Đồng thuận và băn khoăn

Đồng thuận và băn khoăn
TP - Thảo luận tại tổ (sáng 14/5), đa số ý kiến đại biểu QH đồng thuận với chủ trương mở rộng Hà Nội, nhưng rất băn khoăn với đề án, mức độ mở rộng, thời điểm, lộ trình thực hiện.

Các ĐBQH  cũng cho rằng: Đại biểu rất thiếu thông tin, Chính phủ cần trình ra một đề án khả thi với những thông số, cơ sở, lộ trình thuyết phục hơn.

Nhiều băn khoăn, lo ngại

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế  Nguyễn Hoàng Anh (ĐB Hải Phòng) cho rằng đề án  thiếu nhiều yếu tố. “Thủ đô có cần mở rộng diện tích đến vậy? Không thấy cơ sở chứng minh.

Việc chuẩn bị đề án thiếu sót, đánh giá  cả ảnh hưởng của thị trường bất động sản vào đề án tôi thấy rất khiên cưỡng. Dân cư và các vấn đề xã hội  của Hà Nội  sẽ ra sao  trong tương lai?

Tôi rất băn khoăn. Bao lâu nữa người dân sau sáp nhập mới có ý thức, tri thức của người thủ đô? Nhập về Hà Nội  thì kinh tế mũi nhọn là gì? Tôi thấy cần phải làm rõ các thông tin, bởi ĐBQH có quá ít thông tin đến thời điểm này” - Ông Anh nói.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM): Rất ủng hộ việc nghiên cứu để có quy mô thủ đô tầm cỡ. Nhưng thực tế, quản lý đô thị đang bất cập.

Tình trạng đầu cơ lớn, đặc biệt phải dự liệu nguy cơ sau mở rộng, người nông dân mất đất, xử lý  thế nào.

Nếu lần này QH biểu quyết thông qua về chủ trương mở rộng, ra nghị quyết, giao CP nghiên cứu kỹ hơn về lộ trình, phương án và lùi đến một thời điểm phù hợp hơn để thực hiện.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Tây): Nhiều năm qua chúng ta đã hát bài Hà Tây quê lụa và nhiều năm Hà Tây là áo giáp thủ đô.

Hà Tây cũng là đất hai vua, quê hương của Nguyễn Trãi, có 1.200 di tích… mang bản sắc văn hóa xứ Đoài, khi sáp nhập bản sắc đó còn không?

ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa): Bấm nút đồng ý hay không rất phân vân, vì cơ sở khoa học, căn cứ chưa rõ.

Căn cứ vào việc Hà Nội đang phát triển thế nào rồi làm đề án là không ổn, cần xác định các tiêu chí trước, sau đó nghiên cứu đề án. 

“Có những lý do rất buồn cười, là mở rộng để Hà Nội có rau sạch, có khu nghĩ dưỡng... Suy nghĩ đó rất phản cảm”- ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) phản đối cơ sở tờ trình nêu ra.

Ông Đào cho rằng, Hà Nội phải là Hà Nội, không phải mở rộng để cái gì cũng có. Mở rộng như thế, thủ đô Hà Nội sẽ trở thành tỉnh Hà Nội, không còn là thủ đô nữa.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, Hà Nội không nhất thiết phải là một thủ đô đa chức năng, không nên đua chen để trở thành một trung tâm kinh tế như TPHCM.  Còn mở rộng, phải xác định rõ các tiêu chí, tầm nhìn.

“Năng lực quản lý đô thị mới là vấn đề đáng suy nghĩ, trên thông nhưng dưới thế nào?”.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục của QH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng quyết định mở rộng thủ đô Hà Nội rất quan trọng,  còn quan trọng hơn việc quyết định các công trình quan trọng quốc gia như thủy điện Sơn La.

Có thể xem mở rộng là một dự án lớn, đụng chạm đến hàng triệu người dân và tác động đến cả môi trường và văn hóa.

Ông cũng nêu có dư luận về việc có yếu tố nhóm lợi ích nào phía sau việc quyết định mở rộng Hà Nội quá gấp không? “Tôi sợ sự chuẩn bị  trong đề án là chưa đủ, chúng ta cần cân nhắc thận trọng, không phải chỉ mở rộng bằng con đường đất đai  và ý chí”- Ông Thuyết nói.

Còn Chủ nhiệm UB Đối ngoại QH Nguyễn Văn Son quan ngại: “Đề án đang bàn mới ở dạng ý tưởng, tầm nhìn chiến lược mà thôi. Vì thế  quyết sách lần này là ở tầm nhìn chiến lược, chứ ý kiến phản biện càng  truy vào các nội dung cụ thể, chi tiết thì càng rối, người giải trình càng sơ hở”.

Đồng thuận và băn khoăn ảnh 1
Nhân dân hết sức quan tâm tới vấn đề quy hoạch phát triển thủ đô (ảnh chụp tại Triển lãm quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội) 
Ảnh: Hồng Vĩnh

Phải lấy ý kiến của dân

“Vì sao một đề án quan trọng như vậy lại không đưa ra lấy ý kiến dân, công bố rộng rãi để dân bàn bạc?” - ĐB Nguyễn Hồng Sơn (HN) nói. Theo ông Sơn, cùng với lấy ý kiến dân, Chính phủ phải làm rõ cơ sở, nguồn tài chính thực hiện.

ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) nêu mối bận tâm về đề án của Chính phủ. “Việc mở rộng thủ đô Hà Nội  trình ra tôi thấy ĐBQH không đủ quỹ thời gian  để quyết định  vấn đề hệ trọng này.

Theo tôi, mở rộng thủ đô là vấn đề hệ trọng của quốc  gia, thủ đô không chỉ của Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình vì vậy phải lấy ý kiến cử tri  cả nước, chí ít là HĐND của 64 tỉnh, thành chứ không chỉ HĐND 4 tỉnh, thành liên quan như vừa qua” - Ông Kiệt nói.

Ông Phan Đức Hưởng (Trưởng đoàn ĐBQH Vĩnh Long)  phát biểu: “Tôi thấy kỳ này nên dừng ở mức Chính phủ trình QH cho ý kiến đồng ý về chủ trương mở rộng thủ đô thôi, còn cụ thể mở rộng  như thế nào  giao  cho Chính phủ tổ chức thực hiện  cụ thể các phương án, đồng thời chuẩn bị tư tưởng, kỳ họp lần sau  QH sẽ quyết chọn phương án.

Chuẩn bị như thế mới chặt chẽ, thuyết phục, các ĐBQH mới thấy yên tâm,  chứ kỳ họp này quyết luôn thì không thuận lắm” - Ông Hưởng đề nghị.

Cho rằng đề án quá chủ quan, ĐB Đặng Văn Khanh nói: “Mở rộng đến đâu là một bài toán. Nhưng cả 5 phương án không thuyết phục.

Hà Nội đã có lịch sử 1.000 năm và cũng sẽ cần có tầm nhìn, đâu phải chỉ có 20-50 năm”. Ông Khanh tiếp, nếu ta quyết, 20-30 năm nữa sẽ thế nào? Những bài học tách nhập vừa qua vẫn chưa được Chính phủ đánh giá.

Đại biểu Nguyễn Minh Hà nói: “Hà Nội đang rất bộn bề công việc, mở rộng thời điểm này có nên không? Nên lùi lại đến thời điểm sau lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

MỚI - NÓNG