Dự án đầu tư công tại TPHCM: Vì sao không tiêu được tiền?

Siêu dự án “xóa” ngập cho gần 7 triệu người “chết lâm sàng” khi sắp về đích. Ảnh: HT
Siêu dự án “xóa” ngập cho gần 7 triệu người “chết lâm sàng” khi sắp về đích. Ảnh: HT
TP - Trong lúc người dân TPHCM đang khốn khổ vì ngập nước, kẹt xe thì hàng nghìn tỷ đồng ngân sách bố trí cho các cơ quan chức năng giải quyết các vấn nạn này được gửi trong Kho bạc Nhà nước và có nguy cơ bị thu hồi vì quá hạn giải ngân…  

Tiền “chết”, công trình cũng chết theo

Ngành Giao thông Vận tải (GTVT) quản rất nhiều công trình bức thiết ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10, ngành này mới giải ngân được 58% vốn đầu tư công được giao (4.500 tỷ đồng) và đến nay vẫn còn 1.900 tỷ đồng chưa giải ngân được. Có 19 dự án đang thi công và chuẩn bị đầu tư trong năm 2018 phải trả lại vốn, vì không giải ngân được, trong đó có 8 dự án đã khởi công từ những năm trước.

“Năm 2019 dứt khoát không để xảy ra tình trạng giải ngân chậm, nếu nơi nào làm không nổi thì xin giảm chỉ tiêu, để tiền đó làm việc khác”. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 12/12, đại diện Sở GTVT thành phố cho biết, có 3 dự án dự kiến khởi công trong năm 2018 nhưng đã bị tạm dừng, gồm: Dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (quận Tân Bình); Dự án xây dựng nút giao thông đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và Dự án xây kè chống sạt lở bờ tả rạch Giồng sông Kinh (huyện Nhà Bè).

Trong khi đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM (trung tâm chống ngập) mới giải ngân chưa đến 60% nguồn kinh phí ngân sách bố trí thực hiện trong năm 2018. Cụ thể, trung tâm được bố trí hơn 1.129 tỷ đồng thực hiện 106 dự án nhưng đến cuối tháng 10 chỉ mới giải ngân được 53%. Gần 500 tỷ đồng dành cho công tác chống ngập vẫn nằm trong kho bạc.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, đến ngày 31/10 hằng năm, dự án được phê duyệt và đến tháng 12 hoặc đầu năm kế tiếp mới được bố trí vốn. Khi được bố trí vốn, các chủ đầu tư mất 3-4 tháng làm thủ tục và các công tác chuẩn bị khác như lập, phê duyệt thiết kế, mời thầu, đấu thầu… đến khi công trình được thi công thì mới giải ngân vốn. Vì vậy, việc giải ngân vốn thường diễn ra ồ ạt vào cuối năm.

Ngay cả những dự án trọng điểm của TPHCM cũng cùng chịu chung số phận. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tính đến cuối tháng 10, cả 7 dự án sử dụng nguồn vốn vay lại của Chính phủ mới giải ngân được 102 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch (4.900 tỷ đồng) do vướng thủ tục pháp lý, cơ chế thanh toán, xác nhận về giải ngân vốn. Thực tế này ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của thành phố cho  các dự án như tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2.

Dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét tới biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đang “chết lâm sàng” hơn nửa năm qua vì vướng thủ tục giải ngân. Tại thời điểm dừng thi công (ngày 27/4), nhà thầu đã hoàn thành 72% khối lượng, tương ứng với số tiền phải thanh toán là gần 7.200 tỷ đồng nhưng đến nay TPHCM mới ký xác nhận 4.200 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án này có vai trò đặc biệt quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát tình trạng ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km - với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.

Sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu

Theo đại diện Sở GTVT, các dự án chậm giải ngân vốn chủ yếu là do giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo quy định, thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng từ khi có thông báo thu hồi đất đến khi duyệt giá là 195 ngày. Tuy nhiên, đa số dự án phải  thực hiện GPMB kéo dài trung bình 400 - 500 ngày.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực đường bộ, TPHCM hiện có 48 dự án bị vướng GPMB. Cụ thể: Trong 15 dự án được duyệt từ năm 2016 đến nay, mới chỉ có dự án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa. Các dự án còn lại đã ban hành thông báo thu hồi đất và đang trình UBND TPHCM phê duyệt giá. Trong 7 dự án được duyệt năm 2015 mới chỉ có 2 dự án đang bồi thường GPMB. 5 dự án còn lại đang dừng ở bước phê duyệt giá bồi thường.

Ngoài ra, Sở GTVT “vướng” GPMB tại 8 dự án (chủ yếu giải quyết các điểm nóng về ách tắc giao thông), như: Dự án nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ Âu Cơ đến Cộng Hòa; Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa; Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (Q.Tân Bình)...

Lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT) cho biết, một số dự án chậm triển khai vốn như: Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (quận 2) có tổng mức đầu tư 826 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2014 - 2018 nhưng hiện nay mới giải ngân được 50% vốn và giải tỏa mặt bằng mới đạt 60%. Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) có tổng mức đầu tư 783 tỷ đồng, mới giải ngân được 70% và đến nay đang vướng giải tỏa.

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, Sở GTVT không phải đơn vị giải ngân mà là cơ quan chủ quản của các chủ đầu tư và việc giải ngân chậm còn do trình độ năng lực quản lý điều hành của dự án. Sắp tới, UBND TPHCM cần rà soát quy trình, quy trách nhiệm cụ thể trong khâu giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, UBND TPHCM đã yêu cầu các sở, ngành trong năm 2019 phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, không để xảy ra tình trạng có cơ quan, đơn vị giải ngân đầu tư công thấp hơn 90% số vốn đã được duyệt. Các dự án được giao kế hoạch nếu giải ngân dưới 50% (tính đến ngày 31/7) thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. 

Thạc sỹ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Thiệt đơn, thiệt kép

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, sở ban ngành, quận huyện ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TPHCM. Thay vì triển khai kịp tiến độ để sớm đưa các dự án, công trình chống ngập vào phục vụ đời sống dân sinh, việc giải ngân chậm trễ khiến dự án, công trình không thể hoàn thành đúng kế hoạch. Người dân tiếp tục phải chung sống với nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường,… chất lượng cuộc sống người dân chậm được cải thiện.

Việc giải ngân chậm, thời gian thực hiện kéo dài còn làm tổng kinh phí đầu tư của dự án, công trình bị “đội” lên, có trường hợp tăng cao gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu do yếu tố trượt giá, dẫn đến phải làm thủ tục xin điều chỉnh dự án. Việc khởi động lại một dự án, công trình đang tạm ngưng thi công cũng phát sinh khá nhiều chi phí.

Trong điều kiện ngân sách có hạn, không đủ đáp ứng tổng nhu cầu vốn đầu tư của toàn xã hội, việc ưu tiên cho dự án, lĩnh vực này là dự án, lĩnh vực kia mất cơ hội. Miếng bánh ngân sách chỉ có ngần ấy, ưu tiên cho chống ngập, giải quyết kẹt xe thì các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, văn hóa, vốn cũng bức xúc không kém… sẽ bị ảnh hưởng vì nhiều công trình, chương trình, dự án, đề án sẽ buộc phải hoãn thực hiện sang các năm sau. Trong khi đó, việc tổ chức điều phối vốn từ các dự án, công trình chậm giải ngân sang các dự án, công trình đang đói vốn rất khó khăn và gần như không thể thực hiện.

Thay vì đánh giá một cách chung chung, cảm tính, cần phải khảo sát, tính toán để có những con số thiệt hại cụ thể do tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh… gây ra cho toàn xã hội để chọn các thứ tự ưu tiên cũng như có quyết định đầu tư một cách tương xứng nhằm góp phần giải quyết bài toán chậm giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay.    Huy Thịnh (ghi)

MỚI - NÓNG