Dự án Luật Quản lý Ngoại thương: 'Quản chồng lên quản'

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Vnexpress
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Vnexpress
TP - “Dự thảo Luật Quản lý Ngoại thương, theo tôi đã ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả. Do vậy, vô hình trung đã khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá về dự án Luật Quản lý Ngoại thương tại phiên họp ngày 7/11.

Ôm đồm, không tiến bộ

ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, có những vấn đề quản lý, mặc dù liên quan tới ngoại thương, nhưng mang tính đặc thù, đã được quy định ổn định trong các văn bản khác, nhưng lại được thiết kế vào luật này. Điều đó vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh (thêm quy định), vừa giăng thêm lưới quản lý, các bộ khác quản rồi, giờ thêm Bộ Công Thương lại quản nữa. Như vậy là “quản chồng lên quản”.

Chủ tịch VCCI ví dụ, quy định về hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, cửa khẩu xuất nhập khẩu lâu nay vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp luật Hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả. Giờ lại quy định vào luật này, vừa cồng kềnh làm phát sinh thêm giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công Thương cấp.

“Dự thảo luật này là điển hình của luật khung, luật ống. Xem kỹ lại mới thấy, có nhiều vấn đề có thể quy định chi tiết, nhưng dự thảo lại đẩy việc cho Chính phủ. Dự thảo quá ôm đồm ở nhiều nội dung không cần thiết, nhưng những nội dung cần thiết, cốt lõi thì lại được quy định rất chung chung, chẳng có sự tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành”, ông Lộc nhìn nhận, đồng thời lo ngại dễ bị lạm quyền vì trao quyền quyết định cho Bộ Công Thương mà không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào.

Cùng quan điểm, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhận thấy với tổng cộng 115 điều trong dự thảo, chỉ duy nhất một điều đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chính quyền quản lý nhà nước về ngoại thương. “Câu hỏi đặt ra là chỉ với từng đó điều thì tất cả bộ, ngành của chúng ta ở trung ương và Chính phủ, liệu quản lý về ngoại thương có hiệu quả hay không? Tôi đề nghị chúng ta cần thiết kế thêm các điều, khoản về trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương, kể cả hiệp hội ngành nghề trong quản lý nhà nước của chúng ta về ngoại thương”, ông Mạnh nói.

Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, vấn đề trách nhiệm đối với các bộ, ngành khác và chính quyền địa phương dự thảo quy định còn mờ nhạt. Ông đề nghị rà soát, xác định đúng vai trò, vị trí của chính quyền địa phương và phân công trách nhiệm của HĐND, UBND và các đơn vị hành chính khác cho phù hợp. Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị lập một hội đồng quản lý ngoại thương thuộc Chính phủ, tương tự cơ quan FDA (Mỹ), làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý những vấn đề về hoạt động ngoại thương, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trước lo ngại về việc lạm dụng quyền lực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định lại nguyên tắc “rõ ràng, rành mạch” mỗi việc phải có một cơ quan đầu mối thực hiện để chịu trách nhiệm trong việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Bộ trưởng Công Thương cũng đồng tình với việc cần tiếp tục làm rõ thêm các nguyên tắc cũng như những nội dung cụ thể để quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan đầu mối ở đây, kể cả đó là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính hay những cơ chế nào khác.

MỚI - NÓNG