Dự án Luật Quy hoạch: “Uốn nắn, gọt chân cho vừa giày”

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
TPO - Sáng 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Quy hoạch. Do đây là luật sửa nhiều luật, Uỷ ban Thường vụ đề nghị ban soạn thảo phải rà soát lại, xem còn bao nhiêu luật phải sửa. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, có ý kiến nói vẫn phải “nắn vào”, vẫn phải “gọt chân cho vừa giày”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phương án đề xuất của Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan có quy định về hoạt động quy hoạch được phân thành 2 nhóm:

Nhóm 1, đề nghị sửa đổi, bổ sung 8 luật có nội dung đơn giản, mang tính kỹ thuật và không làm thay đổi nội dung chính của các luật được đề nghị sửa đổi tại điều 69, dự thảo Luật Quy hoạch.

Nhóm 2, đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn, liên quan đến đầu tư, kinh doanh… cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách, lập đề nghị sửa đổi, bổ sung bảo đảm chất lượng.

Về thời điểm thi hành, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động quy hoạch trong các luật có liên quan là cần thiết và các quy định này phải có hiệu lực thi hành đồng thời vào ngày 01/01/2019, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định trong Luật Quy hoạch, tránh việc tạo ra các khoảng trống, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện hệ thống quy hoạch của cả nước.

Cho ý kiến đầu tiên về luật “dùng một luật sửa đổi nhiều luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự án luật còn nhiều vướng mắc, nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có ý kiến nói, vẫn phải “nắn vào”, vẫn phải “gọt chân cho vừa giày”, sửa các điều khoản. Tuy nhiên, theo ông Hiển, đến lúc này khi đọc kỹ thì vẫn thấy các điều 27,28,29 trong dự thảo vẫn còn xung đột.

Chẳng hạn, theo quy định của Luật Xây dựng thì quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh do Bộ Xây dựng chủ trì, nhưng trong dự thảo lại quy định do Thủ tướng và Bộ KH&ĐT chủ trì. “Như thế có phù hợp không? Quy định như Chính phủ cũng khó tích hợp”, ông Hiển nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát chi tiết số dự án luật phải sửa đổi là bao nhiêu? Khoản nào, điều nào? Khi nào sửa? Tác động như thế nào khi sửa ?... Với tổng cộng 43 luật liên quan phải sửa, ông Hiển lo ngại sẽ “quá tải”, đồng thời cho biết, có ý kiến đề nghị lùi lại đến năm 2020 luật này mới có hiệu lực thi hành, nhưng chúng ta đang làm một việc không biết nó đi đến đâu”, ông Hiển băn khoăn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng tỏ ra băn khoăn về chủ trương, không biết hệ thống pháp luật phát triển theo hướng nào? Do cần sửa nhiều luật, theo bà Nga, từ luật này, cần phải cân nhắc thống nhất trong Chính phủ, xem hệ thống pháp luật đi theo hướng nào? Bà cũng chỉ ra tình trạng mỗi khi làm một luật lại kéo theo nhiều luật khác phải sửa đổi cho phù hợp.

Ngoài dự án Luật Quy hoạch, bà Lê Thị Nga dẫn dụ, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo, vừa cho ý kiến cũng phải sửa nhiều luật khác. Rồi Luật Đo đạc bản đồ, Luật Bí mật nhà nước, Luật An toàn Thông tin, hay Luật Phòng, chống tham nhũng...phải sửa nhiều luật khác có liên quan.

Theo bà Nga, có tình trạng khi làm luật mà chỉ nhìn ở góc luật này mà không nhìn luật khác, phải có trả lời thỏa đáng, không thể để nhà đầu tư không yên tâm được.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên dự án luật này mới phải thông qua ba kỳ họp. Bà Ngân cũng lưu ý, luật không được thông qua tại kỳ họp này, sẽ làm mất quá nhiều thời gian, cơ hội cho đất nước, mất chi phí của xã hội...

Đề nghị Chính phủ phải rà soát hoàn thiện theo đúng tinh thần, chủ trương đề ra, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dự án này phải được trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.