Đóng góp xây dựng nông thôn mới: Kẻ khóc, người cười

Mặc dù khó khăn nhưng thôn Thống Nhất đã làm được hai con đường bê tông trong làng
Mặc dù khó khăn nhưng thôn Thống Nhất đã làm được hai con đường bê tông trong làng
TP - Trong khi người dân một số thôn của xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) phẫn nộ vì bị ép đóng góp xây dựng nông thôn mới, thì cách đó không xa, cũng là con dân của huyện Lệ Thủy, người dân thôn Thống Nhất, xã Mỹ Thủy lại hồ hởi đón nhận, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương nghèo khó của mình.

Phát loa điểm mặt người chưa nộp tiền

Chúng tôi trở lại Tân Thủy, sau khi báo chí phanh phui những sai phạm nghiêm trọng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương này. Một bầu không khí trĩu nặng bao trùm đường làng ngõ xóm. Dân nói, họ đang phải chịu một sức ép ghê gớm từ chính quyền địa phương. Hết đe nẹt, dọa dẫm, các cán bộ thôn, xã còn cấm họ tiếp xúc với báo chí, thậm chí ép viết vào những tờ “cam kết” nhằm chống lại báo chí rằng: Người dân không bị bắt ép nộp tiền, mà đồng thuận, tự nguyện, không có chuyện vay nóng lãi suất cao... để đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Bà Ngô Thị Phách, người có chồng bị bệnh tâm thần 30 năm nay là ông Trần Quang Toán, cứ chạy hết góc này, sang góc khác trong ngôi nhà của mình nhằm lảng tránh chúng tôi. Trước sự động viên của chúng tôi, bà dè dặt kể lại cuộc sống cực khổ của mình. Ông Toán đi bộ đội, bỗng dưng đổ bệnh tâm thần, xuất ngũ về quê. Thương hoàn cảnh của ông Toán, bà lấy về làm chồng. Mấy mươi năm làm vợ ông Toán, một tay bà làm lụng nuôi chồng, nuôi con, cuộc sống cực khổ trăm bề. Rồi phong trào xây dựng nông thôn mới về làng, mặc dù nghèo khó nhưng bà chỉ xin miễn, giảm mỗi suất của chồng nhưng không được. Bà vay mượn chưa đủ cho 5 suất trong gia đình, thì liên tục bị thôn bắc loa “chỉ mặt, đặt tên”, ra đường không dám nhìn mặt hàng xóm.

Ở làng Tân Hòa, vợ chồng ông Phan Quốc Trị và Lê Thị Hậu là con liệt sỹ chống Pháp, cả hai đều tàn tật, cuộc sống của họ gắn với chiếc xe lăn. Họ đã không được miễn hay giảm dù một đồng xu. Đã vậy họ còn bị trừ ngang tiền cứu trợ bão lụt 100.000 đồng, khi chỉ còn nợ thôn 340.000 đồng tiền làm đường.

Đóng góp xây dựng nông thôn mới: Kẻ khóc, người cười ảnh 1 Cháu Thiện bị bệnh động kinh, mẹ chết, ở với bố vẫn bị thôn tính một suất

Cháu Dương Văn Thiện mới 9 tuổi đầu, bị bệnh động kinh, mẹ chết, bố lấy vợ khác. Từ khi sinh ra đến nay, bên cháu luôn phải có một người túc trực, bởi gần như ngày nào cháu cũng lên cơn co giật. Vậy nhưng suất đóng tiền làm đường của cháu, gia đình xin miễn giảm không được. 

Người dân Tân Thủy cho rằng, họ rơi nước mắt không chỉ do phải đóng góp quá sức, mà đồng tiền của họ đang bị trục lợi. Ngay như thôn Tân Lỵ, khi làm con đường trong thôn, người ta chỉ định luôn một ban giám sát cộng đồng, không thông qua dân bầu. Người dân đấu tranh, họ nói trong thôn không còn ai có năng lực để làm giám sát. Bà Nguyễn Thị Thoái, là thương binh, xung phong ứng cử, cả thôn bầu bà Thoái. 

Là người giám sát được dân bầu ra, nhưng bà Thoái không nhận được sự hợp tác từ phía thôn, xã và nhà thầu. Bà đôn đáo chạy khắp nơi mới có được bản hợp đồng làm đường giữa nhà thầu và xã theo đường “tiểu ngạch”. Thì ra, họ khai khống con đường từ 590m lên trên 1.000m nhằm trục lợi. Bà lại đôn đáo gặp thôn, gặp xã để phản ánh sai sót trong hợp đồng, nhưng không ai nghe bà. Bà như cái gai trong mắt lãnh đạo, thậm chí lãnh đạo thôn còn họp dân dọa rằng, nếu còn để bà Thoái trong ban giám sát, xã sẽ cắt tiền hỗ trợ 60% của Nhà nước.

Người dân phản đối ngăn không cho nhà thầu thi công và yêu cầu được đứng ra làm chính con đường của mình. Bà Thoái lại một lần nữa được dân tín nhiệm giao toàn bộ việc mua vật tư, vật liệu, tổ chức thi công. Con đường hoàn thành, người dân vui mừng khi mỗi khẩu chỉ nộp 600 nghìn đồng, thay vì phải nộp 1,7 triệu đồng nếu nhà thầu thi công.

Tiếp xúc với báo chí, có mặt cả ba ông: Lê Quốc Khánh (Bí thư Đảng ủy xã Tân Thủy), Phan Quang Dũng (Chủ tịch UBND xã Tân Thủy) và Dương Đăng Ái (trưởng thôn Tân Lỵ) đều thừa nhận ngoài giá thành thấp thì chất lượng đường do dân làm tốt hơn nhà thầu làm. 

Tuy nhiên, ở Tân Thủy 12 thôn, thì duy nhất có thôn Tân Lỵ người dân được phép đứng ra tự làm, còn lại là do nhà thầu đảm trách. Ông Bí thư Đảng ủy xã còn tỏ ra khách quan: Xã không can thiệp việc dân tự làm hay thuê nhà thầu... tất cả là do dân đồng thuận, tự quyết, xã chỉ đứng ra ký hợp đồng với nhà thầu thay dân. Còn ông Chủ tịch xã, dù dấu hiệu trục lợi ở con đường thôn Tân Lỵ đã rành rành, nhưng vẫn cương quyết không chịu nhận, mà cho rằng: Do sơ suất theo kiểu “đánh máy”.

Dân mừng vì được làm chủ

Cách xã Tân Thủy không xa là xã Mỹ Thủy, người dân hồ hởi xây dựng nông thôn mới. Ở thôn Thống Nhất, hai con đường chính trong thôn được bê tông hóa thẳng tắp từ sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân. Nếu so về kinh tế, thì Thống Nhất là thôn khó khăn nhất trong vùng, vì không có ruộng vườn để canh tác.

Theo trưởng thôn Nguyễn Thị Ngọc Lan, thôn Thống Nhất xưa là HTX gạch ngói và bị tan rã khi Nhà nước xóa bao cấp. Những công nhân tiểu thủ công nghiệp tập hợp tứ xứ về đây, họ đã kiên gan bám trụ nơi vùng quê nghèo khó này. Họ làm đủ nghề để sinh nhai, tỏa đi bốn phương cũng vì miếng cơm manh áo, nhưng không ai bỏ làng ra đi.

Bước vào xây dựng nông thôn mới, thôn Thống Nhất gần như “trắng” về tiêu chí. Nhưng với tinh thần vì dân, cộng với sự mềm dẻo của một người phụ nữ, chị Lan đã từng bước cùng với người dân khắc phục khó khăn xây dựng quê hương nghèo khó của mình. Không biết bao nhiêu lần chị họp dân, nói rõ các tiêu chí và cùng nhau bàn bạc nên làm tiêu chí nào trước, phương án thực hiện ra sao...

Như việc bê tông hóa đường làng, biết dân mình ít, chỉ nhỉnh 100 hộ, lại nghèo, chị Lan chỉ đạo làm từng bước, để cho dân đảm trách, không thuê nhà thầu, tránh huy động quá sức dân. Chị mạnh dạn đề nghị miễn cho những hộ gia đình khó khăn, nhưng sẵn sàng đi xin thêm những gia đình có điều kiện và dám đứng ra ghi nợ vật liệu về làm đường cho thôn. Theo chị Lan tính toán, dân tự làm tiết kiệm được rất nhiều thứ như: Phí thiết kế, phí giám sát, tiền nhân công... Đường mà dân làng Thống Nhất làm ra, mỗi mét dài hết chừng 400 nghìn đồng.

Cụ bà Nguyễn Thị Hách, năm nay 90 tuổi, sống một mình, cười mãn nguyện khi chúng tôi hỏi về chuyện làm đường trong thôn. Cụ kể: “Dân làng biết mệ khó khăn, họ miễn cho mệ. Không có tiền đóng góp thì mệ góp công. Ngày cả làng làm đường, mệ nấu nước chè mang ra, ai cũng khen nước mệ nấu ngon. Thấy vui quá, mệ hò mấy câu, rứa là cả làng hò theo, vui đáo để”.

Võ Sỹ Hùng, năm nay 33 tuổi, mồ côi từ nhỏ, bị cụt một chân cũng được miễn tiền làm đường, cảm động kể: “Cái quán cắt tóc ni cũng là do dân làng góp lại xây cho em đó. Biết em tàn tật, ngày làm đường không ai gọi em nhưng em cũng tự nguyện ra với dân làng. Mọi người thấy em, ai cũng nói, “mi về chứ ra đây thì làm được chi?”. Em không trộn vữa, trộn hồ được thì em đầm. Lâu nay làng đã đùm bọc em, giờ em góp được một chút công với làng cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ. Nhiều khi nhìn con đường bê tông sạch sẽ mà mình có góp công, em thấy đời mình cũng có ý nghĩa hơn”.

Giờ thì hai con đường chính trong thôn Thống Nhất đã được bê tông hóa, mỗi hộ gia đình chỉ phải đóng góp 1,5 triệu đồng, trong khi ở xã Tân Thủy như thôn Tân Thái, bình quân mỗi khẩu phải nộp 3 triệu đồng tiền làm đường. Dân làng thôn Thống Nhất tự hào vì có một nữ trưởng thôn biết thương dân, lăn lộn vì dân.

MỚI - NÓNG