Du lịch VN: Giàu tiềm năng, nghèo sản phẩm

Du lịch VN: Giàu tiềm năng, nghèo sản phẩm
Mặc dù ngành du lịch nước ta trong những năm qua không ngừng tăng trưởng cao, nhưng các sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu.
Du lịch VN: Giàu tiềm năng, nghèo sản phẩm ảnh 1

Sản phẩm thổ cẩm ở Sa Pa luôn thu hút khách nước ngoài

Trải dài trên 15 vĩ độ, có đại dương mênh mông, núi non hùng vĩ, nền văn hoá đa dân tộc..., Việt Nam là quốc gia có tiềm năng vô cùng phong phú để phát triển du lịch (DL).

Với "Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2006 - 2010" có tiêu đề "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn" vừa được Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố, hy vọng ngành công nghiệp không khói sẽ có nhiều bước tiến quan trọng để đưa các tài nguyên DL của Việt Nam trở thành sản phẩm DL quý giá.

Chưa thể thoả mãn

Năm ngoái, Việt Nam được thế giới xếp thứ 7/171 nước về hoạt động lữ hành và luôn được du khách quốc tế chọn là điểm đến an toàn, thân thiện.

Một cuộc bình chọn do Diễn đàn Tripso (Mỹ) tổ chức có kết quả đáng lưu ý: Việt Nam nằm trong số 5 điểm du khách Mỹ cần đến trong năm 2006.

Hiệp hội DL quốc tế (WTTC) cũng đã coi Việt Nam là trọng điểm trong 10 năm tới.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam năm 2005, nhiều chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều tăng so với năm trước đó: Khách DL quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,43 triệu lượt, tăng 17,05%; khách DL nội địa ước đạt 16,1 triệu lượt, tăng 11%; thu nhập DL ước đạt 30.000 tỉ đồng, tăng 15,4%.

Đó thực sự là những con số vui, nhưng nếu so sánh với các nước trong khu vực thì số liệu nói trên còn ở mức rất khiêm tốn.

Thẳng thắn mà nói, DL nước ta chưa khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có. Bản thân ngành DL cũng đã tự thấy một số tồn tại như nhận thức về DL ở chính quyền các cấp còn chưa đầy đủ; chất lượng dịch vụ còn thấp.

Bên cạnh đó, quy hoạch DL không được thực hiện nghiêm chỉnh; đầu tư cho DL chưa tương xứng; chưa hình thành được hệ thống các khu DL có tầm cỡ, làm điểm tựa cho sự phát triển hệ thống sản phẩm DL hoàn chỉnh, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá DL trong và ngoài nước còn nhiều bất cập; còn lộn xộn trong kinh doanh tại các điểm DL; hiệu lực tổ chức quản lý, điều hành ở các cấp chưa phát huy đầy đủ tính chủ động, linh hoạt...

Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong một buổi làm việc với Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có ý kiến chân xác về chất lượng dịch vụ DL ở Việt Nam rằng "giá các tour DL cao; sản phẩm DL nghèo nàn, đơn điệu, sức cạnh tranh chưa được cải thiện". 

Không thể để vẻ đẹp mãi tiềm ẩn

Trong thời gian qua, ngành DL nước ta đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm DL mới như các chương trình DL tham gia lễ hội, tour DL đường bộ liên quốc gia, tour DL sinh thái, tour DL văn hoá sinh thái, tour DL bằng xe đạp, môtô, xuồng caosu, tour DL đường bộ qua các cửa khẩu quốc tế, tour DL đường bộ bằng ôtô tay lái bên phải từ Thái Lan vào Việt Nam, tour DL đón khách Trung Quốc vào VN bằng giấy thông hành...

Đồng thời, nhằm hút khách DL từ một số thị trường trọng điểm, Chính phủ đã đơn phương miễn visa cho công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và 4 nước Bắc Âu.

Trong năm 2005, Tổng cục Du lịch đã chính thức công bố biểu tượng và tiêu đề "Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn" của Chương trình Hành động quốc gia về DL giai đoạn 2006 - 2010.

Nhưng để "vẻ đẹp tiềm ẩn" nhanh chóng không còn tiềm ẩn và thu hút khách DL đông hơn, ngành DL còn không ít việc phải làm.

Đó là hoàn thiện quy hoạch tổng thể DL, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng xúc tiến quảng bá DL ở những thị trường DL trọng điểm trên thế giới...

"Trong năm nay, chúng tôi sẽ triển khai mạnh việc khảo sát các tuyến điểm DL tại những địa phương có tiềm năng DL lớn những chưa được khai thác tương xứng để xây dựng các tour, tuyến, điểm DL mới, các sản phẩm DL mới. Việc khảo sát sẽ tiến hành theo các chuyên đề như DL biển, DL văn hoá sinh thái, DL sông nước, DL golf...", ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết.

Cuối năm nay, Việt Nam là nơi diễn ra một sự kiện quốc tế quan trọng: Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây cũng là cơ hội để quảng bá DL Việt Nam. Nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn.

Tính riêng Hà Nội, dù sản phẩm DL được đầu tư nhiều, nhưng vẫn còn quá ít dịch vụ cho khách DL, nên phát triển chưa tương xứng. Khách đến Hà Nội đông, nhưng không dừng lại hoặc chỉ dừng rất ít thời gian bởi không đặt được phòng khách sạn như ý muốn.

Nguy cơ thiếu phòng đã thấy rõ từ lâu, đặc biệt vào các dịp những hội nghị lớn được tổ chức tại thủ đô, cho dù hiện Hà Nội có 8.722 phòng/179 khách sạn đã được xếp hạng. 

Vấn đề đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) cũng đang đòi hỏi sự đầu tư bởi cả nước mới có 5.194 HDV được cấp thẻ. Hiện còn thiếu HDV tiếng Hàn, tiếng Nhật, thậm chí rất thiếu HDV tiếng Italia, tiếng Tây Ban Nha...

Để phát triển hoạt động DL ở tầm cao mới, ngành DL cũng đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ và các ngành liên quan như đề nghị Chính phủ xem xét cho phép thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện việc xây dựng một số khu DL trọng điểm quốc gia

Đề nghị có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các khu DL quốc gia có tính cạnh tranh cao; kiến nghị bổ sung, điều chỉnh khung giá định mức hợp lý để xây dựng dự toán kinh phí cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể ngành;

Đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Công nghiệp xem xét giảm giá điện, nước và cước phí viễn thông cho hoạt động khách sạn như đối với ngành sản xuất công nghiệp...

Thiết nghĩ, đó là những mong mỏi chính đáng của ngành DL Việt Nam.

Theo Hà Thành
Lao động

* Cả nước hiện có 400 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

* Cả nước hiện có 6.000 cơ sở lưu trú với 2.575 cơ sở được xếp hạng từ đạt tiêu chuẩn đến 5 sao, gồm 72.458 phòng.

* Cả nước có 5.194 hướng dẫn viên (HDV). Trong đó HDV tiếng Anh đông nhất: 2.149 người (41,3%).

* Trung Quốc đứng đầu 10 thị trường dẫn đầu về gửi khách đến VN (tính đến tháng 11.2005): 666.286 người.

* Singapore đứng đầu các nước và vùng lãnh thổ dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp vào DL Việt Nam: 20 dự án với gần 1,3 tỉ USD.

* Năm 2006, ngành du lịch phấn đấu: Đón 20,5 triệu lượt khách DL (trong đó 3,6 - 3,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng từ 10,5% - 11,07% so với thực hiện năm 2005).

Tổng doanh thu: 36.000 tỉ đồng (tăng 12% so với thực hiện năm 2005).

MỚI - NÓNG