Đồng bào Khmer hân hoan đón Tết cùng điện

Nhờ có điện, cơ sở sản xuất bánh pía Long Hoa Viên (Sóc Trăng) phát triển mạnh. Ảnh: Trọng Thịnh.
Nhờ có điện, cơ sở sản xuất bánh pía Long Hoa Viên (Sóc Trăng) phát triển mạnh. Ảnh: Trọng Thịnh.
TP - Hàng chục nghìn gia đình đồng bào Khmer vùng sâu, vùng xa hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh đang hân hoan đón Tết cùng dòng điện sáng.  

Đảm bảo có điện trước Tết

Những ngày giáp Tết Ấp Mùi, những người công nhân Công ty Điện lực Sóc Trăng, Trà Vinh đang nỗ lực hoàn thành các phần việc còn lại để đưa điện đến cho đồng bào nghèo Khmer đúng trong dịp Tết. Ông Nguyễn Chí Nhơn - Phó GĐ Công ty Điện lực Sóc Trăng cho biết, dự án điện cung cấp cho đồng bào Khmer chưa có điện giai đoạn 1 được triển khai tại 11 huyện, thị xã trong tỉnh và hoàn thành năm 2013 với tổng mức đầu tư trên 305 tỷ đồng. Giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 2/2014 với mức đầu tư 212 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trước tết Ất Mùi 2015. “Tính đến thời điểm này đã hoàn thành trên 98% khối lượng công việc và chúng tôi đảm bảo tất cả 16 ngàn hộ dân trong dự án sẽ có điện để đón Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015” - ông Nhơn nói. Ông Nhơn cũng cho biết, không chỉ được kéo điện đến tận nhà, các hộ dân còn được ngành điện trang bị miễn phí 1 bảng điện,1 bóng đèn và 1 ổ cắm cùng dây dẫn.

Tại tỉnh Trà Vinh, dự án cung cấp điện cho đồng bào Khmer cũng đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Ông Đặng Văn Dình- Phó GĐ Công ty Điện lực Trà Vinh cho biết, nhiều khu vực thuộc dự án đã được đóng điện và ngành điện sẽ đảm bảo tất cả các hộ dân sẽ được sử dụng điện trước Tết. Với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, trên 10 ngàn hộ dân người Khmer sẽ được sử dụng điện trong dịp Tết này.

Mong điện dữ lắm!

Đến thăm gia đình chị Thạch Thị Hiệp, ở ấp Tân Hiệp (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) đúng lúc Công ty Điện lực Trà Vinh vừa kéo dây điện vào nhà và lắp đặt xong bóng đèn, chỉ còn chờ đóng điện. Chị Hiệp mừng luýnh quýnh, vừa chạy tới chạy lui rót nước mời khách, vừa kể: “Hai vợ chồng tui ở đây đã trên10 năm và vẫn phải sống trong cảnh không có điện. Hồ tôm không dám nuôi vì không đủ tiền mua dầu chạy máy, tivi có nhưng mua bình ắc-quy hoài tốn tiền nên đành để không, con cái thì phải học bằng led tự sạc”. Chỉ chiếc đèn led nhỏ xíu trên bàn học của con gái, chị Hiệp phân trần, đèn led ít muội và sáng hơn đèn dầu nhưng mỗi ngày phải đem đi sạc điện ở nhà bà ngoại cách cả mấy cây số. “Tui mong điện dữ lắm, ngày nào cũng trông mấy anh điện đóng cầu dao để nhà tôi sáng lên” - chị Hiệp nói.

Bà Mai Hoàng Lý, chủ một cơ sở bánh tét lâu năm ở xã Kim Hoà (huyện Cầu Ngang) chia sẻ: “Khi nghe nhà nước kéo điện về cho bà con, tui chuẩn bị mua lò hơi điện để tăng hiệu quả, công suất nấu bánh”. Bà Lý tính toán: Nấu bánh bằng lò than phải mất 12 giờ mới chín, trong khi lò hơn điện chỉ mất 3 giờ, lại còn đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm một nửa số nhân công. “Giá thành sản xuất bánh bằng lò hơn điện ước chừng sẽ giảm khoảng 20% so với lò than hiện nay nên tôi tin sản phẩm của mình sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường”- bà Lý nói.

Bà Kim Thị Sonary ở ấp Giữa (Kim Hoà)  là một trong những gia đình Khmer mới được kéo điện. Bà cho biết từ ngày có điện, nhà bà được xem tivi, có quạt máy. Mỗi tháng bà chỉ phải chi hơn 40 ngàn đồng tiền điện nhưng lại không tốn tiền mua dầu thắp sang mất hơn 80 ngàn. Bà dự tính Tết này sẽ mua thêm chiếc tủ lạnh để chứa và bảo quản thức ăn.

Nâng cao đời sống, mở rộng sản xuất

Ông Phan Thanh Lâm- Phó chủ tịch UBND phường Khánh Hoà (Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, bà con rất vui vì có điện, ngoài ánh sáng sinh hoạt, được sử dụng các trang thiết bị điện trong nhà, bà con còn sử dụng điện phục vụ sản xuất. “Nhờ dự án này, đời sống người dân ở đây sẽ có nhiều thay đổi”- ông Lâm nói, đồng thời cho biết, bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề nuôi tôm, nên khi có điện, bà con sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho việc chạy máy bơm và quạt nước giú giảm giá thành, tăng hiệu quả. Ông Sơn Tộ, một hộ nuôi tôm ở phường Khánh Hoà (Vĩnh Châu) cho biết từ khi có điện, chi phí sản xuất của gia đình ông đã giảm đi đến 50%. “Trước đây tui dùng dầu chạy máy bơm, một tháng chạy 2 ao tôm lên tới cả 120 lít dầu. Nay chạy điện cả tháng hết chừng triệu đồng thôi”.     

Ông Huỳnh Ngọc Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hoà cho biết từ ngày dự án điện cho đồng bào Khmer được triển khai, đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Nếu như năm 2013, mức thu nhập bình quân của bà con chỉ đạt mức 19,5 triệu/người thì tới năm 2014, con số này đã đạt là 23,5 triệu (tăng hơn 10%).

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.