Dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn: Hàng nghìn hộ dân khổ

Dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn: Hàng nghìn hộ dân khổ
TP - Triển khai từ nhiều năm trước, hàng chục tỷ đồng đã bỏ ra, đến nay, hiệu quả của dự án rất thấp bởi một số đơn vị không đủ sức làm nhưng vẫn muốn “ôm”…
Dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn: Hàng nghìn hộ dân khổ ảnh 1
Nhiều vườn mai ở Thủ Đức bị ngập trắng mỗi khi triều cường dâng cao làm vỡ đê   Ảnh: Hồng Hạnh

Công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn nhằm tưới tiêu và ngăn lũ cho 12.000 ha đất nông nghiệp, phân lũ cho lưu vực hạ du Sài Gòn -Đồng Nai, đồng thời chống ngập úng bởi triều cường cho hàng nghìn hộ dân.

Các “điểm nóng” thường xuyên bị triều cường, vỡ đê là hàng loạt tuyến đê bao đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Dọc tuyến rạch Đĩa, phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), nhiều đoạn đê đã bị chuột đào hang, lỗ mối, tạo thành những hàm ếch.

Trao đổi với Tiền phong tối 25/10, anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà ở khu phố 5, cho biết do triều cường thường xuyên tràn bờ, gây ngập úng nên năm nay nhiều hộ đã bỏ đất trống, chuyển sang làm nghề khác. Bờ bao sau mỗi con nước lại xuống cấp trầm trọng hơn, nhưng lại không được tu bổ kịp thời khiến hầu như năm nào cũng xảy ra tràn, vỡ. Đê bao dọc rạch Cầu Đúc Nhỏ, rạch Làng, rạch Bà Hòn... cũng trong tình trạng tương tự.

Cuối năm 2005, sự cố vỡ đê làm một người chết, hàng trăm nhà dân, vườn kiểng, hoa màu bị ngâm nước trong suốt nhiều ngày. Không riêng quận Thủ Đức, hàng nghìn hộ dân thuộc các quận, huyện như: Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 12, Củ Chi, Nhà Bè... cũng lâm vào tình trạng ngập úng tương tự vì hệ thống bờ bao dân sinh không còn đủ sức chống đỡ mỗi khi triều cường dâng cao.

Trong khi đó, dự án công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn (TLSSG) cứ liên tục trễ hẹn. Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TPHCM, công trình TLSSG bao gồm xây mới 4 tuyến đê (dài hơn 32km), hơn 3,2km bờ bao nhỏ ven sông Sài Gòn; 186 cống dưới đê bao có khẩu độ từ 1,5-10m, 194 cống khẩu độ 0,3 -1m trên kênh và 3 cầu giao thông.

Tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án là hơn 315,4 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương (đại diện là Bộ NN & PTNT) chiếm 117,454 tỷ đồng. Phần còn lại được được trích từ nguồn ngân sách của địa phương.

Làm việc với đoàn giám sát HĐND TPHCM chiều 25/10, ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Sở NN & PTNT TPHCM cho biết: Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm công trình TLSSG chậm tiến độ là Bộ NN & PTNT đang gặp khó khăn trong nguồn vốn bố trí hàng năm cho dự án.

Bộ đảm nhận 10/13 gói thầu nhưng không đủ tiền để làm. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ dự án, TPHCM mới đây buộc phải thống nhất tạm ứng 40 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2006 để Bộ có vốn thực hiện. “Sở cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ nếu không đủ khả năng bố trí vốn thì giao lại cho địa phương.

Do phạm vi dự án nằm trong mối tương quan về thủy lợi, thủy văn của toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn; liên quan mật thiết với hồ Dầu Tiếng (và sắp tới là hồ Phước Hòa) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ nên TPHCM sẵn sàng tạm ứng vốn giúp Bộ giải quyết khó khăn” - Ông Thảo cho biết.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.