Đồng Hới: Xóm đèn dầu giữa thành phố

Đồng Hới: Xóm đèn dầu giữa thành phố
TP - Cách khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới 1 km, nhưng gần 20 năm qua, 12 hộ dân xóm Trôn, thôn 5, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) phải sống trong cảnh tối tăm vì chưa có điện…
Đồng Hới: Xóm đèn dầu giữa thành phố ảnh 1
Nhà anh Nguyễn Ngọc Dũng, hộ duy nhất của làng có ti vi

Anh Nguyễn Ngọc Dũng bức xúc: “Chúng tôi cũng là dân thành phố, rứa mà điện chẳng thấy mô; cách một cánh đồng mà đã 20 năm dòng điện “đi không đến”.

Anh Dũng định cư ở đây từ năm 2003, vào mỗi mùa hè con anh phải xuống nhà bà ngoại ở vì không chịu nổi nóng. Trung bình mỗi ngày nhà anh phải tốn 20.000 đồng tiền dầu để chạy máy bơm nước và xạc bình ắc quy chiếu sáng.

Còn anh Nguyễn Xuân Hoàng, một trong 10 hộ dân định cư ở đây sớm nhất cho biết: “Cứ mùa hè đến là cả nhà tui đều bị ốm vì nhà nóng quá phải ra nằm ngoài sân. Hè năm vừa qua cả nhà 5 người đều bị sốt”.

Đáng thương hơn là trường hợp gia đình anh Nguyễn Thế Cảnh vì vợ anh mới sinh con thứ hai chưa đầy 6 tháng, cái máy phát điện của anh phải nổ cả ngày lẫn đêm để thắp sáng và chạy quạt, mỗi ngày tốn gần 40.000 đồng tiền dầu.

Giải pháp duy nhất trong mùa hè của anh là vợ và 2 con anh phải di tản xuống nhà ngoại để tránh nóng, chỉ mình anh ở lại.

Anh Nguyễn Bình San cho biết đã 10 năm sống trong cảnh đèn dầu, nhưng từ khi mở mô hình trang trại (đầu tư 100 triệu đồng), ngày hai lần bà Nguyễn Thị Phạ (ngoài 70 tuổi) - mẹ anh phải đẩy xe đi gần 1 km để chở nước về tắm cho bầy lợn 32 con và cả vườn cây ăn quả. Anh San chỉ mong có điện để mẹ mình đỡ vất vả hơn.

Đây là ngôi làng định cư theo chương trình di dân, giãn dân lên phía tây của thành phố.

Họ sống chủ yếu bằng nghề nông, trong 12 hộ dân ở đây chỉ có duy nhất nhà anh Nguyễn Thế Cảnh là không có người bị tàn tật, mắc bệnh.

Anh Dũng bị mờ một mắt, anh Hoàng thì cụt bàn chân, vợ anh Nguyễn Văn Chiến thường xuyên phải đi viện vì bị bệnh gan… nên việc sinh hoạt, sản xuất của họ càng thêm khó khăn.

Cũng chính vì không có điện nên nhiều gia đình khi đã có đất cũng không dám lên ở, nhiều người đã bỏ về. Đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi đã có hai hộ dân quyết định bán lại đất để đi tìm nơi ở mới.

Cuối năm 2004, anh Nguyễn Bình San thay mặt 12 hộ dân cầm đơn lên Sở Điện lực để xin kéo điện. Tháng 11/2005, một lần nữa anh Nguyễn Ngọc Dũng cầm tờ đơn có chữ ký của 12 hộ dân và 5 triệu đồng lên Sở Điện lực để xin giải quyết nhưng cả hai lần đều bị trả lại bởi lý do chờ dự án.

12 hộ dân nơi đây mong mỏi dòng điện từng ngày, họ sẵn sàng tự nguyện chịu tất cả các kinh phí lắp đặt.

Việc cấp điện cho khu vực dân cư này do Chi nhánh điện lực T.P Đồng Hới giải quyết. Ông Phạm Ngọc Lợi – Phó chi nhánh cấp điện Đồng Hới cho biết: “Đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được đơn hay yêu cầu nào từ chính quyền quản lý và của người dân, nên khu vực xóm Trôn, thôn 5 của xã Lộc Ninh có điện hay không chúng tôi cũng không biết”.

Còn ông Nguyễn Văn Vơn – Chủ tịch HĐND, UBND xã Lộc Ninh khẳng định: “Những hộ dân xóm Trôn, thôn 5 di dân theo dự án của thành phố, nên vấn đề cấp điện phải do thành phố trực tiếp kiến nghị và giải quyết”.

Quang Tám – Thu Hà
(K27- ĐHKH Huế)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.