Dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

GS.TS Phùng Hữu Phú
GS.TS Phùng Hữu Phú
TPO - “Khát vọng và ý chí là trạng thái tinh thần nhưng có sức mạnh chuyển hóa thành hành động. Đất nước ta đã trải qua những giờ phút khó khăn, đã vượt qua nghèo đói lạc hậu, chúng ta chiến thắng và vượt lên bằng khát vọng dân tộc”, GS.TS Phùng Hữu Phú chia sẻ.

“Biến đường lối thành hiện thực”

Ngày 19/10, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”. Tại tọa đàm, TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh, việc góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng là đợt sinh hoạt chính trị lớn. Qua đó, tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng Dân.

Là người trong Ban soạn thảo dự thảo các văn kiện, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương viện dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mọi đường lối, chủ trương của Đảng xuất phát từ nơi dân chúng và trở lại với dân chúng.

“Đây là lần lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi nhất của nhân dân. Như thế, chúng ta thấy quá trình xây dựng nghị quyết của Đại hội, các văn kiện Đại hội XIII từ đầu đến cuối đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Suy cho cùng, đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực”, ông Phú chia sẻ.

Theo GS. Phú, chủ đề Đại hội kết hợp 5 thành tố về Đảng, dân tộc, công cuộc đổi mới, về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và mục tiêu phấn đấu. Một trong những điểm mới đáng chú ý, theo ông Phú, là khát vọng phát triển đất nước. Dự thảo lần này nhấn mạnh đến vấn đề khơi dậy phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc, có ý chí vươn lên.

“Khát vọng và ý chí là trạng thái tinh thần nhưng có sức mạnh chuyển hóa thành hành động. Đất nước ta đã trải qua những giờ phút khó khăn, đã vượt qua nghèo đói lạc hậu, chúng ta chiến thắng và vượt lên bằng khát vọng dân tộc. Như vậy, lần này chúng ta nhấn mạnh đến nội dung phải khơi dậy ý chí khát vọng dân tộc”, ông Phú cho hay.

“100 triệu dân là nguồn lực lớn”

Chia sẻ về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong dự thảo chiến lược lần này tiếp tục kế thừa quan điểm còn phù hợp của chiến lược 10 năm trước. Nhưng mà lần này, có những điểm mới, ví dụ như quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng với đó là quan điểm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.

“Tôi cho là đây là vấn đề rất mới, trước đây trong chiến lược chưa đề cập. Đâu đó cũng có nói nhưng lần này đã đưa vào trong quan điểm”, ông Sinh nhấn mạnh.

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước ảnh 1 TS. Cao Viết Sinh,

Cùng trả lời độc giả về “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, trong nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Theo ông Thông, trong báo cáo chính trị chỉ dùng khoảng 10 dòng nói về vấn đề này bởi lí do khuôn khổ của báo cáo. Nói đến cơ đồ, hiện nay chúng ta có gì? “Nếu so với trước đổi mới, so với suốt chiều dài lịch sử, đúng là cơ đồ chưa bao giờ có như hiện nay. Về quy mô nền kinh tế, bước vào đổi mới đến năm 1988, GDP Việt Nam lúc bấy giờ chưa qua 2 con số, nhưng đến nay dự kiến 2020, khả năng ước đạt 299 tỷ đô la. Như vậy, so với trước đổi mới, quy mô nền kinh tế đã khác, cơ sở vật chất khác”, ông Thông lý giải.

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước ảnh 2 PGS.TS Nguyễn Viết Thông

Còn về tiềm lực, cũng theo ông Thông, đất nước ta chưa bao giờ tiềm lực như hiện nay, cả về vật chất và tinh thần. “Tôi nói ngay vấn đề dân số gần 100 triệu dân cũng là nguồn lực lớn”, ông Khẳng định.

Nói về vị thế, ông Thông phân tích, trước khi có Đảng, Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới. Đến bây giờ chúng ta quan hệ với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, quan hệ với tất cả các đối tác, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, khu vực.

MỚI - NÓNG