Dự án của Vietinbank tại Ciputra: Chuyển sang tự đầu tư

Dự án của Vietinbank tại Ciputra: Chuyển sang tự đầu tư
TP - Ngày 9-1-2010, ông Nguyễn Văn Du, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cùng một số vị lãnh đạo Vietinbank đã chủ trì cuộc họp báo liên quan dự án này.
Dự án của Vietinbank tại Ciputra: Chuyển sang tự đầu tư ảnh 1
PTGĐ Nguyễn Văn Du (giữa), Kế toán Trưởng Nguyễn Văn Trung (ngoài cùng bên trái) tại cuộc họp báo

Theo ông Du, dự án được triển khai đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định của pháp luật.

Ông Phạm Huy Hùng, Tổng GĐ Vietinbank, năm 2007, đã thay mặt đơn vị ký biên bản ghi nhớ với đối tác PAP về việc thực hiện dự án xây dựng trụ sở,  khách sạn, căn hộ tại Ciputra theo tỷ lệ vốn 28% của Vietinbank (bằng quyền sử dụng đất) và 72% của PAP.

Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo, mặt bằng giá thị trường lên cao thì giá trị quyền sử dụng đất thuê mà Vietinbank dự định góp vốn vào liên doanh tăng lên 50% tổng giá trị dự án.

Vì lý do đó, Vietinbank có văn bản trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được chấp thuận mức góp vốn là 50%.

Giải thích về quá trình liên doanh giữa Vietinbank và PAP trong thực hiện dự án này, ông Du cho biết, do không thống nhất được vấn đề phân chia quyền lợi (phía đối tác Singapore muốn phần nhiều hơn) nên việc thỏa thuận để ký hợp đồng liên doanh không thành.

Ngày 7-2-2008 đối tác PAP có thư ngừng hoàn toàn trao đổi tiếp về liên doanh. Như vậy kế hoạch liên doanh với PAP đã thất bại sau khi Vietinbank ký hợp đồng thuê đất với Ciputra 5 ngày.

Đến ngày 31-12-2008, HĐQT Vietinbank mới có nghị quyết về việc tiếp tục nghiên cứu chọn đối tác liên doanh. Sau thời gian một năm không chọn được đối tác, Vietinbank tiếp tục thực hiện dự án theo hướng tự bỏ vốn đầu tư 100%.

Chuẩn bị thuê thiết kế

Dự án của Vietinbank tại Ciputra: Chuyển sang tự đầu tư ảnh 2
Việc liên doanh không thành, khu đầt 849 tỷ đồng bị bỏ hoang 2 năm nay

Đại diện Vietinbank cho biết, đơn vị đang thương thảo hợp đồng kinh tế với công ty tư vấn nổi tiếng thế giới để thiết kế công trình. Theo tiến độ của Vietinbank, đến tháng 8-2010, giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án mới hoàn thành.

Đơn vị sẽ lên kế hoạch cùng với Ciputra tiến hành giải phóng mặt bằng phần đất 688m2 còn lại do các hộ dân chưa đồng ý di dời và hai ngôi mộ tổ. Việc bao giờ có thể khởi công dự án này, Vietinbank chưa có câu trả lời.

Liên quan đến 849 tỷ đồng thuê đất sau hai năm chưa phát huy hiệu quả, nếu chỉ tính lãi suất ngân hàng 12%/năm, Vietinbank có thể thiệt hại gần 200 tỷ đồng.

Tiền Phong ngày 8-1-2010 có bài viết: “Vietinbank đầu tư vào bất động sản: Thiệt hại chưa dừng ở 200 tỷ đồng” phản ánh việc ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam - Vietinbank bỏ ra 849 tỷ đồng thuê khu đất gần 30.000m2 tại khu đô thị Ciputra để liên doanh với Tập đoàn PAP  (Singapore) xây dựng trụ sở, khách sạn, căn hộ v.v nhưng sau 2 năm dự án trên vẫn là bãi đất trống.

Tuy nhiên, ông Du giải thích, trong số 849 tỷ đồng, Vietinbank đã trao cho Ciputra 102 tỷ đồng, số tiền còn lại được giữ tại tài khoản phong tỏa của Vietinbank chi nhánh Hà Nội.

Và số tiền này vẫn là một kênh huy động của Vietinbank nên không nằm yên mà có sinh lời. Vì thế, không có việc thiệt hại 200 tỷ đồng. Lý do phải giữ tại tài khoản phong tỏa là do Ciputra chưa bàn giao đầy đủ đất cho Vietinbank.

Tại cuộc họp, Vietinbank cho rằng việc thuê lô đất với giá 1.800USD/m2 không cần thông qua cơ quan thẩm định giá vì đã được HĐQT chấp thuận.

Về việc số tiền 849 tỷ đồng thuê đất của Ciputra vì sao lại được phân bổ vào chi phí năm 2008, ông Nguyễn Văn Trung, kế toán trưởng Vietinbank cho biết, theo quan điểm của Vietinbank, việc hạch toán này là có căn cứ và dẫn chiếu đến từng văn bản.

Vào thời điểm 31-12-2008 Vietinbank hạch toán 100% số tiền trên vào chi phí năm 2008 là vì “cách hiểu của chúng tôi đối với Nghị định 146 và thông tư 12”!

Tuy nhiên ông Trung thừa nhận, “khi làm việc với kiểm toán độc lập, trong điều kiện văn bản chưa rõ ràng thì chúng tôi đưa khoản đầu tư này về tài sản vô hình và hạch toán phân bổ 50%”.

Tiếp đến, khi Kiểm toán Nhà nước vào và thấy rằng Vietinbank hạch toán chưa được vì đây là tài sản cố định vô hình nên yêu cầu Vietinbank phân bổ đều trong 20 năm.

“Bên cạnh đó, theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, Vietinbank có thể phân bổ cao hơn cũng được nhưng phải đảm bảo tình hình tài chính và báo cáo cơ quan thuế. Chúng tôi tiếp tục thực hiện chỉ đạo đó chứ có vấn đề gì đâu”- Ông Trung nói. 

MỚI - NÓNG