Đối ngoại hóa giải thách thức

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 5/2. Ảnh: Phạm Kiên
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 5/2. Ảnh: Phạm Kiên
TP - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm qua khẳng định, năm 2014, Việt Nam đã làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng; góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập quốc tế toàn diện…

Ngày 5/2 tại Hà Nội, phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng, nhiệm vụ của ngành ngoại giao Việt Nam trong năm 2014 nặng nề hơn do tình hình quốc tế có nhiều thách thức, khó khăn. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều… An ninh, chính trị thế giới có nhiều bất an, bất ổn, như xung đột ở Ukraine, điểm nóng Hoa Đông, biển Đông tăng nhiệt, bên cạnh các thách thức phi truyền thống như dịch Ebola, khủng bố, an ninh nguồn nước… Tuy nhiên, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, tăng trưởng gấp đôi mức trung bình thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao xác định nhiệm vụ là tập trung hóa giải thách thức, tranh thủ cơ hội và các điều kiện quốc tế thuận lợi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói. 

“Chúng ta đã thay đổi tư duy đối ngoại đa phương, chuyển từ tham gia sang chủ động đóng góp, xây dựng luật chơi chung”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng cho biết, 2014 là năm Việt Nam thực sự đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu. Sau khi đẩy mạnh thể chế hóa khuôn khổ quan hệ với các đối tác (thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước) trong năm 2013, đến năm 2014, Việt Nam đi vào triển khai cụ thể, đồng thời tiếp tục nâng cấp quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng. Năm qua, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên đối tác chiến lược sâu rộng, thỏa thuận với Malaysia và Philippines hướng tới đối tác chiến lược. 

Điều đáng chú ý là trong khi đa số nền kinh tế lớn còn gặp khó khăn, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng đều tăng so với năm 2013: Với Trung Quốc tăng 17,16%, với Mỹ tăng 20%, với Liên minh châu Âu tăng 9%, với Nhật Bản tăng 9,7%, với Ấn Độ tăng 13%. Riêng với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất, Việt Nam thậm chí đã vươn lên thành nước ASEAN có giá trị xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ với tổng giá trị xuất khẩu đạt 29,4 tỷ USD.

Không đơn độc trong khó khăn 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, công tác đối ngoại năm qua đã góp phần đắc lực vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Môi trường chiến lược năm qua nổi lên nhiều thách thức, đặc biệt là trên biển Đông. Phó Thủ tướng nói rằng, vụ giàn khoan Hải Dương 981 và các vụ việc xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh cho thấy, vấn đề biển Đông không chỉ là thách thức đối với an ninh chủ quyền biển đảo mà còn có thể ảnh hưởng ổn định kinh tế - xã hội nếu không được xử lý đúng đắn. Vụ giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy Việt Nam đã phát huy tối đa các biện pháp chính trị - ngoại giao, xử lý hài hòa hai nhiệm vụ khó là duy trì hòa bình, ổn định và bảo vệ chủ quyền. “Các nỗ lực đó khiến chúng ta nhận thấy khi gặp khó khăn, ta không bị đơn độc”, Phó Thủ tướng nói.

Về chính trị - ngoại giao, Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực. Với việc phê chuẩn 2 công ước quốc tế về chống tra tấn và quyền của người khuyết tật, Việt Nam trở thành nước đi đầu trong ASEAN với việc đã thông qua 7/9 công ước quốc tế quan trọng của Liên Hợp Quốc về quyền con người… Năm qua, Việt Nam cũng chính thức tham gia Sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Về quốc phòng - an ninh, lần đầu tiên Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thể hiện trách nhiệm chung trong các vấn đề khu vực như tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH-370 cùng với 26 nước; lần đầu tiên tổ chức cuộc họp bộ trưởng quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản; tham gia diễn tập hải quân quốc tế Komodo gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho biết, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 2/6 hiệp định thương mại tự do lớn (với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan), vận động thêm 12 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường, nâng tổng số lên 56 nước. Các chủ trương với người Việt Nam ở nước ngoài cũng tiếp tục được triển khai bằng nhiều biện pháp cụ thể, nhằm vận động nguồn lực vật chất và tri thức của kiều bào. Kiều hối năm 2014 đạt 13 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013.

MỚI - NÓNG