Động đất: Làm gì để bảo vệ các công trình xây dựng?

Động đất: Làm gì để bảo vệ các công trình xây dựng?
Động đất làm rung động Hà Nội có khả năng liên quan tới trận động đất gây thảm họa sóng thần Sumatra. Hôm nay, 15/8, một số nhà khoa học tới Lào Cai để tìm hiểu trận động đất này.
Động đất: Làm gì để bảo vệ các công trình xây dựng? ảnh 1
Liệu những chung cư của Hà Nội có chịu nổi những dư chấn của động đất?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thủy, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học Việt Nam, cho biết trận động đất ngày 13/8/2005 tại Trung Quốc không quá mạnh và không có gì bất thường dù nó làm rung động Hà Nội.

PGS Thủy khuyên không nên quá lo lắng tại sao động đất tại Trung Quốc lại “lây” sang cả Việt Nam. Quy luật lan truyền cùng với chấn động mạnh tại tâm chấn là nguyên nhân khiến một số vùng khác, trong đó có Hà Nội, cũng bị rung động.

GS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, lại cho rằng những thông số ban đầu về trận động đất nói trên có thể là dự đoán không chính xác.

Do động đất xảy ra trên đất Trung Quốc, các nhà khoa học Việt Nam chưa có đủ các dữ liệu cần thiết để kết luận nguyên do cũng như xem xét nó có liên quan tới trận động đất gây ra thảm họa sóng thần khủng khiếp ngày 26/12/2004 hay không.

Hôm nay, 15/8, GS Xuyên và một số nhà khoa học thuộc Viện Khoa học & Công nghệ sẽ tới Lào Cai để tìm hiểu cụ thể hơn về trận động đất này.

Trong khi đó, một nhà khoa học thuộc Viện Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên & Môi trường, lại đưa ra những “chứng cứ” chứng tỏ những trận động đất liên tiếp ghi nhận được tại Việt Nam từ đầu năm 2005 tới nay hoàn toàn có khả năng “dính dáng” tới trận động đất tại đảo Sumatra, Indonesia, ngày 26/12/2004, mạnh trên 9 độ richter gây thảm họa sóng thần làm hơn 300.000 người chết.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân gây ra động đất là sự dịch chuyển của các khối thạch quyển lớn. Người ta nhận thấy sự dịch chuyển của khối thạch quyển ở Sumatra gây ra sự dịch chuyển thạch quyển tại Thái Lan và hoàn toàn có thể gây ra dịch chuyển của khối lục địa Á - Âu.

Vì thế, rất có thể nó gây ra động đất tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhà khoa học này, các trận động đất vừa qua không nằm ngoài dự đoán của các nhà khoa học dù đấy là dự đoán định tính. Người ta chỉ bất ngờ bởi thời điểm xảy và cường độ thực chất của trận động đất – lâu nay vẫn là những yếu tố chưa thể dự báo được.

Một nhà khoa học khác lại đề nghị cần có cái nhìn “khoáng đạt” hơn về mối liên quan của các trận động đất thời gian gần đây: “Nếu lúc nào cũng bảo rằng giới chuyên môn hoàn toàn có thể dự báo khả năng động đất, rằng trận động đất vừa làm rung Hà Nội dù ở mức độ nhẹ không làm các nhà khoa học bất ngờ nhưng chính các nhà khoa học lại không bao giờ đưa ra được thời khoảng và địa điểm dù chỉ mức tương đối chính xác, tôi e rằng chúng ta chưa sòng phẳng với chính mình”.

Nhà khoa học đề nghị giấu tên nói: “Đành rằng dự báo động đất là vô cùng khó khăn ở tất cả các nước song chúng ta cũng phải nhìn vào thực lực của chúng ta còn thiếu thốn thế nào, phải nói rõ sự quan tâm chưa tới tầm của cơ quan quản lý trong các vấn đề hỗ trợ nghiên cứu động đất nói chung và phòng chống tác hại động đất ra sao...

Chúng ta phải tìm cho ra mối liên hệ giữa trận động đất kinh hoàng ở Indonesia cuối năm ngoái với các trận động đất mới đây ở nước ta như trận động đất đêm 18/7/2005 tại lòng chảo Điện Biên, tỉnh Điện Biên, động đất ngày 2/8/2005 ở Ninh Bình, ngày 5/8/2005 ở Bà Rịa Vũng Tàu, và các đợt sụt đất bất thường ở một số tỉnh miền Nam chứ không thể mãi thói quen đơn giản chỉ dùng kiến thức xưa cũ để giải thích những hiện tượng mới phát sinh”.

Điều đáng bàn sau những trận động đất liên tiếp vừa qua là Việt Nam làm gì để bảo vệ các công trình xây dựng tránh khỏi những thiệt hại do động đất gây ra.

Việt Nam được xem là vùng ít xảy ra động đất so với nhiều nơi khác trên thế giới nhưng  không ít trận làm hư hại nhà cửa và công trình kiên cố.

Trong thiết kế xây dựng của Việt Nam, đại đa số công trình dân dụng đều không tính đến yếu tố kháng chấn nên chỉ cần trận động đất 5,3 độ richter như ngày 20/2/2001 cũng khiến nhiều nhà cửa ở Lai Châu bị hư hỏng nặng.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là khi xây dựng nhà chịu được động đất, có cách nào để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo đạt được mục đích đặt ra không.

Các nhà khoa học ở Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho biết họ đã có hướng bảo vệ các công trình khỏi ảnh hưởng quá mức của các tải trọng bên ngoài như động đất, gió bão, v.v..., mà chi phí không lớn.

Cả nước mới chỉ có 26 trạm quan sát động đất tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, nhất là vùng xung quanh Hà Nội và Tây Bắc.

Kinh phí để “nuôi” các trạm này chỉ chừng 400-500 triệu đồng/năm (năm 2000 - 2002 khoảng 100 triệu đồng/năm) trong khi máy móc mới nhất cũng được trang bị từ cách đây gần 10 năm do UNDP tài trợ.

Các thiết bị đo địa chấn đó vẫn chỉ đạt mức trung bình khá trong khu vực. Vậy mà kinh phí cấp cho các trạm có nguy cơ giảm trong khi nhu cầu, theo tính toán, cần có tới 50 trạm mỗi trạm đầu tư khoảng 10.000 USD.

Hướng giải quyết là thiết kế các kết cấu có đặc tính thích nghi chủ động (hoặc thụ động) với tải trọng bên ngoài. Đây là phương pháp thiết kế không giống với truyền thống. Từ trước đến nay, muốn làm công trình chịu được động đất, người ta phải thiết kế kết cấu sao cho chịu đựng được những trận động đất với cấp lớn nhất có thể có trong suốt thời gian sử dụng công trình.

Hướng thiết kế đó tuy đảm bảo an toàn nhưng tốn kém. Giải pháp mới, với việc điều khiển dao động của công trình, cho phép kết cấu nhà có khả năng thích nghi với tác động bên ngoài một cách chủ động.

Nôm na là các nhà khoa học sẽ thay đổi các thông số động học của công trình bao gồm khối lượng, độ giảm chấn, độ cứng, cách ly nguồn dao động hoặc đặt thêm vào công trình những hệ thống chịu lực thích hợp. Điều chắc chắn là nhu cầu xây dựng nhà thích nghi với tải trọng bên ngoài quá mức với giá rẻ là không nhỏ.

Một vấn đề nữa cũng gây chú ý của các nhà khoa học là chương trình thuỷ điện Sơn La. Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện Sơn La cho biết toàn bộ công trình được thiết kế đảm bảo chịu được những rung chuyển mạnh 8 độ Richter.

Tuy nhiên, theo một nhà khoa học, việc đưa ra mức động đất tối đa của Việt Nam 8 độ Richter cũng chỉ dựa trên ước đoán.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.