Đốt 70 triệu đồng mỗi ngày để "giải tội"

Đốt 70 triệu đồng mỗi ngày để "giải tội"
Một số người vẫn cho rằng bỏ thật nhiều tiền để cúng tế cho thế giới âm thì cuộc sống ở dương gian sẽ giải trừ được tội lỗi, gia tăng phúc lộc công danh.
Đốt 70 triệu đồng mỗi ngày để "giải tội" ảnh 1
Hàng tỉ đồng hàng mã cháy rụi theo ngọn lửa

Ngôi nhà bốn tầng của “thầy” Th. ở Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội vàng mã chất cao như núi. Sát cửa điện, hai “ông” ngựa giấy lực lưỡng cao ngót 3m, dán giấy xanh đỏ lòe loẹt. Trong điện, những đinh vàng bạc và những chồng tiền giấy âm phủ xếp dọc theo chân tường lên tận trần nhà.

Giữa điện, hai con voi lớn chen chúc với thuyền rồng, những tòa bảo điện, ngai bà chúa, cùng vài chục hình nhân lớn như người thật. Tất cả đều bằng giấy màu sặc sỡ.

Chị Thục, người giúp việc của “thầy” Th., kiểm kê lại số hàng mã: “Bốn “ông mã”, mỗi ông 500.000 đồng. Ông voi thì bảy trăm. Hai tòa bảo điện để làm lễ “rải quan” (rải tiền cho quan cõi âm) mỗi tòa 600.000 đồng. Ngai bà chúa và thuyền rồng thì trên triệu đồng một bộ. Buổi lễ hôm nay nguyên tiền vàng mã đã lên đến hơn 70 triệu đồng”.

Chị Hằng (Hàng Cháo) ly dị chồng cách đây hai năm, hiện đang ở với đứa con trai duy nhất quặt quẹo đau ốm. Theo lời thầy, chị sửa liền ba lễ “gửi con”, “đổi tuổi” và “trói cô”.

Lễ “gửi con” là mong thằng bé được thánh thần phù hộ, lễ “đổi tuổi” mong chị thay đổi được duyên nghiệp, còn lễ “trói cô” là để níu giữ người chồng cũ trở lại với chị. Tổng cộng chị phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng sắm lễ.

Bà Lan đến từ Nam Định nhờ thầy làm lễ “rải quan di hạn” (chuyển hạn sang người khác), giải nghiệp chướng cho chồng bà - một giám đốc công ty xuất nhập khẩu, vừa bị tai nạn xe hơi.

Mỗi lần làm lễ bà bỏ ra gần 30 triệu đồng. Những người đang có cuộc sống bình thường nhưng mong năm mới gặp may mắn tài lộc đầy nhà cũng tìm đến nhờ thầy làm lễ.

Nhiều nơi khác cũng có những “thầy” như thầy Th.. Mỗi thầy có hàng trăm con nhang đệ tử. Họ thường đưa cả cục tiền nhờ thầy sắm lễ và vàng mã luôn. Thầy mua nhiều vàng mã thì được nhiều tiền “phần trăm”, vả lại lễ càng lớn thì tiền công của thầy càng cao.

“Công xưởng” hàng mã

Hàng mã ở Hà Nội được sản xuất tại làng Cót (Cầu Giấy, Hà Nội) và làng Đông Khê (làng Đông Hồ cũ), xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Nếu như làng Cót là một “ngân hàng địa phủ” chuyên sản xuất tiền vàng thì Đông Khê là nơi sản xuất “đồ gia dụng”.

Tại Đông Khê, sự chuyên môn hóa trong sản xuất đồ gia dụng bằng giấy diễn ra triệt để. Trần sao âm vậy. Các mặt hàng được chia thành hai loại, cao cấp và hàng chợ. Chỉ những hộ làm nghề lâu năm, nhiều vốn và kinh nghiệm mới dám làm hàng cao cấp.

Ví như hộ ông Chử chuyên làm mũ giấy cao cấp, giá 40.000 - 50.000 đồng/chiếc (loại thường chỉ 5.000 đồng/chiếc). Hộ anh Sơn chuyên làm xe máy giấy to bằng xe máy thật, giá bán 400.000 - 500.000 đồng/chiếc.

“Tốt lễ dễ nói”, xu hướng hàng mã cao cấp đang ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Như Điều, phó chủ tịch UBND xã Song Hồ, cho biết toàn xã có khoảng trên 600 hộ chuyên nghề sản xuất hàng mã. Vào những đợt cao điểm, người ta phải dùng ôtô đóng hàng rồi chuyển đi Hà Nội và các tỉnh.

Theo Việt Hằng
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.