Dự án trường đua ngựa tại Hà Nội: Vẫn chờ hành lang pháp lý

Một cuộc đua ngựa dân tộc Mông tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Lê San
Một cuộc đua ngựa dân tộc Mông tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Lê San
TP - Dự án trường đua ngựa và tổ hợp dịch vụ trị giá khoảng 500 triệu USD dự kiến được xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa được Tổng Cty Du lịch Hà Nội tái khởi động sau gần 10 năm đề xuất. Tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Từng bị “bỏ rơi”

Ngày 9/8, lễ ký kết hợp đồng liên doanh giữa Tổng Cty Du lịch Hà Nội với Cty Global Consultant Network Co.Ltd Hàn Quốc được tổ chức để đầu tư xây dựng dự án “Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf” tiêu chuẩn 5 sao tại Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD. Tuy nhiên, một cán bộ của Tổng Cty Du lịch Hà Nội cho hay, đây chỉ là tái khởi động dự án hợp tác đã ký kết cách đây gần 10 năm.

“Ngay sau khi ký kết hợp tác tái khởi động, nhà đầu tư đã gửi văn bản xin ý kiến UBND thành phố và hướng dẫn kế hoạch triển khai dự án này, với mục tiêu nhằm tạo ra điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của Thủ đô”, vị này nói.

Ngoài các hoạt động vui chơi giải trí như sân golf, dự án này còn liên quan đến hoạt động kinh doanh có điều kiện, cá cược. Tuy nhiên loại hình này hiện chưa có cơ sở pháp lý nên trong suốt 10 năm nay dự án vẫn đang bị tắc. “Nhà đầu tư dự án cho biết đã sẵn sàng về nguồn vốn để triển khai vì họ đã theo đuổi gần 10 năm nay. Cái chính bây giờ là chờ thủ tục pháp lý cho phép. Giới đầu tư cũng kỳ vọng đây là loại hình kinh doanh mới mẻ, hấp dẫn tại Việt Nam và sẽ mang lại doanh thu lớn”, vị cán bộ du lịch nói.

Từ năm 1999, dự án được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp giấy phép. Đây sẽ là trường đua thứ hai ở Việt Nam, sau trường đua Phú Thọ ở miền Nam. Tuy nhiên, đến năm 2005, phía đối tác nước ngoài trong liên doanh này bỏ cuộc do chưa được cấp phép cá cược đua ngựa. Sau khi bị đối tác “bỏ rơi” cùng với nguy cơ bị thu hồi giấy phép đầu tư, Hà Nội có văn bản đề nghị giữ lại giấy phép trên cơ sở di chuyển địa điểm về Sóc Sơn, cũng như tìm được đối tác mới là Cty Global Consultant Network Co.Ltd.

Đến năm 2007, Cty có văn bản đề xuất xin UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu triển khai dự án. Do các quy định pháp lý về hoạt động cá cược đang trong quá trình xây dựng nên trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, ngày 18/7/2008, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Dự án liên doanh xây dựng và vận hành đua ngựa của Hà Nội sẽ được Chính phủ xem xét sau khi ban hành các quy định pháp lý cần thiết để điều chỉnh các hoạt động cá cược, xổ số thể thao”.

Vẫn phải chờ  

Mới đây, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về điều kiện kinh doanh, đầu tư với 16 ngành nghề theo phụ lục 4 của Luật Doanh nghiệp. Hiện nhiều nhà đầu tư ở các tỉnh cũng muốn tham gia thí điểm loại hình này, trong khi đó các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội cho biết, nếu trường đua ngựa, đua chó hay trường đua xe công thức F1 chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí đơn thuần sẽ không vấn đề gì. Tuy nhiên, từ thực tế các nước cho thấy, các trường đua thường gắn liền với những hình thức cá cược, mà thực chất là đánh bạc. Trong khi đó chúng ta chưa có quy định, chưa có hành lang pháp lý.

Theo ông Thảo, hiện ở trong nước cũng chỉ có một số hình thức kiểu trò chơi có thưởng. Tại một số khách sạn lớn cũng chỉ được thí điểm loại hình này, nhưng chủ yếu là để cho người nước ngoài chơi. Quy định này mới có và đến nay vẫn chưa tổng kết được ưu, khuyết điểm ra sao.

Ông Thảo cho rằng, trên cơ sở các nước đã thực hiện, cần nghiên cứu, nếu phù hợp và gắn liền với dịch vụ du lịch thì có thể làm thí điểm. “Đối với cá độ bóng đá, nếu có quy định chặt chẽ, cho phép chơi công khai thì Nhà nước sẽ kiểm soát được, lại thu được tiền. Còn nếu cấm, không quản lý được thì họ sẽ hoạt động chui, khó phát hiện”, ông Thảo nói. 

Ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: “Nghị định về casino phải trình xin ý kiến của Bộ Chính trị vì quá nhạy cảm. Nghị định về quy định điều kiện kinh doanh cá cược cũng đang phải chờ, phải báo cáo. Nghị định của Chính phủ nhưng phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến do tính chất nhạy cảm”.

MỚI - NÓNG