Dự án cao tốc Bắc - Nam: Lo ngại nguồn tiền, đội vốn

Tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. Ảnh: Nhật Minh.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tỏ ra tự tin sẽ huy động được các thành phần kinh tế tham gia thực hiện dự án theo hình thức BOT, thì một số đại biểu lại cho là khó khăn, vì hình thức này đang bị người dân phản ứng.

Thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tại Quốc hội, chiều 8/11, trong khi tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tỏ ra tự tin sẽ huy động được các thành phần kinh tế tham gia thực hiện dự án theo hình thức BOT, thì một số đại biểu (ĐB) lại cho là khó khăn, vì hình thức này đang bị người dân phản ứng.

Muốn giàu phải làm cao tốc (?)

Theo tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đất nước ta chạy dài từ Bắc vào Nam. Hầu hết các trung tâm lớn như Hà Nội, Nha Trang, TPHCM, Cần Thơ hiện nay đều được kết nối qua trục Quốc lộ 1 cũ. Mặc dù tuyến đường này mới đây đã được cải tạo, nâng cấp nhưng ở một số đoạn đã quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách quốc gia. Do đó rất cần thiết phải có tuyến cao tốc nối các đô thị lớn với nhau, tạo động lực phát triển.

Thừa nhận, ngân sách còn khó khăn, nhưng theo Bộ trưởng Thể, nếu một miếng bánh chia mành mành ra 63 tỉnh, thành phố thì có khi cuối cùng chẳng được cái gì cả, ngân sách cũng không tăng trưởng được. “Muốn tạo ra đột phá thì phải xây dựng cao tốc, nhất là cao tốc Bắc - Nam. Muốn đất nước phát triển bền vững, muốn ngân sách dồi dào, muốn tỉnh giàu hỗ trợ cho tỉnh nghèo, muốn dăm ba năm nữa chúng ta có ngân sách để hỗ trợ các tỉnh còn khó khăn thì không có cách nào khác là phải ủng hộ làm cao tốc. Có trục đường này mới tạo ra động lực phát triển kinh tế lớn”, ông Thể nhấn mạnh.

Đồng tình việc xây dựng dự án này, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, nếu làm sẽ hoàn thành được 3 đột phá chiến lược, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại. Tuy nhiên ông Ngân lưu ý cần tính thêm độ nhạy cảm, dễ phát sinh rủi ro như việc thực hiện giải phóng mặt bằng, lãi suất vay, thu phí, biến đổi khí hậu.

Đề cập đến nguồn vốn xây dựng dự án là 118.716 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 55.000 tỷ đồng còn lại của nhà đầu tư, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) lưu ý, các dự án đầu tư giao thông trước nay đều đội vốn, có thể gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Vì thế Chính phủ phải tính toán chi tiết hơn để thuyết phục được Quốc hội, cử tri đối với dự án này.

 BOT còn hấp dẫn nhà đầu tư (?)

Về cách thức thực hiện dự án, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài là trên 600 km, được chia ra làm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thực hiện theo hình thức BOT, còn lại là thực hiện bằng ngân sách Nhà nước. “Sở dĩ có 3 dự án thực hiện bằng ngân sách Nhà nước là vì những khu vực này chúng ta đã làm một phần rồi, nhưng mới chỉ có 2 làn. Nay nếu làm theo BOT thì sẽ không khắc phục được tình trạng công tư lẫn lộn như trước. Vì thế, bỏ ngân sách nhà nước ra làm là hoàn toàn phù hợp”, ông Kiên nói.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, tất cả các dự án thành phần được thực hiện theo hình thức BOT sẽ được đấu thầu công khai, minh bạch. “Nếu đấu thầu lần một không được, chúng tôi sẽ điều chỉnh để đấu thầu lần 2 cho thành công, chứ không để chỉ định thầu như trước đây nữa”, ông Thể nói. Về mức phí, ông Thể cho biết, mỗi dự án này tính bình quân thu phí trong vòng 24 năm, mức phí trung bình sẽ là 2.500 đồng/km đối với xe con. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu sẽ chỉ thu ở mức 1.500 đồng km/xe con và sau đó sẽ tăng dần dần theo lộ trình. “Thu như thế mới tạo ra sức hút đối với các dòng xe, chứ thu cao ngay từ đầu thì các xe sẽ chạy trên Quốc lộ 1 cũ, chứ ít đi vào cao tốc, không bảo đảm được phương án thu hồi vốn”, ông Thể nói.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) cho rằng chưa chắc hình thức BOT còn hấp dẫn nhà đầu tư, bởi hình thức này đang bị nhiều phản ứng. Chưa kể, đầu tư BOT phải chịu 3 lãi suất, từ lãi suất tiền gửi của người dân, lãi suất để ngân hàng có lời và khoản lời của chủ đầu tư khi đầu tư vào dự án. “Dự thảo cho hình thức BOT được hưởng lợi nhuận 14% nhưng nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề là nếu họ tham gia thì lợi nhuận phải 18% trở lên. Tất nhiên, nhà đầu tư nước ngoài họ minh bạch trong các hạng mục. Ở ta thì công tác kiểm tra chưa tốt nên đôi khi doanh nghiệp chấp nhận lãi thấp hơn, rồi có thể đội vốn”, ông Quốc lưu ý.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đề nghị xây dựng những cơ chế chặt chẽ để chống thất thu, tiêu cực cũng như các nguy cơ có thể nảy sinh tham nhũng. Đặc biệt, khi thực hiện dự án theo hình thức BOT phải lấy ý kiến người dân để tạo ra sự công khai, minh bạch. Đồng thời khi đấu thầu phải lưu ý lựa chọn những nhà thầu mạnh, có uy tín, bảo đảm chất lượng. “Nên chọn những nhà thầu dám cam kết bảo hành 5 năm, chứ chọn nhà thầu mà “vừa làm xong đã hỏng” sẽ gây bức xúc trong dư luận”, ông Phương nói và cảnh báo “nếu không có những điều kiện về đấu thầu một cách chặt chẽ thì có khi tiêu cực còn lớn hơn so với chỉ định thầu”.

“Tôi lo cho chất lượng công trình, năng lực các nhà đầu tư tham gia công trình này. Mình đi đường Campuchia, Lào cứ êm ru, mà đường bên mình đi “giật cục, nảy nảy”, đường đi một thời gian là xuống cấp rồi lại nâng cấp” .

                ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM)

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.