Đồng ruộng tan hoang vì... vàng

Đồng ruộng tan hoang vì... vàng
TP - Hoạt động khai thác vàng tại tỉnh Kon Tum để lại đằng sau hàng loạt hệ lụy, sông suối bị tàn phá, đất canh tác bị nhiễm độc hoặc chỉ còn lại sỏi đá khô cằn.
Đồng ruộng tan hoang vì... vàng ảnh 1

Lòng sông suối bị biến dạng sau quá trình đào đãi vàng.

Trong giai đoạn 2010-2011, UBND tỉnh Kon Tum  cấp phép khai thác vàng với diện tích hàng trăm hecta dọc các sông suối ở các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đắk Glei cho 3 doanh nghiệp là Cty TNHH Khai thác khoáng sản Bình Giang, Cty TNHH Kim Sơn Thủy và Cty Cổ phần Thép Đông Á.

Giao đất tốt, trả đất bạc màu

Tại huyện Đắk Glei, có 2 đơn vị được cấp phép khai thác vàng là Cty Cổ phần Thép Đông Á và Cty TNHH Kim Sơn Thủy. Trở lại các sông suối từng được cấp phép khai thác vàng cho những đơn vị này, nhóm phóng viên chúng tôi chứng kiến cảnh sông suối bị băm vằm tan hoang.

Tại suối Đắk Mỹ (một nhánh thuộc lưu vực sông Đắk Pét), đoạn chảy qua 2 thôn Peng Sang Peng và Đắk Đoát thuộc xã Đắk Pét, nơi từng được cấp phép khai thác cho Cty TNHH Kim Sơn Thủy, nay lòng suối bị bồi lấp, từng ụ đất nằm chình ình giữa suối, đá lổm ngổm. Nhiều khu đất của dân sau khi “qua tay” Cty khai thác vàng này thì không canh tác được nữa.

Bà Y Tun ở thôn Đắk Đoát kể: Nhà bà có 1.500m2 đất màu mỡ ở dọc suối Đắk Mỹ, trước kia quanh năm trồng lúa tươi tốt, cung cấp gạo cho 6 miệng ăn. Từ năm 2011 thật thà khờ dại bán đất trong thời hạn một năm cho Cty khai thác vàng Kim Sơn Thủy với giá
50.000 đồng/m2, sau đó khu đất này bị xới tung, sỏi đá chất đống, cỏ mọc um tùm không khác gì bãi chiến trường.

Khổ chủ Y Tun buồn bã nói: Tin lời Cty bảo khai thác vàng xong sẽ hoàn thổ rồi trả đất cho gia đình canh tác, bà đồng ý. Ai ngờ người ta lấy được vàng xong trả lại đám rẫy toàn sỏi đá, bạc màu, không sản xuất được. Tiếc đất, người nhà bà Y Tun dùng xe xúc bồi trên diện tích 100m2 để trồng cỏ cho bò, 1.400m2 còn lại đành bỏ. Bây giờ hết đất trồng lúa, gia đình thiếu gạo ăn, đói kém vô cùng.

Theo thống kê của ông A Mrát- Trưởng thôn Đắk Đoát, tổng số diện tích ruộng, rẫy dọc suối dân trong thôn bán cho Cty khai thác vàng ước tính khoảng 12ha. Sau khi khai thác  xong, Cty không hoàn thổ như cam kết. Đất không thể sản xuất, phải bỏ hoang.

Tương tự, ông A Mốk- Trưởng thôn Peng Sang Peng  cho biết, thôn có khoảng 20ha đất trồng mì và lúa của dân được Cty mua với giá 20.000 đồng/m2. Sau gần 1 năm xới đất làm vàng, Cty trả lại đất cho dân nhưng không hoàn thổ như đã hứa. Dân không sản xuất được.

Ngược từ Đắk Glei về huyện Ngọc Hồi, đoạn qua sông Pô Cô chảy qua thôn Long Dôn (xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi), lòng sông trước kia trôi êm đềm, thơ mộng nhưng khi qua tay Cty khai thác vàng đã biến dạng. Nằm bên lòng sông là bãi đất đỏ được phủ trên mặt lớp đá, phải bỏ hoang. Theo lãnh đạo thôn Long Dôn, nơi này vào năm 2013 Cty Cổ phần thép Đông Á được cấp phép khai thác. Cty này cũng mua thêm đất sản xuất chuyên trồng mì, bắp của dân. Đến năm 2015, khi doanh nghiệp rời đi, đất trả lại không sản xuất được khoảng 10ha.

Lời hứa gió bay!

Dù sống trên mỏ vàng nhưng thực tế, người dân không được hưởng lợi. Ông A Mốk, Trưởng thôn Peng Sang Peng chua chát nói: “Cty hứa hỗ trợ thôn 150 triệu đồng để làm quỹ, ngoài ra còn cho các hộ nghèo 5 căn nhà và 5 con bò. Thôn mừng lắm nhưng té ra họ chỉ nói cho sướng mồm chứ không làm. Họ không đưa đã đành, dân lại còn nghi ngờ lãnh đạo thôn ăn tiền hỗ trợ đó mới đau”. Cũng theo ông A Mốk, dân không hưởng được lợi gì từ dự án khai thác vàng mà hệ lụy gánh lấy là rất lớn. Nhiều hộ bán đất, giờ đất xấu bỏ hoang thì hết đất trồng lúa, dẫn đến thiếu gạo, đói ăn. Nhiều hộ mất đất phải đi phá rừng làm rẫy. Nhiều gia đình từng bán đất cho Cty khai thác vàng nay hối hận thì đã muộn. Khi bán, họ dùng tiền xây nhà, mua xe, hậu quả là nhiều năm sau đó không sản xuất được, đành chịu đói khổ.

Ông Kring Sa Tiểng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Pét cho biết: Chúng tôi chưa nắm được diện tích cụ thể mà người dân bán cho các Cty khai thác vàng. Cách đây 5 năm, Cty TNHH Kim Sơn Thủy được cấp phép khai thác vàng tại địa bàn xã. Khai thác xong, Cty chỉ hoàn thổ được khoảng 80% diện tích bị ảnh hưởng. 

Cty khai thác, dân cũng ồ ạt bắt chước đãi vàng, làm mất an ninh khiến chính quyền xã huyện vất vả đi truy quét. Từ năm 2013 đến nay, khi dự án dừng, dân làm vàng trái phép cũng ngưng. Bây giờ xã chẳng muốn Cty nào được cấp phép khai thác nữa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei Trịnh Xuân Lộc cho rằng thực tế cũng có việc người dân và Cty ngầm bắt tay mua bán đất để làm vàng “chui”. Để ngăn chặn, UBND huyện đã có khuyến cáo, chỉ đạo không được sang nhượng các dự án khai thác vàng, mua bán trái phép đất sản xuất của dân. 

Đổi rừng lấy vàng

Hiện tỉnh Kon Tum có một đơn vị được cấp phép khai thác vàng là Cty Cổ phần Tấn Phát. Năm 2015, Bộ TN&MT cấp giấy phép cho Cty Cổ phần Tấn Phát khai thác quặng vàng bằng phương pháp lộ thiên và hầm lò tại khu vực xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei với thời hạn 15,5 năm. Đến tháng 11/2015, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 47,95 ha đất rừng tự nhiên (tiểu khu 9, xã Đắk Blô) sang đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản. Đồng thời cho Cty này thuê đất để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác và tuyển quặng vàng Đắk Blô với diện tích có rừng là 41,9ha, đất lâm nghiệp không có rừng 4,18ha, đất khe suối và đất trống 1,87ha. Quyết định 344 ngày 7/4/2016 về phê duyệt hồ sơ và cấp phép khai thác tận dụng gỗ, nêu rõ đối tượng là rừng sản xuất, phương thức khai thác là chặt trắng.

MỚI - NÓNG