Đồng bằng sông Cửu Long: Dịch rầy nâu rất nguy cấp

Đồng bằng sông Cửu Long: Dịch rầy nâu rất nguy cấp
TP - Báo cáo mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT): Diện tích lúa Hè -Thu ở các tỉnh phía Nam hiện còn trên đồng ruộng khoảng 580.000 ha, lúa Thu-Đông và lúa Mùa đã xuống giống 250.000 ha.
Đồng bằng sông Cửu Long: Dịch rầy nâu rất nguy cấp ảnh 1
Ảnh minh họa.

Thế nhưng, diện tích lúa nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tăng lên từng ngày.

Mặc dù lúa Hè-Thu đang thu hoạch nhưng diện tích nhiễm rầy nâu vẫn cao (khoảng 29.300 ha), mật độ rầy nâu phổ biến 1.000-2.000 con/m2, trong đó có hơn 4.000 ha mật độ rầy nâu trên 6.000 con/m2.

Điều đáng lo ngại nhất, diện tích lúa vụ Thu-Đông (hay còn gọi là lúa vụ 3) và lúa Mùa nhiễm bệnh khá lớn. Chỉ riêng khoảng 220.000 ha lúa Thu - Đông đã gieo sạ đã có khoảng 28.000 ha nhiễm rầy nâu, trong đó có hơn 1.200 ha nhiễm vàng lùn và lùn xoắn lá.

Nguy hại nhất, tại Vĩnh Long, mặc dù đã cấm sản xuất vụ Thu-Đông để né rầy nhưng người dân vẫn tự ý để lúa chết hơn 1.000 ha. Hầu hết diện tích này đều nhiễm bệnh nặng và là nguồn bệnh nguy hiểm cho các trà lúa tiếp sau. Các tỉnh có diện tích lớn lúa nhiễm bệnh là Kiên Giang (3.000 ha), Trà Vinh (900 ha)…

Theo dự báo, nếu không ngăn chặn kịp thời thì dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá sẽ phát triển mạnh và bùng phát trong tháng 10-11 tới và lây lan mạnh sang vụ lúa Đông-Xuân đại trà 2007-2008.

“Điều đó rất dễ xảy ra vì nhiều người dân còn quá chủ quan, lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh hại lúa” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nói. Chiều qua (28/8), tại Hà Nội, thay mặt Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với Cục Bảo vệ thực vật bàn biện pháp phòng chống dịch.

Trong vài ngày tới, Thứ trưởng Bổng sẽ trực tiếp vào chỉ đạo công tác chống dịch tại các tỉnh, thành phía Nam.

MỚI - NÓNG