Đủ “chiêu” luyện thi hoa hậu… bò sữa

Vợ chồng anh Thắm đang tích cực tập luyện cho hai thí sinh chuẩn bị cho hội thi Hoa hậu bò sữa.
Vợ chồng anh Thắm đang tích cực tập luyện cho hai thí sinh chuẩn bị cho hội thi Hoa hậu bò sữa.
TP - Tắm sạch, chải chuốt, cắt tỉa; tập đi đứng, tạo dáng trước đông người… là những việc tất bật của các “lò” luyện thi “hoa hậu” ở Mộc Châu (Sơn La), chuẩn bị cho hội Hoa hậu bò sữa diễn ra ngày 14 và 15/10.  

Chăm thí sinh hơn chăm con mọn

Chúng tôi đến tham quan tiểu khu Vườn Đào (thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La), dưới cái nắng dịu nhẹ, xen lẫn cái se lạnh chiều tháng 10 Tây Bắc. Những ngày này, rất nhiều “thí sinh” hoa hậu đang luyện tập, “thả dáng” trên những con đường bên bãi ngô xanh ngút ngàn.

Vừa gọi tên, vỗ về 2 “nàng bò” được lựa chọn trong trang trại 50 con của gia đình mình, vợ chồng anh Đặng Văn Thắm vừa hướng dẫn bò cách đi lại, tập làm quen với môi trường đông người. Anh Thắm cho biết: “Những năm trước, gia đình chỉ có 1 “cô” tham dự hội thi, mình tôi luyện là đủ, năm nay có hai nàng vượt qua hàng nghìn thí sinh vòng sơ khảo để vào chung kết, nên vợ tôi phải đỡ một tay luyện tập”.

Theo anh Thắm, người ta vẫn nói “lơ ngơ như bò đội nón”, “Cả đời chỉ ăn, lớn, chửa đẻ rồi đứng yên cho người ta vắt sữa, hết thời bằng tay, chuyển sang vắt bằng máy. Bò sữa thường nhát nên gặp đám đông là chạy. Đi thi mà chạy là hỏng bét, nên phải tập cho các “cô” đủ tự tin trước đông người và ống kính quay phim”, anh Thắm chia sẻ.

Dắt nàng bò thứ 2 bên cạnh, chị Nguyễn Thị Sáu - vợ anh Thắm góp lời: “Con gái thứ 2 của vợ chồng tôi mới được 10 tháng tuổi. Người ta thường nói “chăm như chăm con mọn”, từ khi luyện bò để dự thi hoa hậu, ngày nào tôi cũng dành vài tiếng cùng chồng dắt bò đi dạo, rồi tắm táp, cho ăn nhiều hơn ngày thường. Bây giờ tôi mới thấy chăm bò thi hoa hậu còn hơn cả chăm con mọn”.

Là “lò” luyện thi có tiếng nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Hải (tiểu khu Vườn Đào) chia sẻ: Để thí sinh dự thi “ăn” giải, sáng phải được tắm sạch, dùng bàn chải đánh sạch lông, cắt tỉa, chuốt sao cho nhìn đã thấy trơn lông đỏ da, vú to mông nở. Đặc biệt, phải kỹ bộ lông đuôi, để xòe quạt, không bị xù. Lượng thức ăn cho các “thí sinh” cũng phải tăng nhiều hơn để đảm bảo chất lượng của thí sinh dự thi.

Trung bình mỗi ngày anh Hải cho bò ăn khoảng 40kg thức ăn hỗn hợp TMR, khô dầu đậu tương và cỏ xanh. Chiều mát dắt bò đi tập, làm quen với môi trường đông người rồi đưa về, tắm lần 2 và vắt sữa. Những thí sinh này còn được đặc cách ở chuồng riêng sạch sẽ, rộng rãi hơn để thuận lợi cho việc chăm sóc.

Theo kinh nghiệm của giới luyện thi, cô bò muốn vào sâu của giải phải có sản lượng sữa cao (tối thiểu từ 40 lít/ngày/con), chất lượng sữa tốt, ngoại hình đẹp; cổ bò thanh, dáng hình êm (nhỏ phía trước, to phía sau), bầu vú to, chân không đi vòng kiềng. Mỗi thí sinh phải có lí lịch đầy đủ  rõ ràng về dòng giống từ đời ông bà bò bố, bò mẹ, đến lý lịch bản thân bao gồm  ngày tháng năm sinh, lứa đẻ, năng suất…

Ngoài vợ chồng chị Sáu, anh Hải trong khu gần 30 gia đình khác cũng tích cực luyện cho các thí sinh. Tiếng cười đùa, lời trao đổi, chia sẻ, hỏi thăm về các “chiêu” luyện thi, cách chăm sóc, về lượng sữa… râm ran khắp đường làng.

Ngày hội tri ân

Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, cho biết, để chuẩn bị cho vòng chung kết vào ngày 14- 15/10 sắp tới, từ tháng 6, Ban tổ chức đã thông báo tuyển hoa hậu để các hộ lựa chọn bò, bê dự thi. Từ tháng 6 đến tháng 9, mỗi tháng, ban tổ chức đi đánh giá chấm điểm một lần. Hiện, Ban giám khảo đã chọn ra 126 con bò đẹp nhất để trình diễn vòng chung kết.

Theo ông Nam trao đổi, cuộc thi năm nay có tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, dành cho 5 hạng mục: bò vắt sữa, bò cạn sữa, bò hậu bị, bê cai sữa và bê ăn sữa. Bò “đăng quang” sẽ nhận giải thưởng trị giá 60 triệu đồng. Tất cả các “cô bò” vào chung kết đều được nhận giải thưởng tiền mặt là 3 triệu đồng/con.

Sau cuộc thi, những con bò tốt, đạt danh hiệu sẽ được người dân đặt mua giống, lựa chọn vào đàn bò giống cao sản của công ty. Nhiều gia đình có đến 3 – 4 thế hệ bò tham gia thi. Bò con, bò cháu được sinh ra từ thí sinh bò năm trước sẽ tham gia thi vào các năm sau.

Ông Trương Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, chia sẻ: ““Hoa hậu bò sữa” được tổ chức hàng năm là nét văn hóa riêng của người dân Mộc Châu. Nhờ việc phát triển đàn bò sữa, đời sống của người dân được cải thiện, xóa đói giảm nghèo và từng bước làm giàu”.

Ngoài những gia đình trực tiếp nuôi bò, số lao động còn lại chủ yếu trồng ngô, cỏ, cung cấp nguồn thức ăn cho bò. Ngoài ra, các trang trại bò còn tạo công ăn việc làm cho số đông người lao động, trong đó có cả những lao động là người dân tộc Mông ở các xã khó khăn với mức lương ổn định từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng. 

Thí sinh bò sữa phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sản lượng sữa  cao (tối thiểu 40 lít/ngày/con), chất lượng sữa tốt, ngoại hình đẹp theo đặc trưng của giống bò HF. Bò phải có lí lịch đầy đủ về dòng giống từ đời ông bà, bố mẹ đến lí lịch của bản thân như ngày tháng năm sinh, lứa đẻ, năng suất…

MỚI - NÓNG