Đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN được đánh giá cao

Đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN được đánh giá cao
Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong đánh giá cao những đóng góp tích cực của Việt Nam vào nguyên tắc bình đẳng và công bằng của ASEAN sau khi Việt Nam gia nhập hiệp hội này vào tháng 7/1995.

Ông Ong đưa ra nhận xét trên khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng trước. Về vai trò của Việt Nam trong ASEAN, ông nói:

"Trước hết, nhìn vào bản đồ của Hiệp hội Các nước Đông Nam Á, Việt Nam đã thực sự gắn kết vùng phía Bắc với phía Nam của khu vực. Do đó, quốc gia này có một vai trò rất quan trọng. Xét về mặt địa lý và nhân khẩu học, đóng góp chính của Việt Nam khi trở thành một thành viên của ASEAN là đã kết hợp mọi vùng của Đông Nam Á thành một khối thống nhất.

Quan trọng hơn, Việt Nam có một đặc tính riêng, đó là sự tôn trọng và tính nguyên tắc. Tại các cuộc họp của ASEAN, các quan chức Việt Nam thường lắng nghe ý kiến của mọi người, sau đó họ giơ tay nói "nguyên tắc của chúng tôi là muốn là bạn với tất cả, mong muốn sự công bằng cho mọi người. Chúng ta thực hiện điều này với các nước khác như thế nào?".

Việt Nam luôn luôn theo đuổi nguyên tắc bình đẳng và công bằng. Trong bất cứ cuộc thảo luận nào có Việt Nam tham gia, Việt Nam đều đưa ra nguyên nhân và các giải pháp hữu hiệu. Nói tóm lại, Việt Nam đã có những đóng góp mang tính nguyên tắc đối với những hoạch định của ASEAN.

Là nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam sẽ thường xuyên đem những kinh nghiệm lịch sử của mình để giúp ASEAN thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Những gì Việt Nam làm là nhằm duy trì nguyên tắc của chúng ta, nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng hòa bình và ổn định. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn đưa ra những đề xuất tích cực và mang tính xây dựng. Đây không phải là vấn đề cảm tính mà là vấn đề tư duy.

Việt Nam và Ấn Độ là những người bạn tốt của nhau. Vì vậy khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến Ấn Độ, Việt Nam sẽ nêu lại những kinh nghiệm và tình hữu nghị của mình với Ấn Độ và nói "Nếu chúng ta tổ chức hội nghị thượng đỉnh Đông Á, chúng ta nên mời Ấn Độ tham dự, bởi vì họ có những ý tưởng hay". Vì thế, có thể nói rằng những gì mà Việt Nam đã đóng góp cho ASEAN là đã bổ sung thêm chất lượng cho những quyết sách của Hiệp hội chúng ta.

Được hỏi về tương lai của ASEAN, Tổng thư ký cho rằng: "Tương lai của ASEAN về cơ bản là rất tốt, vì chúng ta đang ở Đông Nam Á, chúng ta là một nhóm 10 nước cùng hợp lại và chúng ta là một cộng đồng. Khi một nước nào đó muốn đối mặt với Đông Nam Á, họ sẽ thấy rằng  ASEAN là một nhóm 10 nước. Chúng ta rất mạnh và ASEAN sẽ ngày càng tăng cường quan hệ giữa các thành viên.

Chúng ta vẫn còn một số vấn đề tồn tại, đôi lúc còn tranh cãi về vấn đề biên giới, hải quan và các điểm kiểm tra. Tuy nhiên,  những cam kết ở tầm lãnh đạo cấp cao đều cho thấy chúng ta là một. Cũng giống như trong một gia đình, anh có thể không đồng ý với những thành viên khác, nhưng anh vẫn ở trong gia đình.

Vì vậy, tương lai của ASEAN tất nhiên không thể không có mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn sẽ được giải quyết. Các nhà lãnh đạo sẽ đảm bảo không để bất cứ một xung đột song phương hay bất cứ vướng mắc nào biến thành trở ngại cho việc tiếp tục phát triển quan hệ giữa chúng ta".

Về triển vọng của đồng tiền chung ASEAN, ông Ong nói: "Việc có một đồng tiền chung là rất khó, bởi nhiều thành viên trong chúng ta mới dành được độc lập. Tại thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Những nước nhỏ như Campuchia, Brunei, hay Singapore đều mong muốn dùng đồng tiền của họ vì đây là một bộ phận của phát triển quốc gia, một bộ phận của chủ quyền quốc gia. Họ sẽ nói, chúng tôi là một bộ phận trong ASEAN, nhưng chúng tôi không muốn sử dụng đồng euro hay đô la Mỹ, chúng tôi muốn sử dụng đồng tiền của chúng tôi.

Một thực tế diễn ra trong đàm phán cấp Bộ trưởng Tài chính: Chúng ta có 10 loại tiền tệ khác nhau, mỗi loại đều mạnh như nhau, thử hỏi làm sao chúng ta có thể tự bảo vệ bản thân trước sự tấn công của các nhà kinh doanh tiền tệ? Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính của các nước ASEAN sẽ nhóm họp để đảm bảo rằng có một sự hợp tác chặt chẽ về tài chính giữa các thành viên. Do đó, không cần thiết phải có một đồng tiền tệ chung trong ASEAN.

Họ cũng không muốn có một liên minh về chính trị; chúng ta không giống như Liên minh Châu Âu. Chúng ta là một Hiệp hội, chúng ta sẽ không trở thành một liên minh chính trị. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hội nhập thị trường của chúng ta".

Ông Ong nhấn mạnh: "Một số người có thể nói rằng sau quá trình hội nhập thị trường, chúng ta có thể tiến tới hội nhập về chính trị. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, EU đã thực hiện điều này 50 năm qua, nhưng cho tới nay họ vẫn đang phải tìm kiếm một Hiến pháp chung.

Vì vậy, chúng ta không phải lo ngại về vấn đề này. Chúng ta hãy chờ đón giai đoạn tiếp theo. Chúng ta trước tiên phải nỗ lực cho hội nhập thị trường, tiếp đó chúng ta sẽ thiết lập một cơ cấu kinh tế, một nền thương mại tốt đẹp, rồi sẽ nói đến vấn đề tương lai".

Theo Tổng Thu ký ASEAN, "các Cty xuất nhập khẩu gạo của Singapore cho biết họ có thể bán gạo của Việt Nam một cách dễ dàng vì nguồn cung cấp từ Việt Nam rất ổn định, trong khi chất lượng lại tốt và không thay đổi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các anh nên bán gạo sang các nước châu Âu, châu Phi, hoặc Singapore. Hiện nay, Singapore đang mua gạo từ Thái Lan với giá đắt hơn so với gạo cùng loại từ Việt Nam".

Về việc Việt Nam gia nhập WTO, ông Ong Keng Yong cho rằng "việc chuẩn bị để gia nhập tổ chức này của Việt Nam diễn ra rất tốt. Điều thuận lợi là trên thế giới hiện có nhiều ấn tượng tích cực về Việt Nam, nhiều nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ đều mong muốn Việt Nam trở thành một thành viên của WTO. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc gia nhập tổ chức này của Việt Nam.

Nhìn chung, chúng tôi mong muốn các nước ASEAN đều trở thành thành viên của WTO. Cho tới nay chỉ còn hai nước ASEAN là Việt Nam và Lào chưa gia nhập WTO.  Về Việt Nam, tôi cho rằng Việt Nam sẽ gia nhập WTO sớm hơn Lào.

Nếu Việt Nam trở thành một bộ phận của hệ thống thương mại toàn cầu thì sẽ có rất nhiều điều thuận lợi cho đất nước này, vì nếu anh đi khắp thế giới, anh sẽ thấy việc kinh doanh diễn ra ở mọi nơi. Họ mong muốn tuân thủ một luật lệ nào đó, và mọi việc đều cần phải có luật lệ. Hiện không thể tồn tại tình trạng anh mang một bao khoai tây vượt biên giới để bán tại một chợ ở nước ngoài rồi lại trở về nhà. Hiện nay mọi việc đều phải tuân thủ luật lệ chung. Vì vậy, nếu anh có tất cả luật lệ, nơi nào sẽ là nơi tốt nhất để anh chọn? Chắc chắn là WTO. Đó chính là lý do quan trọng của việc Việt Nam gia nhập WTO.

Hiện có rất nhiều thiện ý chính trị cho việc Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, các vấn đề của WTO hiện đang được bàn tới trong vòng đàm phán Doha, nhiều nước đang rất bận với việc chuẩn bị để kết thúc vòng đàm phán này. Vì vậy, tôi cho rằng có thể đặt mục tiêu gia nhập WTO vào cuối năm nay, còn nếu không được thì cũng không thể kéo dài quá lâu, bởi vì thiện ý chính trị đang có lợi cho các bạn trong khi Chính phủ các bạn lại đang quyết tâm hoàn thành nhanh chóng việc gia nhập này".

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.