Dự án Quốc lộ 6, Hòa Lạc - Hòa Bình: BOT kiểu 'tay không bắt giặc'?

Công trường của tuyến mới Hoà Lạc - Hoà Bình hiện vẫn bị đình trệ. Ảnh: Sỹ Lực.
Công trường của tuyến mới Hoà Lạc - Hoà Bình hiện vẫn bị đình trệ. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Trạm thu phí Lương Sơn (Hoà Bình) thu phí vượt 70 tỷ đồng so với kế hoạch trong hợp đồng nhưng chủ đầu tư đến nay vẫn chưa góp đủ vốn để thi công tuyến mới. Các chuyên gia cho rằng, đây là điển hình của tình trạng đầu tư BOT “tay không bắt giặc”.

Đường chưa xong đã thu phí vượt 70 tỷ đồng

Như tin đã đưa, ngày 31/1, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ra “tối hậu thư” cho nhà đầu tư BOT QL 6 Hoà Lạc - Hoà Bình trong 10 ngày phải nộp đủ vốn chủ sở hữu. Kể cả trường hợp nộp đủ vốn nhưng dự án không hoàn thành vào 31/8 tới, Bộ GTVT cũng hủy hợp đồng dự án.

Đây là động thái cứng rắn nhưng muộn màng đối với dự án bết bát, gây bức xúc này. Cụ thể, dự án bao gồm 2 hạng mục: Nâng cấp QL 6 đoạn Xuân Mai đi TP Hoà Bình (đã thu phí hơn 2 năm nay tại trạm thu phí Lương Sơn, Hoà Bình) và xây dựng tuyến mới từ Hoà Lạc đi Hoà Bình, dài 31 km vỡ tiến độ hơn 1 năm nay.

Dự án Quốc lộ 6, Hòa Lạc - Hòa Bình: BOT kiểu 'tay không bắt giặc'? ảnh 1 Trạm thu phí BOT Hòa Lạc-Hòa Bình thu phí vượt 70 tỷ đồng trong khi đường vẫn chưa làm xong. Ảnh: Như Ý.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (PMU 2- thay mặt Bộ GTVT quản lý dự án này) cho hay: Hợp đồng dự án cho phép nhà đầu tư thu phí trước trên QL 6, ngay sau khi cải tạo tuyến này (chính thức thu từ tháng 10/2015) để hoà vào nguồn vốn đầu tư dự án. Tuy nhiên, thời gian thu được chốt trong hợp đồng là 102 tỷ đồng, trong khoảng 1 năm - trùng với thời gian bắt buộc hoàn thành tuyến mới nối Hoà Lạc và Hoà Bình. Đến nay, tuyến mới chủ đầu tư không hoàn thành như kế hoạch hơn 1 năm nay nhưng trạm thu phí Lương Sơn vẫn hoạt động. Đến nay số tiền thu được từ trạm này đã vượt khoảng 70 tỷ đồng so với hợp đồng dự án.

Trong khi đó, ngoài Tổng Cty 36 hiện đóng đủ 100% vốn chủ sở hữu (149,6 tỷ đồng), hai doanh nghiệp còn lại trong liên danh nhà đầu tư vẫn còn thiếu 89 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Cụ thể, Cty Trường Lộc mới nộp 72,7/93,5 tỷ đồng và Cty Hanco còn thiếu 68 tỷ đồng trong số 130,9 tỷ đồng vốn chủ sở hữu phải đóng vào dự án.

Trong khi đó, Ngân hàng SHB cam kết cho dự án này vay gần 2.000 tỷ đồng chỉ mới giải ngân 50%. Thời gian qua, SHB liên tục dừng giải ngân vì dự án vỡ tiến độ và các bên không thống nhất được cách giải quyết khiến cho dự án bị dừng liên tục. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đề nghị Bộ GTVT quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bộ nói chủ đầu tư sai, nhà đầu tư chê Bộ chậm

Trả lời câu hỏi vì sao Bộ GTVT lại quyết cho nhà đầu tư thu phí trước khi chưa hoàn thành, đại diện PMU 2 cho hay: Do dự án thực hiện ở vùng khó khăn, lưu lượng xe thấp, nếu hoàn thiện cả hai tuyến mới bắt đầu cho thu phí, thời gian thu phí vượt quá 30 năm (mức tối đa đang được áp dụng với các dự án BOT hiện nay). Vì thế, Bộ GTVT cho phép thu trước để rút thời gian thu phí xuống 24 năm. Với tình hình hiện nay, lãnh đạo PMU cho rằng, chính việc nhà đầu tư không chịu góp đủ vốn chủ sở hữu nên SHB không chấp nhận giải ngân, cho vay theo kế hoạch. Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Đối tác công tư (Bộ GTVT) khẳng định, nhà đầu tư dự án đã vi phạm hợp đồng BOT về quy định đóng vốn chủ sở hữu. “Chúng tôi đề nghị Ban QLDA2 làm văn bản kiến nghị Bộ GTVT ra thông báo vi phạm hợp đồng của nhà đầu tư” – ông Huy nói.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Bát, GĐ BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình lại cho hay: Việc SHB không giải ngân do Bộ GTVT yêu cầu giảm phí chung, miễn giảm cho các hộ dân quanh trạm khiến cho phương án tài chính của dự án bị vỡ. Sự việc diễn ra 1 năm nay nhưng Bộ GTVT chưa thống nhất cách giải quyết, ký phụ lục hợp đồng để làm cơ sở triển khai tiếp. “Nói một cách thẳng thắn, chính Bộ GTVT cũng vi phạm hợp đồng, không chỉ riêng nhà đầu tư” - ông Bát nói. Ngoài ra, ông Bát cũng cho biết, dự án bị chậm tiến độ cũng do công tác giải phóng mặt bằng chậm của chính quyền thành phố Hà Nội và thành phố Hòa Bình. Về việc góp vốn chủ sở hữu, ông Bát cho biết, ngay sau khi có ý kiến của Bộ trưởng GTVT, nhà đầu tư đã tiến hành họp bàn với 2 nhà đầu tư trong ngày 2/1 để thúc đóng đủ vốn.

Về phía Bộ GTVT, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, trong tuần tới, hồ sơ điều chỉnh phụ lục hợp đồng dự án sẽ được Bộ GTVT hoàn thành. Đại diện MPU 2 cho biết: Số tiền vượt quá 70 tỷ đồng đang được ngân hàng phong toả và đang được xem xét đề nghị Bộ GTVT cho phép hoà chung vào dự án để giảm thời gian thu phí. “Do dự án giảm mức thu phí nên thời gian thu phí kéo dài hơn 30 năm. Chúng tôi đã cắt giảm các hạng mục chưa cấp thiết để giảm khoảng 200 tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư 2.989 tỷ đồng - PV) và sẽ đề nghị cho phép sử dụng kinh phí thu thừa tại trạm Lương Sơn. Tuy nhiên, thời gian thu vẫn dài tới 28 năm. Tất nhiên, trong hợp đồng cũng sẽ có sự khống chế, nếu doanh thu tăng, thời gian thu phí thực tế sẽ giảm” - ông này nói.

Trả lời câu hỏi, vì sao dự án xảy ra nhiều vấn đề nhưng đơn vị tham mưu trực tiếp lại không báo cáo kịp thời để xử lý, lãnh đạo PMU 2 cho hay: Từ tháng 7/2017, ông Trương Quang Nghĩa khi còn là Bộ trưởng GTVT đã họp để xử lý nhưng sau đó ông Nghĩa chuyển công tác. “Từ đó đến nay chúng tôi liên tục họp để xử lý. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phụ trách dự án họp 3 lần và lần này Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể họp trực tiếp chỉ đạo” – ông này cho hay.

Về tiến độ, ông Bùi Quang Bát cho biết, nếu các khúc mắc được giải quyết, SHB tái cấp vốn, nhà đầu tư đảm bảo hoàn thành dự án vào 31/8, ngược lại sẽ không thể hoàn thành đúng mốc Bộ trưởng GTVT đặt ra.

Bộ GTVT cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, việc thu phí trước, thậm chí thừa so với kế hoạch nhưng nhà đầu tư không chịu góp đủ vốn là kiểu đầu tư “tay không bắt giặc”.

Ông Thanh cho rằng, dự án kéo dài khiến cho hiệu quả kinh tế xã hội chậm phát huy. Ngoài ra, lãi suất trên 1.000 tỷ đồng vay ngân hàng đổ vào dự án được cộng vào tổng mức đầu tư là rất lớn. “Bộ GTVT cần nhanh chóng giải quyết, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể khiến cho dự án bị chậm trễ, nhất là trong bối cảnh các dự án BOT đang gây rất nhiều bức xúc như hiện nay” – ông Thanh đề nghị.

            Bảo An

MỚI - NÓNG