Dự báo bão sai: Người nói có, kẻ bảo không

Dự báo bão sai: Người nói có, kẻ bảo không
TP - Trong khi đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi đổ lỗi cho dự báo bão sai làm ảnh hưởng phần nào tới thiệt hại ở tỉnh này, đại diện Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng Trung tâm không dự báo sai cơn bão số 9.

>> Dự báo bão Chanchu : "Khâu thu thập, xử lý số liệu có vấn đề !"

UBND tỉnh Quảng Ngãi: Dự báo chậm khiến dân chủ quan

Ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng công tác dự báo có ảnh hưởng một phần tới thiệt hại của tỉnh Quảng Ngãi và một địa phương nữa là Kon Tum.

Theo ông Nguyễn Xuân Huế , tỉnh Quảng Ngãi có 27 người chết, ba người mất tích, bị thương 112 người. Có 860 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và 23.850 ngôi nhà bị tốc mái. Ước tính thiệt hại riêng cho tỉnh khoảng 4.500 tỷ đồng. “Đây là một con số rất lớn mà từ xưa đến nay tỉnh Quảng Ngãi mới bị thiệt hại nặng nề như vậy” - ông Huế nói.

Ngay tại phần báo cáo kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Huế cho rằng thông tin về các thời điểm dự báo diễn biến bão số 9 của cơ quan Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và các phương tiện nghe nhìn của Trung ương chưa sát với với diễn biến thực tế của bão số 9 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói: “Bây giờ chúng tôi không muốn đổ lỗi cho ai, nhưng thiệt hại nặng nề ở Quảng Ngãi có một phần lỗi của công tác dự báo. Rất may là từ ngày 28/9, chúng tôi đã chủ động nghe đài địa phương, cho sơ tán dân, kêu gọi tàu thuyền. Nếu không con số thiệt hại sẽ thảm khốc hơn rất nhiều”.

Ông Trương Ngọc Nhi cũng cho rằng, hai con tàu ở Lý Sơn vào bờ an toàn vào lúc 3 giờ rạng sáng 1/10, 30 ngư dân an toàn. “Đó cũng là lỗi của dự báo. Nếu họ thông báo sớm hơn bão đánh thẳng vào Quảng Ngãi - Quảng Nam chứ không đến nỗi trưa 29/9 vẫn còn phát trên đài rằng bão vào Huế - Quảng Trị, rằng Quảng Ngãi chỉ bị ảnh hưởng thì đâu có sự việc như vậy".

Ngoài ra, cũng theo ông Trương Ngọc Nhi, công tác dự báo chậm như vậy khiến người dân chủ quan, chậm phòng chống, di dời…

Về công tác dự báo, kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, dù đã được đầu tư cơ sở vật chất, nhưng nói chung dự báo nhiều lúc vẫn chưa bám sát với thực tiễn. “Cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Chưa thống nhất được quan điểm

Dự báo bão sai: Người nói có, kẻ bảo không ảnh 1
Ông Trần Văn Sáp

Trả lời báo chí về công tác dự báo bão số 9 gây thiệt hại nặng nề về người và của ở các tỉnh miền Trung, ông Trần Văn Sáp, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng Trung tâm không dự báo sai cơn bão số 9.

Có ý kiến cho rằng Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã dự báo sai cơn bão và điều này đã đưa ra những hệ lụy ghê gớm. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Làm nghề dự báo chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố dự báo chính xác 100 phần trăm các hiện tượng thời tiết, đặc biệt hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Nhưng với cơn bão này có thể nói chúng tôi rất cố gắng và anh em đã cảnh báo sớm trước ba ngày. Bão càng vào gần thì cảnh báo được càng chi tiết. Với bản tin ngày 29/9 chúng tôi đã có cảnh báo cụ thể đến từng tỉnh.

Chúng tôi có lúc cũng nhận là có thiếu sót nhưng lần này chúng tôi vẫn tự hào là các bản tin đưa ra rất đầy đủ, kịp thời và có thể khẳng định là không thiếu thông tin và không phải là không chấp nhận được như có ý kiến như trên.

Tôi cũng đã chỉ đạo anh em viết một công văn đích thân gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi để trao đổi lại. Ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thì chúng tôi cần phải được giải trình rõ, cái gì đúng thì phải nói là đúng, cái gì sai thì chúng tôi sẵn sàng nhận ý kiến phê bình chứ không phải là cố gắng bao biện.

Cơn bão này cũng cho thấy khu vực của chúng ta đang có những biểu hiện rất bất thường về thời tiết, khí hậu.

Dự báo bão sai: Người nói có, kẻ bảo không ảnh 2 Chúng tôi cảm thấy có cái gì đó như là bất công khi mình chọn cái nghề cứ sau một trận bão, lũ là lại bị chỉ trích và cũng đành phải chấp nhận.Dự báo bão sai: Người nói có, kẻ bảo không ảnh 3 - Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Nhưng thực tế cho thấy bão đã chệch hướng tới 50 km so với dự báo của Trung tâm?

Tôi xin khẳng định việc bão chệch hướng 50 km là nằm trong sai số cho phép. Theo tổng kết chung của Cơ quan Dự báo Khí tượng Nhật Bản, sai số cho phép trong dự báo bão trong 24 giờ là 150 km. Vị trí phân tích trên bản đồ cũng được phép sai số trong phạm vi 30 km.

Bão không phải là một đoàn tầu đi rầm rập và đến trên một đoạn đường ray. Bão là cả vùng thời tiết xấu và gió mạnh. Như cơn bão số 9 vùng bán kính thời tiết xấu lên tới 300 km với gió mạnh trên cấp 10.

Với cả đĩa mây khổng lồ di chuyển như vậy thì việc xác định tâm bão sai số trong phạm vi, 30, 50 hay 70 km so với cả tỉ lệ bán kính 300 - 500 km không phải là lớn.

Vì vậy các bản tin luôn ghi rõ kinh độ, vĩ độ đồng thời khẳng định nó cách chỗ nào bao nhiêu km. Đôi khi chúng ta chú ý quá nhiều đến kinh độ, vĩ độ ấy mà không để ý đến cả vùng thời tiết đang di chuyển vào.

Tôi cho rằng đây là điều chưa thống nhất được với nhau về mặt quan điểm nên cách nhận thức của người dân có thể có sự chủ quan dẫn đến tình trạng bão vào rồi  nhưng trong này vẫn chưa sơ tán, chưa chằng chống.

Vậy Trung tâm có phải chịu trách nhiệm về sự không hiểu nhau này không, thưa ông?

Theo tôi trong bối cảnh có người dân bị thiệt mạng, có nhà cửa bị ngập, bị chìm trong lũ mênh mông, ảnh hưởng đến đời sống thì chúng ta ai cũng là người có lỗi. Không ai bảo là “chúng tôi” vô can trong việc đó. Đây là điều hết sức đau đớn.

Và chúng ta phải ngày càng cố gắng hơn, chủ động hơn để giảm bớt thiệt hại cho người dân, đặc biệt là nhân dân miền Trung nơi phải chịu ảnh hưởng của bão lũ.

Ông đánh giá  thế nào về cơn bão này?

Phải khẳng định là cơn bão này có mức độ ảnh hưởng nằm ngoài khả năng chịu đựng của nhân dân.

Nếu nhìn trên tivi, ảnh chụp thấy có những ngôi nhà rất mỏng manh không đủ sức chống chọi với cơn bão mạnh cấp 12, 13. Cơn bão này khi vào Việt Nam cường độ không yếu hơn khi vào Philipines vì vậy gây nên thảm họa rất lớn. Ở góc độ nào đó có những điều bất khả kháng.

Đây cũng là việc cần phải làm rõ. Có những cái nằm ngoài sức chịu đựng của cơ sở vật chất, khả năng chống đỡ của người dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG