Dự án cải tạo sông Kim Ngưu: Tiền tỷ bị 'trôi sông'

Dự án cải tạo sông Kim Ngưu: Tiền tỷ bị 'trôi sông'
TP - Hàng tỷ đồng đã được đầu tư cải tạo, xây dựng kè và nạo vét để làm sạch lòng sông Kim Ngưu (Hà Nội). Thế nhưng, hiện nay nhiều đoạn kè ở đây đang bị sụt, lún nghiêm trọng, trong khi lòng sông vẫn bị ô nhiễm nặng nề.

Được đầu tư trên 21 tỷ đồng (chỉ tính riêng việc nạo vét và kè bờ đoạn từ cầu Lò Đúc đến cầu KU2) thế nhưng hiện nhiều đoạn kè hai bên bờ sông của dự án cải tạo sông Kim Ngưu đang xảy ra hiện tượng sụt, lún và xuống cấp.

Dọc từ tuyến phố Kim Ngưu, Mai Động, Tam Trinh, nhiều đoạn kè hai bên bờ sông này xuất hiện những vết rạn nứt. Nghiêm trọng nhất là đoạn dọc đường Tam Trinh (từ số nhà 675 đến cầu KU2, thuộc phường Yên Sở), cả vỉa hè và kè bờ sông đã bị sụt, lún với những đoạn dài hàng chục mét. Có đoạn cả vỉa hè (rộng khoảng 10m), rào chắn, kè bờ sông đều bị sụt, lún sâu gần 1m và chực đổ ầm xuống sông!

Việc lún sâu đã làm cho những khối bê tông và đá của kè bờ sông ở một số đoạn bị vỡ từng mảng. Nghiêm trọng hơn, việc sụt, lún trên đang làm cho lòng sông đoạn này bị hẹp lại.

Theo phản ánh của người dân sống xung quanh, hiện tượng sụt, lún vỉa hè và kè bờ sông đoạn đường Tam Trinh đã xuất hiện từ lâu. Nhiều lần đơn vị thi công đã cho công nhân sửa chữa, “chắp vá” nhưng việc sụt, lún ở khu vực này vẫn ngày càng sâu và nghiêm trọng hơn. 

Đại diện Ban Quản lý Dự án công trình giao thông công chính - Sở Giao thông Công chính Hà Nội cho biết, dự án cải tạo sông Kim Ngưu thuộc gói thầu 7B (nằm trong dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1). Dự án đã được bàn giao từ năm 2000 và trong quá trình sử dụng chưa có vấn đề gì lớn xảy ra.

Sở dĩ hiện nay xảy ra hiện tượng sụt, nứt nghiêm trọng cả vỉa hè và kè bờ dài khoảng 200m (đoạn Tam Trinh), là do cuối năm 2006, khi Ban quản lý dự án duy tu (Sở Giao thông Công chính) triển khai dự án làm vỉa hè đường Tam Trinh.

Theo lý giải cán bộ kỹ thuật Ban quản lý dự án công trình giao thông công chính, việc chất tải và thiết kế tường chắn để làm vỉa hè xử lý không tốt có thể là nguyên nhân chính gây ra lún, nứt kể trên.

“Địa chất ở đoạn này vốn yếu nên khi sụt, lún dẫn đến đất ở bờ sông đẩy toàn bộ mái kè trôi tụt xuống” - Một cán bộ kỹ thuật giải thích.

Về các vết nứt, lún những đoạn khác của mái kè hai bên bờ sông, Ban quản lý dự án công trình giao thông công chính cho rằng, hiện tượng trên có thể là do “va đập cơ giới” của đơn vị nạo vét lòng sông.

“Thời gian bảo hành dự án là 2 năm đã qua, nếu nói chất lượng công trình này có vấn đề là không có cơ sở. Những đoạn kè có sự cố vẫn kết dính với nhau, chất lượng kém nó sẽ vỡ tan ngay rồi” - Đại diện Ban quản lý dự án công trình giao thông công chính lý giải.

Đổ tiền tỷ, ô nhiễm không cải thiện được bao nhiêu

Được đánh giá là thẳng và “thanh thoát” nhất trong các con sông của Hà Nội và dù đã được đầu tư xây kè, nạo vét lòng sông nhiều lần, thế nhưng những việc đó không làm dòng sông này sạch hơn. Ngược lại, nó đang bị ô nhiễm.

Với chiều dài đã được cải tạo chỉ khoảng 3,7 km (đoạn từ Lò Đúc đến cầu KU2), nhưng nước sông Kim Ngưu luôn đen đặc và hôi thối. Hàng nghìn người dân hàng ngày đêm vẫn phải sống cạnh một dòng sông ô nhiễm nặng nề. Nhiều miệng cống rác thải ùn ra từng đống nhưng không được thu gom kịp thời bốc mùi xú uế nồng nặc cả khu vực.

"Trời nắng, hay mưa, mùi hôi thối từ lòng sông bốc lên xộc vào mũi rất khó chịu. Đi ra ngoài hay tập thể dục đều phải treo khẩu trang” - Ông Lê Văn Thái, người sống lâu năm ở khu vực đường Tam Trinh bức xúc.

Theo Cty thoát nước Hà Nội (đơn vị được giao quản lý lòng sông - PV), việc ô nhiễm ở sông Kim Ngưu hiện nay là do hầu hết lượng nước thải chưa qua xử lý (nước thải sinh hoạt, nước thải các nhà máy, xí nghiệp lân cận...), đều đổ trực tiếp xuống hệ thống sông.

Ngoài ra, sự thiếu ý thức của người dân đã vứt rác bừa bãi, đổ phế liệu, phế thải xuống sông đã làm cho sông Kim Ngưu ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

“Việc nạo vét lòng sông cũng không được thực hiện thường xuyên bởi vì kinh phí cũng không có, hơn nữa khối lượng nạo vét của sông rất lớn nên lượng không đủ. Hiện việc vớt rác trên bề mặt sông chỉ là bề nổi, còn cái gốc để xử lý ô nhiễm, hôi thối là chất lượng nguồn nước thải thì chịu vì chúng tôi không xử lý được” - Một vị cán bộ bộc bạch.   

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.