Đón Tết trong trung tâm cai nghiện

Các học viên đang tất bậc trang trí đón Tết tại Trung tâm.
Các học viên đang tất bậc trang trí đón Tết tại Trung tâm.
TPO - Tết là dịp để người thân trong gia đình đoàn viên, vui vẻ. Thế nhưng, vì sa vào con đường nghiện ngập, Trương Nguyễn H. M năm nay phải đón tết ở Trung tâm Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giới thiệu việc làm Nhị Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM.

Ngoài H.M, Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giới thiệu việc làm Nhị Xuân hiện có gần 500 người nghiện sẽ đón Tết tại Trung tâm năm nay. Họ đang tất bậc trang trí đèn điện, chuẩn bị gói bánh chưng, bánh giầy… để đón một cái Tết mà không ai muốn có trong cuộc đời.

Chốn bình yên trong cõi lòng

Có mặt tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giới thiệu việc làm Nhị Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng rất “xuân” đang về với các học viên nơi đây.

Tại các tuyến đường nội bộ của Trung tâm, học viên trang trí cờ hoa cùng hệ thống đèn chiếu sáng. Những cây mai giả được các học viên khéo tay tỉ mỉ gắn lên từng đóa hoa vàng rực rỡ.

Trương Nguyễn H. M, sinh năm 1987, mặt u sầu vì nhớ con, nhớ mẹ nói: “Vào đây rồi mới biết thế nào là giá trị của sự bình yên, sự tự do và hạnh phúc gia đình. Tết đến rồi mà không thể ở cùng con cái, cùng mẹ già đón Tết, đã thế lại phải để mọi người lo cho mình. Em hối hận lắm”.

M. sinh ra trong gia đình bố mẹ làm nhà nước nhưng do ham chơi, M. sa vào nghiện ngập từ năm 2008. Đến tháng 6/2014, M. được đưa đi cai nghiện tại Trung tâm. Trải qua hai đời chồng với hai đứa con nhưng giờ đây, M cảm thấy vô cùng cô đơn và buồn tủi, bởi chồng đã chia tay, còn con cái lâu lâu mới được gặp một lần.

“Ở đây xa gia đình, xa con cái nhưng được cái bình yên. Mặc dù buồn nhưng đây là khoảng thời gian bình yên nhất trong cuộc đời, là cơ hội để em nhìn nhận lại cuộc đời”, M nói.

Anh T.Đ.T.L (36 tuổi, TPHCM), học viên cai nghiện tại Trung tâm cho biết, đây là dịp để mọi học viên có cơ hội giao lưu, thấu hiểu về nhau hơn. Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm càng khiến anh thấm thía giá trị cuộc sống, ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình.

“Mình không thể trách ai, Trung tâm không lấy tự do của mình, gia đình cũng không lấy tự do của mình. Chính mình đã đưa mình vào đây”, L nói.

L. tâm sự: “Thời gian đầu rất nhớ nhà và cha mẹ. Điều dĩ nhiên là không ai muốn ở lại, chỉ muốn về nhà. Tết được sống, học tập, vui chơi và rèn luyện trong đây là điều mình cảm thấy an ủi. Mình tự hứa là sẽ cố gắng để về với gia đình, sống có ích với người thân”.

Cùng cảm xúc với anh L., anh D. (35 tuổi) cho biết, Tết là dịp để gia đình đoàn viên. Tuy nhiên, vì không được về với gia đình, người thân nên anh và các bạn học viên ai cũng buồn và không tránh được suy nghĩ không tốt. Nhưng theo anh, lỗi cũng do mình, nên phải cố gắng học tập, rèn luyện tốt để hẹn năm sau sẽ về.

“Sống trong môi trường hòa đồng, được điều trị dứt cơn, được tạo điều kiện học nghề, Tết về được Trung tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, ca hát…, khiến cho lòng mình phấn chấn, không còn buồn như trước nữa. Chỉ hy vọng sớm ngày được đoàn tụ với gia đình.” Anh D. chia sẻ thêm.

Đón Tết trong trung tâm cai nghiện ảnh 1

Nhiều học viên nữ phải xa con, đón Tết tại Trung tâm

Tết sẻ chia

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Hữu Thám, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giới thiệu việc làm Nhị Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM cho biết, hiện nay, Trung tâm đang thực hiện quản lý các học viên cai nghiện theo 2 diện.

Thứ nhất là diện bắt buộc bao gồm những người nghiện lang thang, không nơi cư trú tại địa bàn 10 quận, huyện thuộc thành phố.

Thứ hai là diện thực hiện theo đề án cai nghiện của thành phố từ năm 2008 đến nay, gồm những người đến trung tâm cai nghiện tự nguyện.

Tết Ất Mùi 2015, tại trung tâm có khoảng 300 học viên thuộc diện bắt buộc và 150 học viên thuộc diện tự nguyện sẽ ở lại trung tâm đón Tết. “Để chăm lo cho các học viên có 1 cái Tết tươm tất và ý nghĩa, từ thời điểm hiện tại đến mùng 4 Tết, các khu, đội thuộc Trung tâm đã thực hiện trang trí Tết, chuẩn bị các chương trình giao lưu văn nghệ, gói bánh,… mang không khí Tết ấm cúng đến với các học viên.

Ngoài ra, trung tâm đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm và hàng hóa để cung ứng cho học viên trong các ngày lễ”, ông Thám nói.

Theo ông Thám, việc chuẩn bị Tết được Trung tâm được phân công cụ thể theo chuyên môn.

“Học viên nào khéo tay thì cho may cờ, thêu tranh, trang trí cây mai; học viên nào giỏi kỹ thuật thì cho trang trí đèn điện… với phương châm, các bạn tự làm tự hưởng thụ”, ông Thám nói.

Song song đó, Trung tâm còn tổ chức phối hợp các cơ quan như Sở Lao động Thương binh Xã hội, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các đoàn thể… tổ chức tặng quà cho các học viên không liên lạc được với gia đình. Ngoài ra, trong dịp Tết, để ổn định tinh thần cho học viên, Trung tâm còn tổ chức cho học viên gặp gỡ thân nhân, gia đình. Bên cạnh đó, để đảm bảo tình hình trật tự, các cán bộ, công nhân viên tại trung tâm đã ứng trực 80% quân số trước, trong và sau Tết.

Theo ông Thám, đây là năm đầu tiên trung tâm đón nhận đối tượng theo diện 221 (các đối tượng nghiện lang thang, không nơi cư ngụ). Qua thời gian thực hiện, trung tâm đã từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu để hoàn thành việc cắt cơn, ổn định, hòa nhập và chăm sóc sức khỏe cũng như tinh thần cho nhóm đối tượng mới.

“Trung tâm luôn cố gắng tạo không khí Tết cũng như hương vị Tết đến từng học viên. Điều này giúp các học viên ổn định tinh thần khi được sinh hoạt và đón Tết như ở nhà”, ông Thám nói.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG