Du lịch đường bộ Việt Nam: Đi như bị hành

Du lịch đường bộ Việt Nam: Đi như bị hành
TP - Vì sao chỉ một phần trăm lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường bộ, hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch đường bộ Việt Nam” tổ chức hôm qua tại TP Đà Nẵng tìm câu trả lời.

Bảy tháng đầu năm 2009, khách quốc tế đến bằng đường bộ chỉ bằng 66 phần trăm so với cùng kỳ năm 2008 (tương đương 350.358 lượt). Trong khi, với các nước thuộc ASEAN, du lịch đường bộ lại là thế mạnh đặc biệt.

Theo Giám đốc văn phòng du lịch TAT (Thái Lan tại TPHCM), ông Pichai Raktashinha, chênh lệch về tổng lượng khách quốc tế giữa Thái Lan và Việt Nam năm 2008 là 14,5 triệu lượt so với khoảng 4,25 triệu lượt.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch), cho rằng, vẫn còn nhiều thủ tục như việc xin phép cho các đoàn khách caravan vào Việt Nam, quy trình xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ còn mất nhiều thời gian, nhất là khi khách đến cửa khẩu ngoài giờ làm việc. Các sản phẩm phục vụ khách du lịch đường bộ còn đơn điệu, hạn chế, hạ tầng giao thông nhiều nơi chưa đạt yêu cầu ...

Caravan là loại hình du lịch được xem là thế mạnh để thu hút khách du lịch từ Thái Lan, Malaysia, Singapore và các nước khác đến miền Trung - Tây Nguyên. Ông Vũ Thế Bình  - Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch phấn khởi, thu hút mỗi năm 60 - 90 ngàn lượt khách qua các cửa khẩu miền Trung.

Tai nạn giao thông đường bộ cũng là một nguyên nhân giảm khách. 

Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết, trung bình mỗi ngày, ở Việt Nam có 35 người chết và 70 người bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ.

Trong đó, có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với khách nước ngoài, như vụ tai nạn xảy ra với du khách Nga tại đèo Đại Ninh (Bình Thuận) ngày 13/3/2009.

Tuy nhiên, theo ông Bình, bất cập cũng lộ ra, do đường sá chưa hoàn chỉnh, việc tiếp cận các điểm, khu du lịch còn khó khăn, đặc biệt là các điểm du lịch ở vùng cao.

Toàn bộ các tuyến quốc lộ dẫn đến các cửa khẩu quốc tế hiện chưa có đường cao tốc. Đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao (đường cấp I, II) chiếm tỷ lệ thấp. Dịch vụ trên tuyến còn thiếu trạm dừng, nghỉ, cung cấp xăng dầu, bảo dưỡng, sửa chữa…

Cho đến nay, hầu hết các điểm dừng cho xe chở khách du lịch đường dài không bảo đảm an toàn, vệ sinh, không có các dịch vụ nghỉ dưỡng sức sau các chặng đường dài, chỉ có các quán ăn, trạm cấp xăng dầu tự phát dọc đường.

“Việc giới hạn tốc độ xe ô tô từ một số cửa khẩu dẫn tới các điểm tham quan du lịch trong khi hệ thống đường đã được nâng cấp, xây mới hoàn chỉnh, cho phép chạy với tốc độ cao hơn, khiến thời gian di chuyển kéo dài làm giảm thời gian tham quan, mua sắm của khách” - Ông Bình nói.

Bắt đầu từ việc dễ

Những việc dễ như xây dựng hệ thống trạm nghỉ, thì lại cầm chừng. Cũng mới chỉ dừng lại chừng đó.

“Cần xây dựng trạm dừng nghỉ theo phân kỳ ngắn và dài hạn, ưu tiên các tuyến đường có các cửa khẩu quốc tế và các trục đường xuyên Á, ASEAN, trục hành lang đông  tây, làm sao đến năm 2015, mỗi tỉnh có quốc lộ đi qua có một trạm dừng nghỉ. Trong đó chú trọng huy động từ nhiều nguồn lực xã hội” - bà Khu đề nghị.

Hay, việc có thể làm ngay như cho phép có những đoạn đường xe có thể chạy với tốc độ cao hơn, như đề nghị của ông Vũ Thế Bình, cũng như giảm và tiến tới bỏ hẳn các loại phí cửa khẩu cho khách du lịch qua lại các cửa khẩu đường bộ, hạn chế việc thu phí trên các phương tiện vận chuyển, theo đề xuất của ông Cao Trí Dũng - Giám đốc Cty Lữ hành Vitours ... 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.