Dự án qui hoạch sông Hồng: Còn tranh luận nhiều

Dự án qui hoạch sông Hồng: Còn tranh luận nhiều
TP - Ngày 27/11, để có thêm cơ sở hoàn thiện báo cáo cuối cùng và bàn giao sản phẩm của Dự án “Lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội”, lại một cuộc hội thảo lấy ý kiến các hội nghề nghiệp và các cơ quan chuyên môn được tổ chức.
Dự án qui hoạch sông Hồng: Còn tranh luận nhiều ảnh 1
Khu vực sông Hồng, đoạn qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng

Tham gia hội thảo có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu, thuộc các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, thủy lợi, thủy văn, địa chất, giao thông, xã hội học, nông nghiệp...

Đòi hỏi của thực tiễn

Dự án “Lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” là dự án hợp tác thực hiện giữa chính quyền thành phố Xơun (Hàn Quốc) và UBND TP Hà Nội, qua hơn hai năm từ khi khởi động, nay đã vào giai đoạn cuối.

Để thực hiện kế hoạch xây dựng đô thị mới tại khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội, Tổ dự án Sông Hồng đến nay vẫn ước tính tổng chi phí hơn 7 tỷ USD (dù nhiều ý kiến cho rằng số chi thực sẽ lớn hơn thế nhiều), thời gian thực hiện 13 năm (chưa kể những biến động ngoài dự kiến, như dân số trong 5 năm qua ở khu vực này đã tăng 20%), phải di dời tới 36.000 hộ gia đình với 17 vạn nhân khẩu (trong khi thành phố thực hiện kế hoạch mỗi năm giãn 7 vạn hộ ra khỏi nội thành còn ì ạch)...

Nhưng những điều đó chưa quan trọng bằng việc làm thế nào để có sự đồng thuận, từ những đường hướng cơ bản đến những chi tiết nhỏ, từ những gì liên quan cả triệu con người đến cuộc mưu sinh của từng con người.

Nói như TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, yêu cầu quy hoạch này là rất cấp bách; từ năm 1976 đến nay chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, nay cần và có điều kiện để  không lặp lại như vậy nữa...

Bản báo cáo của Tổ dự án thể hiện công phu nghiên cứu, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành quả nghiên cứu của bao nhiêu thế hệ tiền bối ở VN, đồng thời tham khảo kinh nghiệm xây dựng phát triển sông Hàn đoạn qua Xơun.

Trong điều kiện Hà Nội đang phải chịu những sức ép ngày càng lớn về môi trường, giao thông, xây dựng đô thị..., việc lập quy hoạch này càng cần thiết và có ý nghĩa thiết thực, nhất là với đoạn từ ngang hồ Tây đến cầu Vĩnh Tuy.

“Còn tranh luận nhiều và điều đó là tốt”

Các nhà khoa học đặc biệt lưu ý việc chỉnh trị dòng chảy sông Hồng. Con sông bên bồi bên lở như mọi con sông, lại có mấy trăm Km chảy qua nước bạn, mùa lũ nước lên khó bề dự tính, mùa cạn lắm chỗ chân người có thể lội qua; đó là chưa kể các hồ chứa ở thượng lưu tích nước để phát điện...

Xây dựng đô thị ven sông Hồng theo hướng đô thị sinh thái, gần gũi thiên nhiên, nhưng nước sông mùa khô cạn kiệt thì đô thị mới này đâu còn “sinh thái” nữa. Sông Hồng mỗi năm cần nạo vét khoảng 80 triệu m3; Dự án chỉ tính nạo vét 21 triệu thì có ổn không? - Nguyên Chủ tịch Hội thủy lợi VN Trần Nhơn lo ngại.

Quy hoạch trị thủy đoạn sông qua Hà Nội là cần thiết và có thể làm, nhưng nếu ít quan tâm thượng lưu, hạ lưu của nó thì làm sao con sông chiều ý chúng ta được. Viện dẫn Luật đê điều, một số nhà khoa học còn cho rằng ý tưởng xây nhà cao tầng ở ngoài đê là sai lầm, không kỹ thuật, không kinh tế, không xã hội...

GS TS Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch hội quy hoạch phát triển đô thị VN băn khoăn: Hình như phương án do Tổ dự án đưa ra chưa trên cơ sở nghiên cứu kỹ quy hoạch kiến trúc.

Nói như TS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội, dự án này chưa gắn chặt với quy hoạch phát triển không gian Thủ đô đến năm 2015, 2020, càng chưa nhắm đến năm 2050... và quy hoạch phát triển các vùng phụ cận.

Ông Nghiêm cho rằng việc gia tăng dân số ở khu vực này, cũng như việc quy hoạch “đô thị nén” (xây thêm lắm nhà cao tầng để giữ dân ở lại nội thành) là rất không ổn, ngày càng gây nhiều khó khăn cho chỉnh trang phát triển Hà Nội.

Đó là chưa kể, kinh phí chung dự kiến lớn thế nhưng chia trung bình mỗi hộ chỉ được khoảng 600 triệu đồng, mua được nửa căn hộ chung cư cao tầng loại thường hiện nay...

Cùng lúc, Hà Nội đang thực hiện rất nhiều dự án, nên dù muốn dù không cũng phải quan tâm việc khớp nối các dự án đó với nhau, tránh tình trạng dự án này cản trở hoặc chồng chéo lên dự án kia.

Nhiều ý kiến đồng ý với GS TS Nguyễn Mạnh Thu (Hội KTS VN), quy hoạch này có phần đe doạ phá vỡ sự thống nhất cảnh quan Hồ Tây - Sông Hồng - Đền Cổ Loa; vì thế nên quy hoạch phát triển ba vùng liên quan các địa danh này theo các điểm nhấn chứ không nên theo các trục tuyến...

Đại diện Hàn Quốc của Tổ dự án cho biết, sắp tới sẽ còn nhiều cuộc lấy ý kiến. “Tôi tin sẽ còn nhiều ý kiến tranh luận, và như thế là tốt”. Tiếp theo ý kiến này của ông đại diện phía Hàn Quốc.

Ông trưởng đại diện phía Hà Nội cho biết thêm: Dự án đến nay mới sắp hoàn thành việc nghiên cứu, sau đây sẽ tới giai đoạn thẩm định; sẽ có thêm nhiều cuộc lấy ý kiến, nhiều hội đồng thẩm định, từ cấp thành phố đến nhà nước, nhằm tìm ra các phương án tối ưu. Đặc biệt, sẽ có cuộc triển lãm, xin ý kiến rộng rãi về dự án này, trong thời gian ít nhất 6 tháng...

MỚI - NÓNG