Đồng bằng sông cửu long: Loay hoay đối phó vùng sạt lở

Hiện trạng sạt lở đê biển Tây Cà Mau
Hiện trạng sạt lở đê biển Tây Cà Mau
TP - Ngày 9/4, tại tỉnh Cà Mau, Bộ NN & PTNT tổ chức hội thảo “Giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo đưa ra cảnh báo nạn sạt lở, lún sụp, ngập mặn đang có nguy cơ gia tăng.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định: “Những ưu đãi của thiên nhiên, chúng ta đã xài hết rồi. ĐBSCL đang chìm, chúng ta cố kéo dài quá trình đó, càng dài càng tốt, cho đến khi chìm hẳn thì thôi, đành chịu”.

Biến đổi khí hậu và áp lực con người càng làm cho tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL gia tăng, phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống hơn 20 triệu người trong vùng. Với 770 km bờ biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, đã xuất hiện 526 vị trí bờ sông, bờ biển sạt lở. Trong đó, có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với 164 km. Vị trí sạt lở bờ sông tại 38 điểm, dài 79 km và 19 điểm xói lở bờ biển, dài 85 km.

Riêng Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với bờ biển dài 254 km, hàng chục ngàn km sông rạch và hàng trăm cửa sông ăn thông ra biển liên tục gia tăng điểm sạt lở, tới gần 9.000 ha kể từ năm 2017 đến nay.

Chắp vá

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, biến đổi khí hậu nhanh, phức tạp, ảnh hưởng sản xuất và đời sống. Chính phủ đã khảo sát thực trạng, bàn giải pháp đầu tư để chống chọi, bảo vệ vùng ĐBSCL.

Năm 2018, Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng để triển khai 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển. Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, đầu tư xử lý sạt lở với kinh phí 1.000 tỷ đồng nguồn đầu tư trung hạn, 36 triệu USD từ dự án WB, ADB. Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng trong việc triển khai dự án chống sạt lở.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thừa nhận: “Bằng nguồn lực địa phương, sự hỗ trợ của T.Ư, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều dự án, công trình, để bảo vệ bờ sông, bờ biển. Dù cố gắng trong điều kiện cho phép nhưng sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn diễn ra nặng nề hơn”.

Tiến sĩ Đỗ Đức Dũng, Viện khoa học Thuỷ lợi miền Nam cho rằng, giải pháp chống sạt lở bờ biển, bờ sông cần giải pháp công trình gắn với giải pháp phi công trình là khôi phục đai rừng để bảo vệ đê biển. 

Tập trung nguồn lực

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Việt, Viện khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, đã nghiên cứu nhiều đề tài phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL. Giải pháp công trình và phi công trình ven biển Cà Mau mang lại kết quả nhưng vốn đầu tư vượt quá khả năng. Tiến sĩ Vũ Văn Việt nêu giải pháp: “Không thể cứng hoá bờ biển, bờ sông vùng ĐBSCL mà chỉ xử lý những điểm nguy hiểm, hạn chế lan rộng. Cần nghiên cứu giải pháp phi công trình là tìm loại cây phù hợp, có khả năng chống chịu và chuyển giao người dân trồng để bảo vệ bờ sông, bờ biển “cây mắm đi trước, cây đước theo sau” ở Đất mũi Cà Mau.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói: “Tỉnh Bạc Liêu đang gánh chịu tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, mất rừng phòng hộ do lượng phù sa giảm hụt từ thượng nguồn Mê-Kông là khó tránh khỏi. Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT tập trung đầu tư đồng bộ, chắc chắn theo kiểu cuốn chiếu, có thể tập trung cho Cà Mau trước, để tránh dàn trải, lở ở đâu đắp ở đó”.

Ông Lê Văn Sử đề xuất: “Thiếu vốn đầu tư chống sạt lở, cần xã hội hoá, đổi đất lấy công trình. Cà Mau có doanh nghiệp xin đầu tư bờ kè biển, khai thác rừng, đất bên trong để triển khai dự án vẫn chưa được tháo cơ chế chính sách”.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, sẽ giao Tổng cục phòng chống thiên tai rà soát những điểm sạt lở, có phương án xử lý gắn với sinh kế người dân. Đồng thời, các địa phương phải gần dân hơn, cảnh báo kịp thời, xử lý nhanh những biến đổi bất thường với những công trình, phi công trình”.


MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.