Đối phó bão số 1, đề phòng mưa lớn và lũ quét

Kè biển ứng phó với sóng dữ
Kè biển ứng phó với sóng dữ
TP - Khả năng bão số 1 (Côn Sơn) sẽ đi qua khu vực Móng Cái (Quảng Ninh), các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng mưa lớn gây sạt lở, lũ quét… Đó là nhận định của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư, sáng 15-7.

>> Bão Côn Sơn nhiều khả năng uy hiếp Quảng Ninh

Kè biển ứng phó với sóng dữ
Kè biển ứng phó với sóng dữ . Ảnh: Đỗ Hữu Tuấn

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, xác suất bão số 1 vào vùng Bắc vịnh Bắc bộ là rất lớn, nhất là khu vực Móng Cái (Quảng Ninh).

Theo dự báo, chiều nay (16-7), vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, 11, giật cấp 12, 13, biển động dữ dội.

Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9 - 10, giật cấp 11, 12.

Ông Hải cảnh báo, từ khoảng 19 giờ hôm nay, vùng miền núi và trung du Bắc bộ có thể có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa rất to. Một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái,… cần đề phòng lũ lớn, sạt lở nghiêm trọng.

Thượng tá Lê Bá Tự (Bộ Tư lệnh Biên phòng) cho hay, đến ngày 15-7, số tàu kiểm đếm từ Quảng Ninh đến Bình Định gần 52.000 tàu với hơn 239.000 lao động. Trong đó, còn 13 tàu ở Quảng Nam hoạt động ở khu vực giữa biển Đông, quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa liên lạc được dù có máy Icom.

Có 33 tàu của Quảng Ngãi hoạt động ở khu vực thời tiết nguy hiểm (quần đảo Hoàng Sa) dù đã nhận được thông báo từ sớm vẫn không lánh vào khu vực an toàn, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đang chuẩn bị sẵn 12 tàu hải quân, 5 máy bay túc trực, sẵn sàng tham gia các tỉnh huống khẩn cấp.

Tàu đánh cá ở các tỉnh miền Trung vào tránh bão
Tàu đánh cá ở các tỉnh miền Trung vào tránh bão . Ảnh: H.L

Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, các tỉnh biên giới phía Bắc cần chú ý đề phòng khi mưa to có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở lớn. Các tỉnh ven biển nằm trong diện cảnh báo phải chủ động công tác hậu cần cho tàu trú ngụ. Vì thực tế lâu nay, khi nhận được tin bão, các tàu thuyền đổ dồn cập bến cùng một lúc.

Đối với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, cần có phương án cho các cần cẩu, vì khi bão vào có thể gãy cần cầu như trước đây. Khi mưa lớn, các bãi thải than ở Quảng Ninh, cũng có thể sạt lở gây nguy hiểm cho nhà dân và giao thông.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết: Xác suất ảnh hưởng của bão số 1 đến khu vực đông bắc nước ta là rất lớn, đặc biệt khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Các thông tin về cơn bão cần cập nhật thường xuyên để dân biết.

Đối với số tàu của Quảng Nam chưa liên lạc được, bằng mọi cách phải liên hệ bằng được để hướng dẫn tàu về khu vực an toàn. Ở Quảng Ninh, Hải Phòng, nơi có nhiều tàu du lịch, do đã ký hợp đồng tour với khách nên nhiều chủ tàu không muốn hủy chuyến.

Thực tế, nhiều năm trước, không phải chủ tàu cá bị thiệt hại, mà là các tàu du lịch. Riêng 33 tàu cá không chịu vào bờ, một mặt khuyên bảo họ đi về phía Nam, mặt khác liên hệ phía các nước trong khu vực, tạo điều kiện cho tàu trú ẩn tránh bão khi cần thiết.

Ngay sáng 15-7, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có công điện khẩn số 7, gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn tàu về nơi trú tránh an toàn. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, tùy tình hình thực tế, UBND các tỉnh có thể ban hành lệnh cấm biển, rà soát phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn, đề phòng lũ quét, bố trí trực ban 24/24 giờ.

Quảng Ninh: 159 tàu đánh bắt xa bờ đã tránh bão

Tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi về nơi trú ẩn, di chuyển nhà bè, lồng bè cá trên biển về vị trí an toàn. Tổ chức neo đậu an toàn tàu thuyền trong các khu tránh trú bão. Các huyện ven biển triển khai phương án bảo vệ dân cư ở những vùng trũng, thấp.

Tàu thuyền du lịch vào vịnh tránh bão
Tàu thuyền du lịch vào vịnh tránh bão.

Đến 19 giờ ngày 15-7, hàng nghìn tàu bè công suất dưới 90CV đã về nơi neo đậu an toàn. Đã có 136 trong tổng số 159 tàu đánh bắt xa bờ (công suất trên 90CV) đã vào nơi neo đậu. Hiện, 23 chiếc còn lại dự kiến đến 21 giờ cùng ngày sẽ về tới nơi tránh bão.

Nam Định, Thái Bình: Hàng nghìn tàu đánh cá vào nơi trú ẩn

Ông Đỗ Văn Khánh, Chi Cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh này đã sẵn sàng các phương án ứng phó với cơn bão số 1. Toàn tỉnh hơn 70 km bờ biển ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, có hơn 2.000 tàu đánh cá trên biển đã được liên lạc, vào nơi trú đậu an toàn.

Tại Thái Bình, Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho hay, đã liên lạc với hơn 1.400 tàu thuyền với trên 3.800 công nhân đang đánh cá trên biển, hướng dẫn họ về nơi trú tránh.

Tỉnh này cũng đã ra 2 công điện, yêu cầu huyện có lực lượng túc trực thường xuyên, sẵn sàng ứng phó khi bão đến. Thái Bình cũng lên các phương án di dời dân đối với những điểm xung yếu ở đoạn 50 km bờ biển, thuộc các huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Hải Phòng: Gần 36 nghìn người sẵn sàng hộ đê

Chiều 15-7, Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc với lãnh đạo Hải Phòng về phương án chống cơn bão số 1.

Ban chỉ huy PCLB tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng cho biết, gần 36 nghìn người sẵn sàng ứng trực hộ đê, PCLB. Trong đó, lực lượng chủ lực do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm gồm hơn 6 nghìn người, 133 xe ôtô các loại, 34 tàu, xuồng cao tốc, 04 xe thiết giáp... Lam Khê

Thanh Hóa chuẩn bị phương án di dời dân

Chiều 15-7, ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sáu huyện ven biển của tỉnh đã chuẩn bị các phương án di dời dân để đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão có thể ảnh hưởng đến khu vực; kiểm soát chặt chẽ, không cho tàu thuyền ra khơi khai thác...

Tàu thuyền tránh bão Côn Sơn tại Cảng Hới
Tàu thuyền tránh bão Côn Sơn tại Cảng Hới.

Đến 15h chiều ngày 15-7, toàn tỉnh đã có 8.013 phương tiện tàu, thuyền (gồm 25.202 lao động) đã vào nơi trú ẩn an toàn. Còn lại 1.007 phương tiện tàu, thuyền (6.798 lao động) đang hoạt động trên biển ở các vùng biển Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cô Tô, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh…).

Các tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển đều đã có liên lạc thường xuyên với gia đình và đã nhận được thông tin về cơn bão Côn Sơn.

Xuất hàng phục vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) một số mặt hàng từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2010.

Số lượng các mặt hàng được xuất cấp cụ thể như sau: 900 bộ nhà bạt cứu sinh các loại (trong đó 500 bộ loại 16,5 m2; 300 bộ loại 24,75 m2 và 100 bộ loại 60 m2); 50.000 chiếc phao áo cứu sinh; 50.000 chiếc phao tròn cứu sinh; 200 chiếc bè cứu sinh nhẹ và 10 bộ thiết bị chữa cháy đồng bộ.

X.Q
Theo Chinhphu.vn

MỚI - NÓNG