Dự Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm: Chế tài chống lãng phí

Dự Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm: Chế tài chống lãng phí
TP - Nhiều ý kiến góp ý về Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (14/9) đề nghị cần chế tài, với những hình thức xử lý cụ thể đối với vi phạm trong lĩnh vực sử dụng năng lượng.
Dự Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm: Chế tài chống lãng phí ảnh 1
Nhà máy điện Cà Mau đang được xây dựng. Ảnh: Hồng Ngọc

Theo Tờ trình của Chính phủ, khả năng khai thác, chế biến và sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Theo tính toán, giai đoạn 2010 - 2020 có thể xuất hiện sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp nội địa; dầu mỏ, khí đốt sẽ dần cạn kiệt.

Do vậy, Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng.

Hiện, trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải ở nước ta đang có tình trạng lãng phí năng lượng rất lớn. Hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện chạy bằng than, dầu chỉ đạt 28-32 phần trăm, thấp hơn các nước phát triển 10 phần trăm.

Để sản xuất cùng một loại giá trị sản phẩm, ngành công nghiệp của ta tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần so với Thái Lan, Malaysia. Riêng ngành điện, mỗi năm phải tăng trưởng 14-15 phần trăm mới đáp ứng được  yêu cầu tăng 6-8 phần trăm GDP.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường (Cơ quan thẩm tra dự luật) cho rằng, ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một nhu cầu cấp bách.

Đồng thời, Ủy ban này nhận định, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là biện pháp hàng đầu để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường, ứng phó với xu hướng biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến phát triển bền vững của đất nước.

Đạo luật cần quản lý tổng thể

Một số ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật cần có những quy định cụ thể đối với những loại năng lượng cần tiết kiệm, đặc biệt với những năng lượng không có khả năng tái tạo.

Có ý kiến đề nghị luật điều chỉnh cả với quá trình quy hoạch, khai thác, phát triển nguồn năng lượng, chứ không chỉ riêng mảng sử dụng như dự thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, luật cần bao quát cả lĩnh vực khai thác, sản xuất năng lượng. “Lúc này năng lượng đang cạn kiệt, rất cần phải khai thác tiết kiệm, còn sử dụng tiết kiệm chỉ là thứ yếu. Không nên tách biệt quá trình khai thác, sử dụng với sản xuất, bởi quá trình này gắn bó với nhau và cần quản lý tổng thể”- Ông Thi nói.

“Tôi rất kỳ vọng, nhưng đọc dự thảo luật thấy chưa đáp ứng được yêu cầu, nội dung còn chung chung, như một chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng, chứ chưa phải là đạo luật” - Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nhấn mạnh, hiện nay việc khai thác tài nguyên vô cùng lãng phí, nếu chỉ khoanh vùng trong sử dụng sẽ không đáp ứng được tình hình. “Phải làm rõ nguồn năng lượng nào cho xuất thô, nguồn nào cần tinh chế, vừa qua báo chí cũng đã nói rất nhiều về vấn đề này” – Ông Vượng nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lại cho rằng, luật điều chỉnh khâu sử dụng cũng rất có ý nghĩa, bởi các khâu khác như quy hoạch, quản lý, phát triển nguồn năng lượng đã có các văn bản khác quy định.

Luật này chỉ nên khoanh lại ở khâu sử dụng, nhưng cần có những quy định cụ thể như việc sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng như thế nào. “Nên có chế tài với những cơ quan sử dụng ngân sách, còn các cơ quan đơn vị cá nhân dân doanh thì phải có khuyến nghị”- Ông Lưu nói.

Dự luật sẽ được tiếp tục chỉnh sửa để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tới. 

* Để tạo ra 1.000 USD tăng trưởng GDP, nước ta phải tiêu tốn khoảng 600 kg dầu quy đổi, cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan, gấp gần 2 lần so với mức bình quân của thế giới”.

 (Nguồn: Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT)

* “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

 (Điều 44- Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả)

MỚI - NÓNG