Đờn ca tài tử miệt vườn - Bài cuối: Vui buồn nghề hát xướng

Các thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử Đông Thạnh đang tập dượt.
Các thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử Đông Thạnh đang tập dượt.
TP - Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Đông Thạnh (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) được thành lập từ năm 1994 và duy trì hoạt động tới nay. Trải qua nhiều biến cố, nhưng 20 thành viên trong câu lạc bộ vẫn gắn bó mật thiết và sống hết mình với niềm đam mê nghệ thuật cải lương, ca cổ.

Cô đào chính bất đắc dĩ

“Hôm đó đang tập diễn, còn mấy bữa nữa thi hội diễn xã nông thôn mới, chị Bảy tôi nghe cuộc điện thoại ở nhà gọi nói mẹ tôi đang bệnh nặng không kịp đưa đến bệnh viện. Tôi và chị liền bỏ micro chạy một mạch về nhà, đến nơi thì mẹ tôi đã ra đi. Chôn cất mẹ xong, chị tôi lại lâm trọng bệnh. Tôi vừa phải chăm sóc vừa phải hát thay phần chị. Dù buồn đau, nhưng để hoàn thành vở diễn, đến cảnh vui vẫn phải cười thật tươi trên sân khấu, rồi sau đó ôm mặt khóc ròng khi hạ màn”, bà Nguyễn Diệu Nghiêm, thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Đông Thạnh tâm sự.

Đó cũng là nguyên do để bà Nghiêm có kỷ niệm đáng nhớ nhất sau hơn 30 năm gắn với cải lương. Bà Nghiêm rớm nước mắt nhớ lại, sáu ngày sau khi mẹ mất, chị Bảy nhập viện vì căn bệnh hở van tim 2 lá và hoại tử xương đùi. “Chị Bảy nói định ráng đi chích thuốc đỡ vài bữa sau khi hoàn thành chương trình hội diễn công nhận xã nông thôn mới rồi hãy đi bệnh viện, nhưng chưa kịp chích thuốc thì…”- bà Nghiêm kể.

Tưởng chừng như mọi chuyện đã buông xuôi khi chỉ còn 4 ngày nữa là tới ngày diễn. Thấy tình cảnh “gay go”, bà Nghiêm nảy ra ý định thay chị nên vừa chăm sóc chị, vừa học lời. Hay tin, gia đình kịch liệt phản đối việc bà ca hát lúc này. “Em tôi nói một câu làm tôi cứ trằn trọc suy nghĩ hoài: Mẹ mới mất, chị Bảy thì bệnh nặng nằm viện, chị còn vui vẻ gì mà lên đó ca hát, rồi người ngoài nhìn vô người ta nói gì về gia đình mình?”. Mặc dù vậy, bà Nghiêm vẫn quyết nén nỗi buồn để hoàn thành trách nhiệm với địa phương. Ông Thân Văn Tặng - Chủ nhiệm câu lạc bộ kể: “Lúc hay tin mẹ Diệu Nghiêm mất, anh em tụi tôi tưởng như trời sập. Phần vì buồn, phần lo cuộc thi bị bể vì hai chị em nó không hát được. Gia đình xảy ra nhiều việc không may cùng lúc như vậy tôi biết tâm trạng nó không thể vui vẻ mà ca được. Vậy mà nó vẫn làm rất giỏi. Với hoạt cảnh Nông thôn mới, người diễn chẳng những phải thể hiện sự vui tươi mà còn phải cười thật tươi để thể hiện tâm trạng phấn khởi, hồ hởi khi quê hương được nâng lên một tầm cao mới”.

Ở một tiết mục khác, bà Nghiêm vào vai một nữ tướng trong trích đoạn Hào khí Việt Nam. Như một người nghệ sĩ chuyên nghiệp, lành nghề, bà Nghiêm bước từng bước đi khoan thai, từng cử chỉ, nét mặt, khẩu hình đến cái nhíu mày cũng đều toát lên vẻ kiên trung bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến. Những sự nỗ lực, cố gắng của câu lạc bộ cuối cùng cũng được đền đáp bằng một giải thưởng xứng đáng.

Đờn ca tài tử miệt vườn - Bài cuối: Vui buồn nghề hát xướng ảnh 1

Nghề mưu sinh chính của bà Nghiêm khi không đi hát.

Nghiệp kỳ cục

Mỗi người một nỗi niềm riêng, nhưng ai nấy đều tâm huyết với bộ môn nghệ thuật dân tộc này. Ông Châu Văn Trường, nguyên Chủ nhiệm câu lạc bộ, từng là một tay đờn điêu luyện và là trụ cột, đờn chính của câu lạc bộ. Nhưng căn bệnh tai biến đột ngột ập đến đã khiến ông bị liệt nửa người, không còn đàn được nữa. Ông Trường cho biết theo học lỏm ngón đờn từ lúc 11 - 12 tuổi. Học lén được một thời gian, ông về mua cây đờn cũ đã bị vỡ và được vá lại bán với giá rẻ để tập. “Mấy chục năm gắn bó mà giờ không đờn được nữa, tôi rất buồn. Thấy người ta đờn, tay tôi cứ ngo ngoe nhưng không thể mà tức”- ông Trường chia sẻ. Mặc dù vậy, ông vẫn tham gia sinh hoạt câu lạc bộ đều đặn.

Đến nhà ông Út Tặng, ông Trường xem lại mấy tấm hình chụp lúc ông cùng các thành viên đi hát chỗ này, chỗ kia. Vang tiếng gần xa, câu lạc bộ của ông chiếm được nhiều cảm tình của bà con khắp nơi. Hễ nhà ai có đám tiệc đều mời câu lạc bộ của ông đến hát giúp vui. Ông Trường cho biết, bất kể mưa gió, gần xa, anh em trong câu lạc bộ đều đi đến nơi để phục vụ khi có yêu cầu. Những buổi tối trời mưa đi đường mòn sình lầy, người nào người nấy cũng đều chạy xe mò đường mà đi. “Tôi nói vui: Mắc cái nghiệp gì kì cục, người ta giờ này ở nhà với vợ con ấm cúng rồi, ai như tụi mình khuya lắc khuya lơ mà còn chạy nhong nhong ngoài đường mưa gió, cực khổ như vầy”- ông Trường tâm sự. Đổi lại những cực khổ đó, khi cất tiếng hát, những nghệ nhân nhận được tràng pháo tay hay cành hoa của khán giả là niềm hạnh phúc vô cùng, mọi gian nan dường như tan biến hết.

Vừa nhâm nhi tách trà nóng, ông Út Tặng vừa lên vài câu vọng cổ ngọt lịm. Theo nghề ca hát đã mấy chục năm nhưng chất giọng của lão nông 61 tuổi vẫn rất mùi. Ca được vài câu, ông Út dừng lại thở dài nhắc chuyện: “Người già thì thích thể loại này hơn giới trẻ. Mấy lần đi hát đám cưới, tụi tôi đều dành cho lớp thanh niên trai tráng khoảng thời gian hơn một tiếng để nhảy nhót, ca hát theo nhạc trẻ. Tới khi có người yêu cầu cổ nhạc thì năn nỉ tụi nó nhường sân khấu lại là trần ai. Có bữa tụi nó xỉn xỉn vác cả ghế đánh mấy ông già tụi tôi, hay đập phá nhạc cụ, máy móc nữa”.

Đờn ca tài tử miệt vườn - Bài cuối: Vui buồn nghề hát xướng ảnh 2

Vợ chồng bà Trang trong căn nhà do câu lạc bộ hỗ trợ.

Dùng cát - xê xây nhà cho người nghèo

Mỗi năm câu lạc bộ kiếm được trên 100 triệu đồng tiền cát-xê. Số tiền kiếm được, câu lạc bộ không chia nhau tiêu xài mà dành phần lớn để xây nhà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Đông Thạnh đã xây mới và sửa chữa 15 căn nhà trị giá mỗi căn trên từ hơn 10 - 45 triệu đồng. Đồng thời, câu lạc bộ còn kết hợp với hội bảo trợ người nghèo của xã mua vật liệu xây dựng làm 182 bộ cột bê tông, mỗi bộ trị giá 2,8 triệu đồng cho bà con nghèo. “Đi hát là chỉ để giải trí thôi, chứ không là thu nhập để sống bởi vì ai cũng có công việc làm ăn riêng”- ông Út Tặng giải thích, đồng thời cho biết, số tiền kiếm được, thời gian đầu dùng để sinh hoạt câu lạc bộ, sắm sửa trang thiết bị, may đồng phục đi diễn… Sau này, khi việc sắm sửa đã tương đối đủ dùng, câu lạc bộ trích ra làm công tác xã hội.

Ông Út cho biết, căn nhà đầu tiên câu lạc bộ hỗ trợ là cho danh cầm Hoàng Yến ở Hậu Giang, một người bạn rất thân với anh em câu lạc bộ. Hoàng Yến đờn rất giỏi, nhưng nghèo, sau này ông bị thoái hóa cột sống và liệt 2 chân. Thấy vậy, các thành viên trong câu lạc bộ bàn tính và thống nhất trích quỹ và vận động thêm các nhà hảo tâm cất cho Hoàng Yến căn nhà.

Một lần đi hát về trong đêm, đang đi gặp trời mưa, cả đoàn ghé vào một túp lều cạnh đường ở ấp Hóa Thành (xã Đông Thành) trú mưa. Trong túp lều lụp xụp được vá víu bằng những tấm bạt nhặt nhạnh, một bà già và 5 đứa cháu nhỏ nằm co ro trong mùng. Chạnh lòng trước cảnh khốn khó, mọi người bàn nhau cất cho bà một căn nhà mới. Thầy, thợ xây dựng căn nhà chính là những thành viên của câu lạc bộ. Nam đảm nhận vai trò xây dựng, nữ phụ làm những việc lặt vặt, cơm nước. Bà Nguyễn Thị Sáu (72 tuổi), người được tặng nhà nói trong sự xúc động: “Có được ngôi nhà lành lặn là mơ ước từ rất lâu của tôi nhưng chưa thực hiện được. Vì gia đình nghèo, các con bà đều phải đi làm ăn xa, kiếm cái ăn cái mặc đã khó, nói chi đến cất một ngôi nhà”. Bà Nguyễn Diệu Trang vốn là thành viên trụ cột của câu lạc bộ đờn ca tài tử Đông Thạnh từ ngày mới thành lập. Do hoàn cảnh khó khăn, lại mang bệnh hiểm nghèo nên bà không thể đi hát với câu lạc bộ như trước nữa. Các thành viên trong câu lạc bộ cũng quyết định cất cho bà Diệu Trang ngôi nhà để tránh mưa tránh nắng. Bà Trang xúc động: “Không được đi hát nữa tôi rất nhớ nghề, nhiều lúc coi lại mấy tấm hình hay băng đĩa tôi không cầm được nước mắt. Số mình như vậy, nhưng được sự quan tâm của anh chị em trong câu lạc bộ, tôi thấy ông trời cũng đã đối đãi hậu hĩnh với tôi lắm rồi”.

Ông Nguyễn Minh Giang – Phó chủ tịch xã Đông Thạnh cho biết: “Ngoài việc ca hát, câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Đông Thạnh còn tham gia vận động giúp đỡ các hộ khó khăn về nhà ở và những hộ cận nghèo. Việc làm này đã góp phần tạo niềm tin trong nhân dân, đồng thời giúp cho địa phương hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở theo đúng tiêu chí của xã Nông thôn mới”.

MỚI - NÓNG