Đồng bằng sông Cửu Long chỉ được “tiếp nước” đến cuối tháng này

Đồng bằng sông Cửu Long chỉ được “tiếp nước” đến cuối tháng này
TPO - Lượng nước xả từ Trung Quốc, Lào hiện đã về đến Đồng bằng sông Cửu Long và có khả năng đẩy mặn từ ngày 7/4 tới. Dự kiến Đồng bằng sông Cửu Long chỉ được “tiếp nước” đến cuối tháng 4/2016, sang tháng 5, độ mặn khả năng tăng lên.

Chiều 5/4, tại cuộc họp thông tin về tình hình hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết:  Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại nước này, đã công bố con số chính thức về lượng xả nước tại đập Cảnh Hồng (Vân Nam, Trung Quốc) xuống hạ lưu sông Mekong.

Theo đó ngày 15/3, phía Trung Quốc đã thông báo với các nước liên quan quan lưu vực sông Mekong về phương án cấp nước khẩn cấp cho vùng hạ lưu thông qua thủy điện Cảnh Hồng với lưu lượng bình quân là 2.000 m3/s. Từ 8 giờ ngày 15/3 đến nay, lượng nước chảy từ hồ chứa nước Cảnh Hồng đo được là 2.200 m3/s, gấp 3-3,5 lần so với lưu lượng nước tự nhiên và tăng hơn so với với phương án ban đầu là 10%.

Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, dẫn số liệu của Ủy hội sông Mekong cho biết, Trung Quốc đã gia tăng phát điện từ ngày 9/3 và đạt đỉnh từ ngày 12/3 và khá ổn định từ ngày 14/3 tới nay.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố xả nước từ ngày 15/3 đến ngày 10/4. Như vậy, thông báo này còn chậm hơn cả quá trình vận hành thực của của thủy điện Cảnh Hồng, làm gia tăng nước về hạ lưu, được xem là đợt xả bình thường của thủy điện Trung Quốc, lưu lượng xả tăng từ 1.100 m3/s lên 2.100 m3/s.

Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Lào tuyên bố xả nước phát điện vào khoảng 1.130 m3/s từ ngày 23/3 đến hết tháng 5. Tuy nhiên, thực tế, lượng xả gia tăng dự đoán chỉ khoảng 500-600 m3/s, một phần trước đó vẫn được xả phát điện.

Theo Tổng cục Thủy lợi, việc vận hành gia tăng của thủy điện Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng ngày 4/4. Cùng đó, việc xả nước của các thủy điện dòng nhánh thuộc Lào về đến Việt Nam mất thời gian khoảng 8-10 ngày.

Như vậy, khả năng lượng nước này sẽ về cùng với đợt nước từ Trung Quốc về đến Việt Nam như dự báo trước đó (ngày 4/4) và có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 7/4/2016 trở đi.

Ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban sông Mekong Việt Nam cho biết, theo tính toán, lượng nước xả tăng từ Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam dự kiến chỉ kéo dài đến 29/4. Tổng lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong đợt xả lần này khoảng 1,44 tỷ m3. Đây là lượng nước đáng kể hỗ trợ bà con vùng Tây Nam bộ chống hạn, mặn.

Theo ông Cường, lưu lượng dòng chảy trên sông Mekong trung bình hàng năm khoảng 475 tỷ m3, trong đó 95% là từ các nước thượng nguồn đổ về. Phía Trung Quốc đang có 6 đập thuỷ điện ở thượng nguồn sông Mekong, trong đó Cảnh Hồng là đập cuối trong chuỗi 6 đập trên.

MỚI - NÓNG