Khai mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Dự án nào phải trình Quốc hội?

Dự án nào phải trình Quốc hội?
TP - Hôm qua, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi Nghị quyết 66 năm 2006 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, hiện nay quy mô, số lượng các dự án ngày càng lớn, hình thức đầu tư đa dạng hơn. Do vậy, phải thay đổi quy định về quy mô vốn đầu tư của các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư để phù hợp với thực tế, tăng cường phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

Nghị quyết 66 cũng chưa quy định cụ thể đối với công trình đầu tư tại Việt Nam hay cả đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng trong thực tế, đã có dự án của doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị đầu tư ra nước ngoài với số vốn dự kiến góp là 30% trên tổng mức đầu tư dự án hơn 20.000 tỷ đồng. Do vậy, cần xem xét bổ sung quy định cụ thể đối với loại dự án này.

Chính phủ đề xuất nâng quy mô vốn đầu tư các công trình phải đưa ra Quốc hội, đồng thời có tính đến yếu tố trượt giá hàng năm.

Theo đó, quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên (theo thời giá tháng 6- 2010) đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên mới phải trình Quốc hội (mức cũ là 20.000 tỷ đồng).

Nghị quyết sửa đổi bổ sung thêm các quy định về môi trường. Phân loại rõ, dự án lấy 200 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn trở lên, 500 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay… và 1.000 ha rừng sản xuất, phải trình Quốc hội xem xét.

Ngoài ra, nghị quyết cũng sửa theo hướng mở hơn, đó là công trình phát sinh vốn đầu tư lên 20% mới phải trình Quốc hội (hiện nay là 10%).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, việc xác định 30% vốn nhà nước tại công trình là rất khó, nhất là các dự án do công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (51%).

Ông Hiền không đồng tình theo hướng mở là phát sinh tăng vốn 20% mới phải trình Quốc hội, bởi mức phát sinh này quá lớn. Đề nghị giữ như quy định hiện hành là phát sinh 10% đã phải trình Quốc hội.

Lo lách luật

Ông Hà Văn Hiền cho rằng, lần này phải làm rõ khái niệm cụm công trình liên kết chặt chẽ. Do khái niệm này chung chung dẫn đến tình trạng thời gian qua, có dự án bao gồm nhiều công trình khác nhau, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhưng không được đưa ra Quốc hội.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đồng tình và dẫn chứng dự án đường Hồ Chí Minh. “Chúng ta cắt khúc, làm từng đoạn một, đến khi nối lại với nhau thì trình ra Quốc hội, mà lúc đó Quốc hội không cho nối cũng không được”- Ông Vượng nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết, tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ sáu, nhiều ý kiến đã hỏi, tại sao dự án khai thác bô xít Tây Nguyên lại tách làm hai dự án, làm như vậy có lách luật không?

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, làm rõ cụm công trình liên kết chặt chẽ sẽ khắc phục được tình trạng phát triển các dự án thủy điện nhỏ và vừa tại miền Trung như vừa qua.

Thực tế các địa phương làm riêng rẽ nên không phải trình Quốc hội, nhưng sau đó lại ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế - xã hội cả vùng. Sau đó, Chính phủ đã phải tổ chức kiểm tra việc đầu tư, xây dựng để có giải pháp khắc phục.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn, tại sao Bình Dương xây dựng  hẳn một thành phố mới mà không hề thông qua Quốc hội.  Dự án có quy mô 1.000 ha, phục vụ cho 125.000 người định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc với tổng vốn đầu tư rất lớn vậy thẩm quyền quyết thuộc ai, Quốc hội, Chính phủ hay HĐND tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, những dự án ảnh hưởng đến môi trường như làm nhà máy hóa chất, khai thác khoáng sản, khai thác than quy mô lớn như tại ĐBSH cũng nên quy định phải trình Quốc hội thông qua. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nếu không đưa tiêu chí chuyển đổi đất lúa vào nghị quyết thì sẽ rất khó giữ đất, đảm bảo an ninh lương thực. Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình.

Cùng ngày, UBTV cũng cho ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

MỚI - NÓNG