn mãi chưa ra giải pháp là quá chậm. Con cháu ông Hoàng Tuấn Anh và bà Hồ Thị Nữ mong muốn, xã hội sớm chấm dứt tình trạng chia cắt đau buồn như gia đình họ. Theo họ, vấn đề tâm linh là văn hóa, cần thấu đáo, tránh hình thức hoành tráng bề ngoài. “Đề nghị tiêu chuẩn đừng cứng đờ, lạnh lùng. Ước nguyện bên nhau dưới suối vàng là thiêng liêng, khi cha mẹ không bị chia hai ngả cõi âm thì con cháu cõi dương mới yên lòng, góp phần vào bình yên xã hội”, một người con của ông bà nói…

Kể ra câu chuyện của Cần Thơ và nói giùm cho nhiều địa phương khác.

Việc an táng người từ trần vào Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Cần Thơ, hiện nay, thực hiện theo quy định của Thành ủy Cần Thơ. Theo đó, những cán bộ có mức lương từ 6,1 đối với nam và 5,76 đối với nữ trở lên được an táng, nhưng có 3 loại mộ chia theo chức vụ: Cấp phó sở, từ Giám đốc sở đến Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trên ủy viên Thường vụ đến Ủy viên Bộ Chính trị. Ở nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện do huyện ủy quy định cho cán bộ thấp hơn. Đều không có quy định cho vợ chồng được nằm cạnh nhau.


MỚI - NÓNG