Đón các anh từ Trường Sa trở về đất mẹ

Đón các anh từ Trường Sa trở về đất mẹ
TP - Chuyến tàu HQ 633 vừa cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa mang theo hài cốt của 3 liệt sĩ Trường Sa về vòng tay quê hương, gia đình.

> Tin thêm về việc phát hiện 670 hài cốt tại Hội An

Trung tá Tuấn đặt con nằm xuống. Ông đã ôm hài cốt liệt sĩ Hùng suốt đường về nhà. Ảnh: Phạm Duẩn
Trung tá Tuấn đặt con nằm xuống. Ông đã ôm hài cốt liệt sĩ Hùng suốt đường về nhà. Ảnh: Phạm Duẩn.

Rạng ngày 30-7, trung tá hải quân Hoàng Đức Tuấn sau chuyến bay từ Khánh Hòa về Hà Nội rồi về Hải Phòng, hai tay ôm chặt hài cốt người con trai đầu lòng, không nói nên lời.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, trung tá Tuấn không nghĩ đến một ngày đón người con trai duy nhất, cháu đích tôn của dòng họ về nhà như thế này.

Ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể Đổng Quốc Bình (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) chật người thân, xóm giềng đến thắp hương cho liệt sĩ Hùng. Mẹ của liệt sĩ Hùng, bà Nguyễn Thị Thúy lần giở tư trang của con mà khóc.

Ông, bác và bố mẹ của Hùng đều là sĩ quan quân đội. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hùng đi bộ đội và làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn (Trường Sa). Ngày 25-7-2004, không quản sóng lớn, Hùng quyết tâm cứu tàu và bất ngờ bị lốc xoáy nhấn chìm xuống biển sâu. Mấy ngày sau, đồng đội mới tìm được thi thể của Hùng. Anh hi sinh ở tuổi 20 và cấp hàm hạ sĩ, khẩu đội trưởng.

Hằng năm, mỗi lần có tàu ra Trường Sa, trung tá hải quân Nguyễn Thị Thúy lại tìm cách xin theo tàu ra thăm con và bà ngồi bên mộ Hùng trò chuyện hàng giờ. “Mong ước đưa Hùng về quê bấy lâu đã thành hiện thực...”, bà Thúy nói.

Ông Hoàng Đức Tuấn cho biết, vượt qua nhiều chặng đường, mất 20 ngày với sự giúp đỡ của các đơn vị thuộc quân chủng Hải quân, gia đình mới đưa Hùng về nhà theo đúng tâm nguyện. Người chôn cất, cải táng liệt sỹ Hùng đều là những đồng đội ở Trường Sa...

Cùng về trên chuyến tàu từ Trường Sa còn có hai liệt sĩ Đỗ Khánh Hưng và Phạm Văn Thế. Liệt sĩ Hưng hi sinh ngày 16-1-2005 khi đang làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca. Lúc đó, anh Hưng mới 25 tuổi và cấp bậc hạ sĩ, chiến sĩ ra-đa.

Anh Hưng được gia đình chuyển về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hòa (Nha Trang, Khánh Hòa). Cả hai anh Hùng và Hưng khi hi sinh đều vẫn chưa lập gia đình riêng.

Liệt sĩ cùng về còn lại là anh Phạm Văn Thế, quê ở huyện Vũ Thư, Thái Bình. Anh Thế hi sinh ngày 7-9-2006 khi đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa. Lúc hi sinh, anh Thế 28 tuổi, cấp bậc trung úy và là trợ lí hậu cần.

Khi trung úy Phạm Văn Thế lên đường ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ thì người vợ mới cưới của anh đang mang thai đứa con đầu. Anh Thế hi sinh khi con anh còn chưa ra đời và cháu giờ đã 5 tuổi.

“Sói biển” Mai Phụng Lưu (ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) vừa có chuyến đánh bắt thủy sản ở ngư trường quần đảo Trường Sa về cập đảo Cô Tô (Quảng Ninh).  Nghe tin liệt sĩ Hoàng Đăng Hùng về nhà, ông Lưu vội vàng bắt tàu xe về Hải Phòng thắp nén hương tri ân với Hùng.

“Ngư dân chúng tôi với các chiến sĩ hải quân là người nhà. Chúng tôi vẫn ăn, ở, chia sẻ với nhau mỗi lần tránh bão hay gặp khó khăn như người thân trong gia đình. Nghe tin hài cốt liệt sĩ Hùng về quê, tôi đến nhà thắp nén hương như lời cảm ơn của ngư dân chúng tôi với các anh, lời chia sẻ, chia buồn với gia đình các anh...”, ông Mai Phụng Lưu nói.

Cả ba liệt sĩ Phạm Văn Thế, Đỗ Khánh Hưng và Hoàng Thế Anh (tức Hoàng Đặng Hùng) đều an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương và được chính quyền, đoàn thể tổ chức lễ truy điệu trọng thể tại quê hương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG