Đói nghèo sinh phá rừng phòng hộ

Đói nghèo sinh phá rừng phòng hộ
TP - Gần 80  hộ dân làng Díp, xã Ia Kreng, Chư Pah (khu vực tái định cư lòng hồ Sê San 3A nhiều năm nay sang xã Ia Tăng, Sa Thầy phát rừng phòng hộ làm nương rẫy. Chính quyền địa phương bó tay bởi khu tái định cư làng Díp không có đất tái định canh.

Ông Huỳnh Văn Di, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, Gia Lai,  trong báo cáo về việc một số hộ dân làng Díp xâm canh tại Ia Tăng, Sa Thầy cho rằng, do những bức xúc và đời sống quá khó khăn nên, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, 60 hộ dân làng Díp lén lút sang địa bàn xã Ia Tăng (thuộc tiểu khu 642) huyện Sa Thầy phát khoảng 13 ha đất sản xuất.

Tháng 4/2009, các hộ trên đã dọn mặt bằng, tỉa một ít bắp, dựng lên 21 chòi lợp bằng tôn, 15 chòi lợp lồ ô. Sau khi phát hiện, huyện Sa Thầy đã triển khai phương án xử lý và thông báo cho huyện Chư Pah biết.

Nhận thấy tình hình phức tạp, ngày 26/4, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Chư Pah đến hiện trường bàn biện pháp xử lý, đồng thời vận động nhân dân tự tháo dỡ toàn bộ các chòi. Đến ngày 27/4, tất cả các chòi đã được tháo dỡ xong và tình hình đã ổn định.

Thế nhưng ngày 11/6 khi chúng tôi trực tiếp cùng Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng đi kiểm tra tình hình phá rừng làm rẫy trên địa bàn Díp, Ia Kreng thì được biết tổng số hộ sang phát rừng phòng hộ xâm canh ở Sa Thầy là 78 chứ không phải 60 hộ.

Riêng 19 hộ phát nương rẫy ở tiểu khu 642 đã là 16,7 ha, 59 hộ phát nương rẫy ở nơi khác từ nhiều năm nay chưa thống kê được. Quan sát các nương rẫy của dân ở tiểu khu 642 nhiều rẫy lúa, sắn đã lên xanh, cây rừng chặt hạ nằm ngổn ngang trên sườn núi, khác xa với báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Chư Pah rằng đây là khu vực rừng lồ ô, tre nứa có thể khai hoang đồng ruộng.

Tái định cư không đất sản xuất

Làng Díp, xã Ia Kreng, Chư Pah, Gia Lai là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Làng Díp hiện có 166 hộ, 738 khẩu. Theo Chủ tịch UBND xã Ia Kreng ông Võ Hồng Tánh, làng Díp hiện được xếp vào một trong những làng đặc biệt khó khăn bởi phần lớn các hộ thuộc diện nghèo đói, thiếu đất sản xuất. Cả làng 738 nhân khẩu song chỉ có chưa đầy hai héc ta lúa nước.

Từ năm 2002 khi công trình thủy điện Sê San 3 và Sê san 3A xây dựng, toàn bộ làng Díp và phần lớn đất sản xuất của dân bị ngập trong lòng hồ Sê San 3A. Nhà máy Thủy điện Sê San 3A có hai tổ máy, công suất 108 MW được khởi công xây dựng từ cuối năm 2003 tại địa bàn xã Ia Khai, huyện Ia Grai (Gia Lai).

Tuy nhiên toàn bộ lưu vực hồ chứa 8.084km2 chủ yếu thuộc khu vực huyện Sa Thầy, Kon Tum, huyện Chư Pah, Gia Lai. Dự án thủy điện Sê San 3A được xem là công trình có suất đầu tư thấp trong số các công trình thủy điện lớn trên sông Sê San. Giá thành đầu tư thấp, số hộ dân tái định cư và đất sản xuất phải bồi thường do ngập lòng hồ rất ít, làng tái định cư của công trình thủy điện này lại thiếu bền vững.

Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng cho rằng, theo nguyện vọng của dân làng Díp  muốn sống gần làng cũ, công tác tái định cư chỉ vén dân lên gần đường vào công trình Sê San 3, cách làng cũ gần hai kilômét, dù nơi đây không đủ đất sản xuất.

Kỳ thực, qua tìm hiểu của chúng tôi, khu vực làng tái định cư hiện nay vốn là cánh đồng. Năm 2000 chính quyền huyện Chư Pah lập dự án xây dựng đồng ruộng, làm công trình thủy lợi tốn kém hàng trăm triệu đồng, dù không đưa được nước vào ruộng song vẫn nghiệm thu quyết toán gây lãng phí lớn. Vài năm sau huyện Chư Pah chọn nơi này tái định cư, xóa nhòa dấu vết của công trình thủy lợi hoang phí.

Nguy cơ xung đột tiềm ẩn

Làng mới tái định cư nhìn từ xa khang trang với những nếp nhà mới đỏ au, thẳng hàng như phố thị, song lại bất tiện cho dân miền núi bởi không có vườn để chăn nuôi, trồng trọt, không có đất canh tác, ba mặt làng là núi đá cao chênh vênh, mặt còn lại là sông Sê San, bên kia bờ thuộc rừng phòng hộ huyện Sa Thầy.

Lúc đầu mới về khu tái định cư dân được dự án hỗ trợ lương thực, thực phẩm một số giống cây con sản xuất dân bớt khó khăn. Song, đến nay, những hỗ trợ ấy đã hết, đời sống của dân càng khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện Chư Pah nhận xét rằng, Việc các hộ dân ở xã Ia Kreng sang phá rừng phòng hộ ở Sa Thầy sản xuất nương rẫy là do sự sinh tồn, họ không có sự lựa chọn nào khác. Nếu chính quyền các cấp không cho phép thì họ cũng không chịu yên vì đói khát. Chính quyền huyện Chư Pah kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai làm việc với tỉnh Kon Tum cho phép các hộ dân này được canh tác lâu dài trên diện tích đã phát dọn (là rừng phòng hộ).

Trong khi đó, chủ rừng là Cty Đầu tư LNCN và DV Sa Thầy cho rằng: Các hộ dân xâm canh vào rừng phòng hộ không những không chấp hành việc ngăn chặn của cán bộ quản lý mà còn bất chấp pháp luật, ngang nhiên trồng tỉa, dựng lán trại. Việc ngăn chặn không hiệu quả dẫn đến diện tích xâm canh ngày càng lớn và càng phức tạp, dân ngày càng coi thường pháp luật.

Theo Th.S Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn Phát triển (CODE), cường độ mưa lớn diễn ra trong thời gian ngắn cộng với việc con người có tác động làm suy giảm khả năng phòng vệ, giảm diện tích và chất lượng thảm thực vật rừng.

Mặc dù, theo thống kê, độ che phủ rừng những năm qua có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng. Xét về giá trị sinh học và bảo vệ đất thì rừng trồng dù có sử dụng các loại cây có độ tàn che tốt đến mấy cũng không thể so sánh được với rừng tự nhiên ngay cả khi rừng tự nhiên chỉ ở dạng rừng nghèo kiệt.

Chính vì vậy, Th.S Nhã cảnh báo, nếu không sớm có một chính sách ở tầm vĩ mô để giải quyết những bất cập trong bố trí tái định cư ở các tỉnh miền núi như đối với khu tái định cư lòng hồ Se San 3A, rừng tự nhiên còn có nguy cơ bị tận diệt hơn nữa và, hệ quả là, thảm họa kiểu như vừa xảy ra ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc cuối tuần qua là khó tránh khỏi.

* Theo Cục Kiểm lâm, từ năm 2007 đến hết quý I/2009, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước có trên 16.000 ha rừng bị phá trắng, gần 2.000 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. 

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.