Đóng góp xây dựng nông thôn mới: Hộ nghèo rơi nước mắt

Bà Phạm Thị Lướt ứa nước mắt khi nói về nỗi khổ đóng góp xây dựng NTM
Bà Phạm Thị Lướt ứa nước mắt khi nói về nỗi khổ đóng góp xây dựng NTM
TP - Nghèo cũng phải nộp tiền, tàn tật cũng phải nộp tiền, gần đất xa trời cũng phải nộp tiền... Chủ trương này của một số thôn ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đang khiến người dân túng quẫn, phẫn nộ.

Vì nông thôn mới, phải vay “tín dụng đen”

Trong ngôi nhà rách nát ở thôn Tân Thái, bà Phạm Thị Lướt đang tính toán số tiền mới phải vay để chuẩn bị nộp đợt hai xây dựng nông thôn mới cho 7 khẩu trong nhà. Năm ngoái, đến đợt nộp tiền xây dựng NTM, nhà không có tiền, bà lên thôn xin miễn cho trường hợp mẹ của bà đang gần đất xa trời nhưng lãnh đạo thôn không chịu. 

Bà Lướt đã phải cắn răng đi vay nóng 5.400.000 đồng, lãi suất 30%/năm để nộp đủ cho 8 suất trong nhà. “Nộp được mấy bữa thì mạ tui qua đời. Giờ đã đến đợt hai, nhà còn lại 7 khẩu, tui tính nát đầu vẫn không lấy mô ra tiền. Lại phải vay nóng thôi chú ơi, nếu không, xóm có bầu vô hộ nghèo thì thôn họ cũng không xét” - bà Lướt nói.

Khác với bà Lướt, bà Nguyễn Thị Phương không vay đâu ra 2,8 triệu đồng để nộp tiền làm đường. Mặc dù đã được xóm bầu vào hộ cận nghèo nhưng địa phương gạch sổ và phiên sang cho hộ khác có tiền nộp. Đau lòng hơn, trường hợp cháu Dương Văn Thiện (9 tuổi) ở thôn Tân Lỵ bị bệnh nhũn não, thường xuyên đi viện điều trị, cũng phải “gánh” suất một triệu tiền làm đường. 

“Cha mạ thằng Thiệu cũng cực khổ lắm, làm được mấy tiền là vứt vào bệnh viện hết để điều trị cho nó. Đành rằng xây dựng nông thôn mới là đóng góp chung, nhưng con em bệnh tật, nếu không miễn được thì giảm cho nó một ít cũng được, nhưng thôn chẳng giảm đồng nào. Không nộp là họ bắc loa, loa cả ngày chịu không nổi” - bà Nguyễn Thị Thoái, hàng xóm của cháu Dương nói.

Trừ vào tiền cứu trợ thiên tai

Nhiều người dân ở thôn Tân Lỵ cho biết, trận bão đầu tháng 10/2013 khiến nhiều gia đình bị thiệt hại nặng, đặc biệt là những hộ nghèo khó. Gần Tết Nguyên đán, họ được một tổ chức từ thiện hỗ trợ quà và tiền mặt 280.000 đồng, tuy nhiên chỉ được ký, không được nhận vì chưa đóng góp tiền xây dựng NTM.

Anh Dương Văn Điệp (42 tuổi), vợ mất, con gái học lớp 6. Hai cha con ở trong căn nhà tuềnh toàng kể: “Tui nghe nói có quà từ thiện thì mừng lắm, chạy lên nhận, nghĩ chuyến ni tết nhất có cái để mà hương khói cho vợ, mua cho con bộ quần áo mới, ai ngờ địa phương họ bắt ký mà không cho nhận. Họ nói tui còn nợ tiền làm đường. Tui đã nộp 1,6 triệu đồng rồi, nhưng họ tính toán răng đó mà hai cha con tui phải nộp đến gần 7 triệu đồng mới đủ. Tui nói, có nghèo thì tui cũng cố làm thuê, làm mướn để nộp đủ, tui ở trong làng chứ chạy mô cho thoát. Nhưng đây là tiền cứu trợ để ăn Tết thì cho tui nhận đã, nhưng họ vẫn không chịu” - anh Điệp bức xúc kể lại.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ, cũng bị khấu trừ tiền cứu trợ vào xây dựng NTM cho biết: “Nếu họ không giảm, thì cũng nên giãn ra cho hộ nghèo với chứ ai đời lại đòi thu cả cục. Dù nghèo nhưng vì mục tiêu chung chúng tôi ủng hộ, nhưng mà thu nhiều quá. Vụ mùa xong, bán gần hết lúa rồi mà vẫn không nộp đủ, nên tui phải đi vay thêm 4 triệu đồng nữa”.

Chị Lê Thị Tra (28 tuổi), xóm bầu vào hộ nghèo, chị chỉ nhận xếp loại cận nghèo để nhường suất cho hộ khác khó khăn hơn nói: “Dân chúng tôi ai cũng có trách nhiệm với làng, với xóm cả, nhưng vì khó khăn chưa có tiền nộp thì lại bị trừ tiền từ thiện. “Tết nhất, người ta thương người khó mới cho. Cứ thu ngang để khấu trừ kiểu rứa dân bọn em tủi, buồn. Người làm từ thiện mà biết thì họ sẽ nghĩ răng về lãnh đạo địa phương?!”.

Nâng khống khối lượng lẫn giá thành làm đường

Bà Nguyễn Thị Thoái, ở thôn Tân Lỵ cho biết, bà đã phát hiện ra tiêu cực trong việc làm đường nông thôn mới tại địa phương. Con đường chỉ có 590m nhưng họ đã khai khống lên 1.000m để bắt dân è cổ ra nộp. Bà đã thẳng thắn đề cập việc này trong cuộc họp dân về những tiêu cực trong làm đường, cũng như đấu tranh việc khấu trừ tiền cứu trợ bão lụt. Không tiếp thu sửa chữa đã đành, ông Dương Đăng Nhân, cán bộ thôn còn xông vào đánh bà Thoái ngay tại hội trường thôn. 

“Không chỉ kê khống chiều dài của con đường, họ còn nâng giá thành của con đường lên nữa chú ơi. Xã ký với nhà thầu 1m dài/1,1 triệu đồng. Dân chúng tôi bức xúc quá, không cho họ làm, dân tự làm thì chỉ có 300.000 đồng /1m dài” - bà Thoái nói.

Ông Lê Quốc Khanh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thủy, khẳng định không hề có chuyện dân phải vay nóng để nộp tiền xây dựng NTM. Tuy nhiên, ông Khanh thừa nhận: “Địa phương không có chủ trương giảm, miễn với các hộ nghèo”. Riêng với các hộ gia đình bị thu lại tiền cứu trợ dịp Tết vừa qua, ông Khanh cho biết, xã đã có công văn về thôn yêu cầu trả lại cho dân và nói thêm: “Đến nay đã trả lại hay chưa thì chưa biết”. Việc nâng khống khối lượng và giá thành làm đường, ông Khanh đổ cho nhà thầu.

Ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy khẳng định, tất cả những vấn đề nêu trên không phải chủ trương của huyện. Vừa rồi, vì ép dân nộp tiền xây dựng NTM, huyện đã kiên quyết cách chức Chủ tịch UBND xã Phong Thủy. “Địa phương rất cầu thị những gì báo chí phản ánh. Huyện sẽ sớm có công văn yêu cầu xã Tân Thủy giải trình về việc này” - ông Năm nói.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.