Dự toán bội chi 4,8% GDP cho năm 2009 là quá cao

Dự toán bội chi 4,8% GDP cho năm 2009 là quá cao
TP - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh một số nước để một tỷ lệ bội chi phù hợp để kích thích sản xuất. Bội chi của Việt Nam vẫn trong ngưỡng cho phép.
Dự toán bội chi 4,8% GDP cho năm 2009 là quá cao ảnh 1
Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) đề nghị phải tăng thu từ các đối tượng sử dụng nhiều tài nguyên. Ảnh: Hồng Vĩnh

Năm 2008, ta dự kiến chi đầu tư xây dựng cơ bản là 118 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách là 66.200 tỷ đồng.

Bộ trưởng Ninh báo cáo: “Bội chi ngân sách của chúng ta hiện nay không phải là phát hành tiền, mà do chúng ta đang huy động vay từ trong nước và ngoài nước để đáp ứng cho đầu tư.

Yêu cầu giảm chi tiêu công, thực tế vẫn tăng10%

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho biết, năm 2008 chúng ta dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,5-7%, nhưng chi ngân sách tăng tới 23,3%,  tốc độ tăng chi ngân sách gấp 3 lần so với tốc độ tăng GDP, như vậy có thể nói rằng thu rất tích cực cho nên mới có cái để chi.

Nhiều đại biểu lại tỏ ra băn khoăn. Đại biểu Hoàng Thị Hạnh (Bắc Giang) nói: “Việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên chưa triệt để. Năm 2008 cắt giảm 20% chi tiêu công, thực tế lại tăng 10%, chi quản lý hành chính tăng 13,3% so với dự toán (tăng 26,6% so năm 2007). Hội nghị nhiều, tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả còn thấp”. 

Đại biểu Hạnh cho rằng, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước còn cao, khoảng 5% GDP và con số tuyệt đối thì ngày càng tăng: 2007, bội chi là 56.500 tỷ đồng, 2008 bội chi 66.200 tỷ đồng, dự kiến năm 2009 bội chi 87.300 tỷ đồng (tăng 31,7%).

“Năm 2009 dự kiến bội chi 4,8% vẫn cao, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, gây mất ổn định tài chính. Đề nghị Chính phủ cân nhắc mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 theo hướng giảm bội chi”- Bà Hạnh nói.

Phân tích hạn chế, yếu kém của điều hành ngân sách, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, nguồn thu không vững chắc, “vượt thu nhưng chủ yếu phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, vào việc bán tài nguyên”.

Ông Thuyết dẫn chứng: Năm 2008, vượt thu do giá dầu thô tăng là 35 nghìn tỷ đồng, nhưng phải bù lỗ cho xăng dầu là 32 nghìn tỷ, tái đầu tư cho Tập đoàn dầu khí 9 nghìn tỷ. Như vậy, vượt được 35 nghìn tỷ nhưng phải chi ra là 41 nghìn tỷ, tức là thu chi không cân đối. 

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nói: “Thu ngân sách năm 2008 ước vượt dự toán 23,5%, nhưng chủ yếu từ 2 nguồn sử dụng đất, dầu thô (hơn 85 nghìn tỷ/tổng thu nội địa là 189 nghìn tỷ), không bền vững”.

Đại biểu Hà cho rằng, đầu tư còn dàn trải, kém hiệu quả, luẩn quẩn: “Khi đông người ở phố, đầu tư mở rộng ra để cho người vào, rồi lại mở rộng tiếp, tôi nghĩ việc đầu tư như vậy không có hiệu quả. Trong khi, dự án Đại học Quốc gia có thể di chuyển 100 ngàn người ra khỏi nội thành thì 10 năm qua dậm chân tại chỗ”.

Làm gì để tăng thu?

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, đầu tư dàn trải, thất thoát, thất thu thuế, tham nhũng, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, giải ngân chậm là nguyên nhân ảnh hưởng nguồn thu.

Ông phân tích, chỉ số ICOR cao 4,5 - 5,3 là nói chung của nền kinh tế, nếu riêng các DN sử dụng vốn nhà nước, chắc cao hơn. Một lý do nữa là cơ chế, mặc dù căn nguyên này nếu nói đến, không khác gì bác sĩ nói với bệnh nhân: “Bệnh của anh do gien, do cơ địa”! “Đáp ứng lời kêu gọi của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên là đại biểu Quốc hội trả lời giúp tiền lấy ở đâu, tôi xin đề nghị khắc phục những hạn chế nêu trên thì sẽ có tiền”- Ông Thuyết nói.

Ngoài ra, cần khắc phục căn bệnh “hoành tráng”, gây tốn kém, kiểu “tỉnh nào cũng mở viện nghiên cứu, trường đại học, bến cảng, sân bay, sân golf, nhà máy bia!”.

Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) nêu một thực trạng đáng lo ngại là hiện nay tình trạng trốn thuế khá phổ biến, đáng lo hơn là người trốn thuế không biết xấu hổ, không sợ pháp luật. Những đơn vị trốn thuế, gian lận thì phải xử lý cao nhất như đại biểu Võ Văn Thưởng đã nói đó là phải xử đến mức độ cho phá sản, cấm hoạt động. Cũng theo ông Thiều, tình trạng đi công tác nước ngoài còn nhiều, còn lãng phí, cần siết chặt.

Đưa ra con số thu từ quyền sử dụng đất năm 2008 tăng 33% dù bất động sản đang “đóng băng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung đề nghị phải cân đối lại nguồn thu: “Phải giảm thu từ bán tài nguyên, từ đất đai, đồng thời tăng thu từ các đối tượng sử dụng nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2009, cần xây dựng nguồn thu vững chắc hơn, do bất động sản vẫn đóng băng, giá dầu thô  giảm”.

Tăng chi cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội

Một số đại biểu đề nghị năm 2009, cần chú ý tăng chi cho lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, do hiện nay mặc dù Chính phủ có phân bổ nhưng nhiều địa phương đã không thực hiện đúng.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho biết, ngành y tế ở nhiều địa phương thiếu kinh phí trầm trọng. “Vì thiếu kinh phí, bệnh viện quá tải, các thầy thuốc khó có thể từ chối người dân đến khám, chữa bệnh, nên hầu như các bệnh viện đều quá tải 150% - 180% công suất giường bệnh, có khi 2-3 người/ giường”- Ông Hùng nói.

“Khoản chi lương, an sinh xã hội hiện nay còn “ẩn khuất trong chi sự nghiệp”, không kích thích được cán bộ viên chức, người lao động. Chúng ta phải phấn đấu làm sao để người hưởng lương không tính đến việc làm thêm, hay tìm kiếm các khoản khác, dẫn đến “chân ngoài dài hơn chân trong”, hay một bộ phận rời bỏ công chức nhà nước”- Đại biểu Lê Quốc Dung nói.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực cũng được nhiều đại biểu đề nghị tăng đầu tư từ nguồn ngân sách. 

MỚI - NÓNG