Đơn khiếu nại huyện rốt cục lại “chạy” về… huyện

Bí thư Đinh La Thăng thăm ông Lê Văn Đạt - thương binh chiến trường biên giới Tây Nam, sau buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Bí thư Đinh La Thăng thăm ông Lê Văn Đạt - thương binh chiến trường biên giới Tây Nam, sau buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
TPO - Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, cử tri Lê Hoàng Sang phản ánh về đơn khiếu nại UBND huyện Củ Chi vi phạm pháp luật lên Thanh tra Chính phủ nhưng cuối cùng đơn lại... “chạy” về huyện.

Tiếp tục trong ngày 5/8, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã cùng tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị bầu cử số 9 tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi, TPHCM.

Bà Huỳnh Hoàng Mai (ngụ ấp 2, xã Hòa Phú) cho biết, nghe tin có đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, bà lật đật đi không kịp ăn sáng để trình bày bức xúc về việc giải quyết đền bù cho dân tại dự án KCN Đông Nam kéo dài nhiều năm nay.

Theo bà Mai, khoảng năm 2009-2010 mới thành lập đơn vị đền bù cho dự án, vậy mà trước đó, năm 2007, khi chưa đền bù mà huyện Củ Chi đã ra quyết định thu hồi đất là trái luật, “ép” giá đền bù của dân… “Trong số những người đi thưa kiện vụ việc này, có người đã nhắm mắt xuôi tay mà cũng chưa nhận được tiền đền bù”, bà Mai nói.

Cùng ngụ tại xã Hòa Phú với bà Mai, ông Lê Hoàng Sang cũng phản ảnh về KCN Đông Nam. “Chúng tôi đã thưa ra tới Thanh tra Chính phủ 9 năm rồi. Chính tôi là người làm đơn thưa UBND huyện Củ Chi vi phạm pháp luật. Nhưng cuối cùng đơn khiếu nại huyện lại chạy về huyện”, ông Sang giãi bày.

Đơn khiếu nại huyện rốt cục lại “chạy” về… huyện ảnh 1

Bí thư Đinh La Thăng thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Nào, sau buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc 

Trả lời cử tri, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - cho biết, dự án KCN Đông Nam quy mô 338 ha, có 821 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện đã giải tỏa được 316 ha, và còn 61 hộ chưa giải quyết thỏa đáng. Tất cả hồ sơ liên quan đến vụ việc này đã được chuyển UBND thành phố giải quyết.

Theo đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường, dường như người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về KCN Đông Nam, có sự chưa công khai, minh bạch trong thông tin về vấn đề này. Sở cho biết, từ dự án đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2006 với tên gọi KCN Tân Quy. Đến năm 2008, dự án đổi tên thành KCN Đông Nam. Vụ kiện ra tòa án tối cao, phiên giám đốc thẩm đã bác nguyện vọng của người dân về việc đòi hủy quyết định thu đất và đơn giá đền bù.

Tìm mọi giải pháp, giúp nông dân tăng năng suất nuôi bò sữa

Sau khi nghe phần trả lời kiến nghị của người dân về hỗ trợ giống cây trồng và chăn nuôi bò sữa, Bí thư Thăng đã yêu cầu đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không nói chung chung. “Bây giờ bà con chỉ cần nuôi bò sữa đạt năng suất cao, thì phải làm sao, đổi giống ở đâu, tiền chuyển đổi giống ở đâu, có thể cấp cho bà con giống mới không, nơi tiêu thụ như thế nào v.v…? Sở Nông nghiệp phải tìm kỹ nguyên nhân, tìm mọi giải pháp để giúp người nông dân nâng cao thu nhập, năng suất từ chăn nuôi bò sữa”, ông Thăng yêu cầu.

Nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về sự nhếch nhác, xuống cấp của Tỉnh lộ 15. Theo ông Hồ Văn Thành (xã Tân Thạnh Tây), đi khắp các quận huyện của thành phố, không thấy con đường nào xấu bằng Tỉnh lộ 15.

Trả lời việc này, ông Nguyễn Văn Tám - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải - cho biết, do chưa đủ vốn để bố trí, nên thành phố quyết định đầu tư Tỉnh lộ 15 theo hình thức đối tác công tư. Nhưng hiện cũng chưa có nhà đầu tư nào tham gia. Riêng vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, vì đường này cũng chưa có hệ thống thoát nước, nên sở đã giao đơn vị thuộc sở phối hợp Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM khảo sát, để có phương án xử lý.

Tuy nhiên, ông Thăng không đồng ý cách trả lời này: “Nếu chưa đầu tư được thì phải có biện pháp bảo trì sửa chữa ngay cho dân đi lại. Giờ phải làm thế nào để khắc phục ngay ổ gà, thoát nước, bảo đảm nhu cầu đi lại cho bà con”. Nghe xong, ông Tám hứa trong tháng này sẽ sửa chữa những đoạn ổ gà.

MỚI - NÓNG