Đồng Nai: Ẩn họa từ những chuyến đò đêm

Đồng Nai: Ẩn họa từ những chuyến đò đêm
TP - Chúng tôi đến bến phà 107 (thuộc xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai) lúc giữa khuya. Chúng tôi kêu đò rất to nhưng không thấy  chiếc đò trực đêm ở bến bên kia trả lời.

Một người đàn ông đi soi ếch nói: “Bật đèn xe lên, vừa bóp còi, vừa nhá đèn thì đò mới sang”. Nói xong anh ta lầm bầm: “Giờ đây qua đò làm gì, chết như chơi”. Chúng tôi khẽ rùng mình, con nước mùa lũ về ầm ào hung hãn!

Nhọc nhằn nghề sông nước

Đang là mùa nước lớn, những trận mưa kéo dài làm cho nước sông liên tục dâng cao, mức nước hiện đã  xấp xỉ mặt đường. Chiếc đò chở khách lại là loại đò đạp bằng chân nên người dân rất ngại đi đêm.

Túc trực trên bờ sông phía địa phận xã Thanh Sơn gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài ba khách, chủ yếu là dân thành phố đi thu mua nông sản về trễ, không có chỗ nghỉ đêm nên đành sang sông bắt xe về thành phố.

Bến phà 107 hiện có 4 phà nhỏ chở khách, 1 phà lớn chở hàng hóa, xe cộ và 15 đò chở khách ban đêm. Phà chở khách hoạt động ban ngày, từ 5 giờ 30 sáng cho đến 17 giờ 30 chiều.

Từ đó  đến sáng hôm sau là hoạt động của những chuyến đò. Trong thời gian này, khách muốn sang sông phải đứng trên bờ gọi đò. Giá cả đi đò  cũng không xác định, chủ yếu phụ thuộc vào mực nước cao thấp hoặc thời gian khuya hay sớm, dao động từ 10 đến 20 nghìn đồng cho 1 người và một xe.

Trực bến đêm hôm đó là anh Lê Văn Công, dân xã Thanh Sơn,  có thâm niên lái đò đã hai mươi năm. Con đò nhỏ của anh Công mùa này chỉ dám chở một xe và 2 người. Anh cho biết: “Bến có đến 15 chủ đò nên mỗi đò chỉ được trực hai đêm/ một tháng.

Vào mùa nước cạn, người qua sông nhiều thì thu nhập của tôi được vài chục ngàn một đêm. Nhưng đến mùa nước lớn, người qua sông ít, thu nhập chẳng đáng là bao”.

Anh Công cũng như nhiều chủ đò khác, phải làm thêm việc khác ban ngày như bốc vác, chăn nuôi, làm ruộng để tăng thêm thu nhập và cho con cái học hành.

Có thâm niên trong nghề, anh Công có thể điều chỉnh khéo léo từng nhịp chân, từng cú quay đầu, thậm chí thuộc lòng từng chỗ nước nông, sâu nhưng cảm nhận của anh trước mỗi đêm trực đò bao giờ cũng là nỗi sợ hãi đè nặng, nhất là khi đò ở giữa sông, chung quanh chỉ là tiếng nước chảy ào ào và vẻ mặt căng thẳng của khách.

Khác với bến phà 107, bến phà Sáu Trinh cách đó khoảng 500m chỉ có một chủ đò trực đêm là anh Trần Văn Vinh, cũng có thâm niên nghề nghiệp 26 năm. Bến phà Sáu Trinh nối liền con đường chạy ra thị trấn Định Quán nên có khá đông người qua lại.

Mỗi tháng, hai chủ phà sẽ trực 20 đêm, 10 đêm còn lại,  anh Vinh túc trực.  Đưa đò ở bến Sáu Trinh tuy thu nhập khá hơn chút đỉnh nhưng cũng trồi sụt bất thường. Gần như  6 tháng mùa mưa, gia đình đông đúc của anh chỉ trông vào ruộng rẫy.

Anh Vinh cho biết, điều làm anh ám ảnh nhất mỗi lúc đưa khách sang sông là đang chạy mà  đò bị chết máy giữa chừng. Khác với đò đạp chân, đò máy chở nhiều người hơn nên khi chết máy, khả năng vào bờ  rất mong manh.

Hiểm nguy rình rập

Năm nào cũng vậy, khi nước quá lớn, UBND xã Thanh Sơn  ra lệnh cấm đò đưa đêm. Thế nhưng, thực tế vẫn nảy sinh những nhu cầu qua lại ban đêm: Ốm đau, bệnh tật, tai nạn...

Mặc dù xã có thể điều tiết sớm bằng cách cho canô đưa người sang khi khẩn cấp nhưng việc điều tiết một lúc 3 bến đò là rất khó. Thế nên, số mệnh thuộc quyền quyết định của... ông trời.

Ngày 19/8/2006, lúc chạng vạng tối, tại bến đò 118, một tai nạn lật đò đã xảy ra. Chiếc đò của bà Đoàn Thị Liễu (ngụ tại xã Phú Thanh, Tân Phú) do anh Đoàn Minh Đức, em bà Liễu điều khiển, bất chấp lệnh cấm, chở 2 khách, ra đến giữa dòng thì nước trào vào làm lật úp. Tai nạn đã  khiến hai hành khách là  Trần Văn Hòa và Nguyễn Thị Ngọc Mai bị nước cuốn.

Ngược về trước, ngày 19/11/2004, chuyến đò chở 9 hành khách và 3 xe máy ra đến giữa dòng thì bị chìm vì trọng tải quá lớn, 3 chiếc xe chìm xuống đáy sông, may mà thiệt hại về người không xảy ra vì đang là mùa nước cạn.

Cách đây  14 năm, một vụ lật đò kinh hoàng đã xảy ra. Chiều ngày 23/7/1992, đò của anh em Phạm Văn Vần, Phạm Văn Tài đón một lúc 12 người sang sông.

Chiếc đò ra đến giữa sông, đúng luồng nước mạnh nhất giữa mùa mưa thì đột ngột bị lật nhào, hất luôn 10 hành khách và hai anh em chủ đò xuống dòng nước xiết. Sáu trong số 12 người đã bị nước cuốn trôi.

Bao giờ sông được bắc cầu?

Ông Nguyễn Hữu Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Thực ra, ngoài lệnh cấm khẩn cấp khi nước lớn, UBND xã đã ra lệnh cấm đò chạy đêm từ lâu nhưng không hiệu quả, vì đó là nhu cầu của người dân. Chỉ có cách làm cầu mới xóa bỏ được hiểm nguy khi đi đò”.

Ranh giới của hai xã Thanh Sơn – Ngọc Định (huyện Định Quán) được xác định bằng nhánh sông La Ngà chảy uốn khúc, song song với  quốc lộ. Nối giữa hai bờ là 3 bến đò nằm riêng biệt: bến phà 107, bến phà Sáu Trinh và bến phà 118. 

Việc  đi lại, vận chuyển hàng hóa phụ thuộc vào phà, đò  khiến cho người dân ở khu vực này gặp không ít khó khăn. Hàng hóa vào xã Thanh Sơn giá luôn cao hơn thị trường do cộng thêm phí phà đò.  Nông sản giá lại thấp, cũng vì phí phà đò.

Gần như suốt tháng 8 vừa qua, Thanh Sơn trở thành “ốc đảo” khi chiếc phà  tải hàng duy nhất phải tu sửa. Các công trình xây dựng như trường học, trạm bơm, trạm thủy lợi đều phải đình chỉ thi công vì không có xi măng, gạch, ngói...

Theo tin từ UBND xã Thanh Sơn, hiện đã có dự án làm cầu của Ủy ban Dân tộc Miền núi Quốc hội, thế nhưng dự án vẫn đang trong thời gian xác minh, lấy ý kiến nên chưa biết bao giờ sẽ khởi công.

Người dân Thanh Sơn vẫn đang mòn mỏi mong chờ một ngày nào đó, “ốc đảo” Thanh Sơn sẽ được nối liền với các địa phương khác bằng một cây cầu như mơ ước.

MỚI - NÓNG