Dự báo bão số 1: Radar thời tiết phập phù?

Trạm bơm Yên Sở sẵn sàng chống ngập do bão Conson, nhưng tình huống xấu không xảy ra như dự báo
Trạm bơm Yên Sở sẵn sàng chống ngập do bão Conson, nhưng tình huống xấu không xảy ra như dự báo
TP - Bão Côn Sơn (bão số 1) để lại nhiều câu hỏi về công tác dự báo. “Không biết có phải chỉ là trục trặc thiết bị, hay do thiếu đồng bộ trang bị các phần mềm đưa các dữ liệu từ radar thời tiết vào mô hình dự báo?”, một nhà khoa học đặt câu hỏi.
Trạm bơm Yên Sở sẵn sàng chống ngập do bão Conson, nhưng tình huống xấu không xảy ra như dự báo
Trạm bơm Yên Sở sẵn sàng chống ngập do bão Conson, nhưng tình huống xấu không xảy ra như dự báo.

Trong cuộc họp ngày 17-7 tại Hà Nội của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương về cơn bão số 1 (bão Conson), Hà Nội được dự báo là một trong hai vùng mưa lớn của cả nước, với lượng mưa dự kiến từ 100 - 300mm.

Do mưa tập trung ngắn từ đêm 17-7 đến hết sáng 18-7, nên nhiều chuyên gia nhận định khả năng ngập úng ở Hà Nội là rất lớn. Bởi vậy, cần lên phương án chống úng ngập. Trước dự báo đó, ngày 17-7, cả Hà Nội gấp rút triển khai các giải pháp phòng chống mưa ngập sau bão. Sáng 17-7, tại các chợ, siêu thị, rất nhiều dân thủ đô đã đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ, đề phòng ngập úng.

Để tránh lặp lại tình trạng úng ngập như trận mưa lịch sử cuối năm 2008, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Thoát nước Hà Nội huy động toàn bộ quân số ứng trực từ ngày 16-7, nhằm hạn chế thấp nhất úng ngập khu vực nội thành; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, thiết bị sẵn sàng hoạt động tại các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV) vào lúc 13 giờ 00 ngày 18-7, lượng mưa ở Hà Nội chủ yếu từ 40 đến 70 mm, trong đó Sơn Tây cao nhất là 71,9 mm.

Liên quan đến công tác dự báo nói trên của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và nhằm kịp thời rút kinh nghiệm cho việc dự báo các cơn bão tiếp theo, Tiền Phong xin trích ý kiến của một số chuyên gia.

Dự báo quỹ đạo bão tương đối sát

Thưa, công tác dự báo cơn bão số 1 của mùa bão năm nay có mặt được gì?

GS.TS. Đinh Văn Ưu (*), Chủ nhiệm Bộ môn Hải dương, Khoa Khí tượng Thủy văn & Hải dương học, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội: Kết quả dự báo cơn bão số 1 nhìn chung theo kịp diễn biến của đường đi và cường độ của bão.

PGS.TS Phan Văn Tân, Chủ nhiệm Bộ môn Khí tượng, Khoa Khí tượng Thủy văn & Hải dương học, ĐH Khoa học Tự nhiên: Hầu hết các trung tâm dự báo trên thế giới đều cho dự báo không chính xác quĩ đạo bão số 1. Cụ thể, quĩ đạo dự báo thường lệch bắc nhiều so với thực tế ở hạn dự báo trên 24 giờ. Chính vì thế, những bản tin dự báo với hạn dự báo trên 24 giờ (48 giờ, 72 giờ) của Việt Nam cũng không tránh khỏi sai số đó.

Nhưng về cơ bản, việc dự báo quĩ đạo bão cơn bão số 1 của Việt Nam tương đối chính xác (sai số nhỏ) với hạn dự báo 24 giờ. Chẳng hạn, vị trí đổ bộ của bão trước 24 giờ được dự báo tương đối hợp lý.

Dự báo mưa, cần rút kinh nghiệm

Ông có chia sẻ với ý kiến phàn nàn dự báo mưa sai số quá xa so với thực tế không?

PGS.TS Phan Văn Tân: Đúng là mặt chưa được nhất trong công tác dự báo bão số 1 chính là dự báo mưa do bão. Kể từ trận lụt lịch sử hồi cuối tháng 10-2008, dân Hà Nội ai cũng sợ ngập lụt.

GS.TS. Đinh Văn Ưu: Lượng mưa dự báo đưa ra quá lớn cho Hà Nội, vượt trên 200% so với thực tế, gây lo lắng và chuẩn bị phòng tránh quá mức cần thiết, dẫn đến lãng phí nguồn lực và gây tâm lý nhờn về cảnh báo.

Nguyên nhân chính là gì?

GS.TS. Đinh Văn Ưu: Có cảm giác dự báo chỉ dựa vào kịch bản chung của mưa trong hoàn lưu bão, chưa tham khảo đầy đủ các thông tin từ radar thời tiết cũng như các thông tin cập nhật khác

PGS.TS Phan Văn Tân: So với trước, các dự báo viên hiện nay đã có nhiều nguồn thông tin tham khảo nên việc dự báo đã được hỗ trợ nhiều. Dù vậy, dự báo bão là một trong những lớp bài toán khó nhất, bởi các mô hình thường cho kết quả dự báo sai, một phần là do thiếu thông tin quan trắc trên những vùng đại dương, nơi bão hình thành, phát triển và di chuyển.

Có cách khắc phục trước mắt nào để kịp thời nâng cao chất lượng dự báo không, thưa ông?

GS.TS. Đinh Văn Ưu: Tôi cho rằng, kinh nghiệm và tư duy phán đoán của dự báo viên đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên phải khai thác tối đa các thông tin từ phân tích số liệu quan trắc, trong đó có số liệu radar thời tiết, vì làm dự báo phải dựa vào các thông tin cập nhật từ số liệu quan trắc và mô hình.

Sau trận lụt lịch sử tại Hà Nội cuối tháng 10 đầu tháng 11-2008, lãnh đạo Trung tâm KTTV Quốc gia có nói đến hoạt động phập phù của các radar do Pháp và Liên Xô (cũ) trang bị ở miền Bắc. Không rõ hoạt đông đó có bớt phập phù không? Đây có phải chỉ là trục trặc thiết bị hay do thiếu đồng bộ trang bị các phần mềm đưa các dữ liệu từ radar vào mô hình dự báo nhằm nâng cao độ chính xác?

PGS.TS Phan Văn Tân: Để nâng cao chất lượng dự báo, cần khai thác tối đa các nguồn số liệu phi truyền thống như radar, vệ tinh,và đưa các số liệu đó vào các mô hình thông qua quá trình đồng hóa số liệu.

Cám ơn các ông.

Kiều Oanh - Quốc Dũng
Thực hiện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Phải xem xét lại toàn bộ hệ thống dự báo

Tại cuộc họp khẩn cấp Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư ứng phó với cơn bão số 2 chiều qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chất vấn ngành khí tượng về dự báo thiếu chính xác lượng mưa cơn bão số 1.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hỏi: “Tại sao dự báo lượng mưa của bão số 1 lại thiếu chính xác như vậy? Nhiều gia đình ở Hà Nội đến nay vẫn còn rau trong tủ lạnh đề phòng mưa lớn gây úng ngập!”.

Ông Lê Thanh Hải - Phó GĐ TT dự báo KTTV T.Ư trả lời: “Mỗi cơn bão có một hình thái, cấu trúc riêng. Bão số 1 có tâm không đối xứng, gió ở khu vực phía nam yếu hơn phía bắc. Hơn nữa, khi bão vào vùng đồng bằng và trung du sẽ ít mưa hơn khu vực miền núi. Thực tế dự báo mưa rất khó, nhất là dự báo trong thời gian dài. Ngay cả ở Nhật, họ chỉ dự báo trong vòng khoảng 3 giờ sau, độ chính xác mới cao được”.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Trả lời chưa thuyết phục lắm! Nếu trình độ cách thức dự báo của ta cách quốc tế một gang, thì các anh tính xem, chúng ta cần bao nhiêu tiền, máy móc, mô hình dự báo mới, nhân lực... chuẩn bị ra sao để rút ngắn với họ, và tính xem trong thời gian bao lâu. Những vấn đề này cũng chưa thấy các anh đề cập gì với Chính phủ”.

Theo Phó Thủ tướng, trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, công tác dự báo lại càng khó khăn hơn. Phó Thủ tướng yêu cầu: “Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn phải xem xét lại toàn bộ hệ thống, nếu có khó khăn, hoặc cần hỗ trợ gì phải báo cáo, đề xuất với Chính phủ. Phải cải tiến cách dự báo, nếu không sẽ rất gay”.

*GS.TS. Đinh Văn Ưu còn là Giám đốc Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, là giảng viên cao cấp và được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.