Đón giao thừa ở chùa Hương

Đón giao thừa ở chùa Hương
TP- Ngày cuối năm, những con đường vọng niệm đưa hàng trăm Phật tử từ nơi phố thị trở về chốn núi rừng hoang vu. Phật tử tụ về chùa Hương đón giao thừa rất đông.
Đón giao thừa ở chùa Hương ảnh 1
Chùa Thiên Trù

Hương Sơn không xa thế giới thị thành, nhưng cách biệt bởi núi non bát ngát, quanh co suối Yến, trập trùng hang động. Suối Yến chiều tất niên huyền phiêu trong sương khói, lãng đãng đâu đây những bông súng lững lờ trôi. Hai bên bờ suối là những vạt lúa chạy dài theo dòng nước, tiếp giáp với những dãy núi đá xanh mờ trong sương, khiến cảnh vật thêm huyền ảo.

Khó mà phân định rõ đâu là đường ranh giới giữa trời và nước, chỉ nghe lao xao tiếng niệm Phật trên những con đò đang xuôi dòng. Khoả tâm hồn mình xuống nước, nhờ suối Yến rửa trôi mọi vọng lầm mê chấp, ta vào Hương Sơn.

Bữa cơm chay chùa Hương chiều 30 Tết. Vô vàn xúc cảm đan xen. Chiếc chiếu trải trên nền đất ấm lấp lánh ánh rêu xanh, dưới những gốc cây cổ thụ ngàn năm tuổi. Đó đây, tiếng mõ vang lên, đều đều chầm chậm. Mùi hương trầm kín đáo thoang thoảng qua làn gió, khiến mỗi con người như lạc vào nơi thời gian ngưng đọng.

Những món ăn chỉ là tương, dưa, rau, đậu, chuối xanh… Mâm cơm ngày Tết trình bày giản dị, thanh đạm nhưng ngon vô cùng. Phật tử được hướng dẫn niệm Tam đề, Ngũ Quán trước khi bưng bát cơm lên.

Miếng thứ nhất: nguyện đoạn trả hết thảy việc ác.

Miếng thứ hai, nguyện tu học hết thảy việc thiện.

Miếng thứ ba nguyện cầu giúp hết thảy mọi người, mọi loài.

Chuyện ăn uống giản tiện mà trở nên nghiêm túc vô cùng.

Đón giao thừa ở chùa Hương ảnh 2
Đại đức Thích Minh Hiền cho chữ đêm giao thừa

Suốt đêm 30 Tết, chư tăng chùa Hương tất bật đón tiếp, hướng dẫn Phật tử vào lễ Phật. Từ 11 giờ đêm, lên khoá lễ cúng giao thừa, tụng kinh phẩm môn cho đến 12 giờ kém 10 phút thì chấm dứt.

Nguyên Đán là tết cổ truyền của một số nước (trong đó có Việt Nam), nhưng ngày này không phải là bắt đầu năm mới của Phật Giáo, bởi một năm của Phật Giáo khởi sinh từ ngày Phật Đản.

Tuy nhiên, ngày mồng 1 tháng 1 Âm lịch trùng với ngày Đức Phật Di Lặc Đản Sinh, tượng trưng cho sự hoan hỉ, an lạc. Hết khoá lễ, nổi ba hồi chuông trống Bát Nhã (còn gọi là 3 hồi chuông trống thược đường), tứ chúng vân tập tại chính điện chùa để lễ Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).

Lần lượt niệm những bài kinh kệ: cúng hương giới định tuệ; kinh duy na tán thán công đức vô lượng của Phật; Sám chủ xướng cung thỉnh mười phương chư Phật; tụng nam mô Long hoa Giáo chủ Di Lặc tôn Phật.

Hoàn thành nghi thức đảnh lễ tam Bảo, cũng là qua thời khắc giao thừa, nhà chùa có bài sớ cầu cho quốc thái dân an, sơn môn tăng chúng ngày càng đỉnh thịnh.

Xong khoá lễ Tam Bảo và giao thừa, nhà chùa tổ chức cho tăng chúng, Phật tử đi lễ tháp, nhiễu khắp lượt các ban, các tháp để lễ Tổ. Với cố Thượng Tọa Thích Viên Thành, có khoá lễ nhỏ: nhiễu quanh tháp Chân Tịnh, vừa đi vừa tụng niệm kinh Phật.

Sau đó các Phật tử cùng về nhà khách của chùa. Nhà chùa tặng quà, chúc tết Phật tử năm mới an lạc. Tận 2 giờ sáng mới xong việc chúc tụng, bước vào tục lệ được mọi người mong đợi nhất: khai bút thư pháp.

Đại Đức Thích Minh Hiền (Động chủ đời thứ 12 tông phong Hương Tích) viết tặng cho mỗi người một tấm thiếp thư pháp, tặng cho các Phật tử xin chữ đầu năm.

Chữ được người ta xin nhiều nhất là chữ “Phúc” và chữ “Cát tường”, có người xin chữ “Lộc”, chữ “Thành”... Chữ “Nhẫn” là chữ mà nhiều bậc cao niên thường xin để treo trong nhà như một lời răn dạy con cháu.

Sau một đêm đón giao thừa chốn núi rừng Hương Sơn, tinh mơ Nguyên đán, Phật tử lại xuống đò trở về nơi thị thành. Những ai được trải qua một đêm trừ tịch chốn Hương Sơn, mới thẩm thấu được sự ngọt ngào của không gian trầm uẩn. 

Trong không gian tâm linh vời vợi, tiếng chuông chùa đổ vào thung lặng lẽ. Tựa thân vào chốn Hương Sơn đêm trừ tịch, lắng nghe những tiếng niệm Phật, để học cách đi chậm lại, lắng hồn theo những kẽ rêu bậc đá, tiếng mõ câu kinh, tìm cho mình vài thoáng tâm linh trước khi trở về cõi tục.

MỚI - NÓNG