Dự án 5 triệu ha rừng khó hoàn thành vào 2010

Dự án 5 triệu ha rừng khó hoàn thành vào 2010
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng với tiến độ và chất lượng trồng rừng như hiện nay, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã không đạt kế hoạch giai đoạn 1998 - 2005 và khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của Dự án vào năm 2010.

Mặc dù đánh giá dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (1998-2010) qua 8 năm triển khai từ năm 1998 đến năm 2005 đã đạt được các kết quả nhất định, nhưng hầu hết Đại biểu Quốc hội đều cho rằng dự án chưa thực sự thành công như mong muốn.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay cả nước mới trồng được gần 1,5 triệu ha, bằng 28,5% kế hoạch, trong đó chỉ trồng thêm khoảng 664.000ha rừng nguyên liệu, đạt 22% kế hoạch.

Chất lượng rừng còn kém (chỉ có gần 42% diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh sau 6 năm thành rừng), khả năng cung cấp gỗ của rừng còn thấp (2,5triệu triệum3/năm, vẫn phải nhập 2 triệum3/năm), tình trạng chặt phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi (mất gần 80.000ha rừng trong thời gian thực hiện dự án).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là công tác quy hoạch và thực thi theo quy hoạch còn nhiều yếu kém, chất lượng quy hoạch thấp, giữa quy hoạch và thực tế còn sai khác nhiều; thiếu sự hướng dẫn với các tiêu chí rõ ràng đối với từng loại rừng; việc thẩm định, phê duyệt dự án cũng như phối hợp giám sát còn lỏng lẻo; rừng trải rộng trên địa bàn lớn, chủ yếu ở vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp thấp so với nhu cầu, chính sách chưa thực sự tạo ra động lực khuyến khích người dân gắn bó với rừng...

Nhìn nhận những yếu kém của dự án trên quan điểm phải đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tới, các Đại biểu Quốc hội nhất trí với nội dung điều chỉnh lại một số mục tiêu, nhiệm vụ của dự án theo đề nghị của Chính phủ.

 Cụ thể là giảm diện tích khoán bảo vệ rừng bằng vốn ngân sách nhà nước xuống 1,5 triệu ha/năm, chỉ thực hiện khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở những nơi có nguy cơ bị phá cao và dân chưa có khả năng hưởng lợi từ rừng; trồng 250.000 ha rừng đặc dụng và phòng hộ (bình quân 50.000ha/năm); trồng 750.000 ha rừng sản xuất (150.000ha/năm)...

Tuy nhiên, theo các đại biểu, để đạt các mục tiêu này, Chính phủ nên xem xét, bố trí nguồn vốn hợp lý, đặc biệt là trồng rừng phòng hộ ở các khu vực xung yếu.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Cao Đức Phát xin tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội để nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế, chính sách và quản lý điều hành dự án 5 triệu ha rừng trong thời gian tới, trong đó sẽ ưu tiên dành quỹ đất, nguồn lực phát triển rừng kinh tế trên cơ sở xã hội hóa nghề rừng, đem lại việc làm và thu nhập nhiều hơn cho người dân.

Bộ trưởng cũng đề nghị Đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện ở các địa phương để dự án đi đúng hướng, đạt mục tiêu của Quốc hội.

MỚI - NÓNG