Du xuân, trẩy hội đầu năm

Hàng vạn người đến dự lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. ảnh: Minh Tuấn
Hàng vạn người đến dự lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. ảnh: Minh Tuấn
TP - Những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, nhiều lễ hội cùng các hoạt động tín ngưỡng, du xuân diễn ra khắp nơi.

Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Từ sáng sớm hôm qua, mùng 5 Tết Giáp Ngọ, hàng nghìn người từ thập phương đổ về tham dự lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2014) do Sở VH-TT&DL Hà Nội và UBND quận Đống Đa tổ chức. Không chỉ người Hà Nội cả người dân của nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng... cũng về dâng hương tưởng niệm người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. 

Ngay sau lễ dâng hương tế lễ của các đoàn là phần rước kiệu, lễ dâng hương tưởng niệm vua Quang Trung tại Chùa Bộc và Chùa Đồng Quang. Phần hội năm nay có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trống hội, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật màn sử thi, biểu diễn võ thuật, dân ca và nhiều tiết mục văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân...

Trong khi đó, tại Quảng trường tượng đài Hoàng đế Quang Trung (thuộc núi Bân, phường An Tây, TP Huế), sáng qua, tỉnh TT-Huế long trọng tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 226 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789).

Quá tải lễ đền, chùa vùng biên

Ngày mồng bốn Tết Giáp Ngọ, gần một vạn lượt người, trong đó phần lớn là thanh, thiếu niên ở Lạng Sơn đổ về chùa Thành (phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn), tham dự Khoá lễ phúc đức năm mới.

Theo Đại đức Thích Quảng Truyền, Trụ trì chùa Thành, hiện có khoảng 5.000 em thanh, thiếu niên, nhi đồng “quy y” tại đây; nhưng số người tham dự gần gấp đôi nên trở nên quá tải. Rất nhiều em phải ngồi tràn ra phía cổng chùa và ngoài đường.

Tại các nhà đền, chùa trên địa bàn như: đền Cửa Đông, đền Kỳ Cùng, chùa Tam Thanh, Nhị Thanh (TP Lạng Sơn), đền mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng) có rất đông nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến cúng lễ, xin lộc đầu năm.

Huế hút du khách

Thời tiết nắng đẹp trong những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ 2014 khiến lượng khách đến Huế tham quan, nghỉ dưỡng, trẩy hội tăng mạnh.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ ngành du lịch TT-Huế, qua 4 ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, toàn tỉnh đón khoảng 60.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trẩy hội tâm linh, nghỉ dưỡng và tham gia nhiều hoạt động vui chơi, ẩm thực, giải trí dân gian cũng như cung đình. Lượng khách quốc tế lưu trú tại Huế trong những ngày Tết cổ truyền chiếm hơn 40.000 lượt, công suất khai thác buồng, phòng các khách sạn đạt trên 90%, tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, các lễ hội dân gian như hát bài chòi cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy), chợ phiên cầu may Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), chợ vui Gia Lạc (Phú Vang), chợ quê Mỹ Lợi (Phú Lộc), hội đu tiên Phước Yên (Quảng Điền), Điền Hòa, Gia Viên (Phong Điền) được tái hiện sinh động, gần gũi, hấp dẫn trong những ngày đầu năm mới đã thu hút hàng nghìn lượt người dân địa phương tham gia vui hội.

Nha Trang: Lượng khách tăng nhẹ so với Tết trước

Theo đánh giá sơ bộ của Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, lượng khách đến các điểm du lịch trong tỉnh dịp Tết Giáp Ngọ có tăng so với tết trước, nhưng tăng không nhiều.

Trời nắng đẹp, mát dịu, biển êm, tuyến du lịch biển đảo vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách đến Nha Trang dịp Tết này. Trung bình mỗi ngày Tết, Khu vui chơi và giải trí Vinpearl Land đón khoảng 10.000 khách, ngày cao nhất là mùng 5 Tết đón khoảng 15.000 lượt khách. Tại bến tàu du lịch Cầu Đá, từ mùng 1 đến mùng 4 Tết có hơn 14.000 lượt khách đi tới các điểm du lịch trên vịnh Nha Trang và lặn biển ngắm san hô. Ngày mùng 5 Tết (4/2), lượng khách xuất bến tại Cầu Đá tiếp tục tăng, khoảng 6.000 lượt khách.

Tết này, lượng khách ngày cao điểm không đông hơn ngày cao điểm của Tết Quý Tỵ, nhưng do lượng khách đi xe riêng nhiều, nên từ 7 giờ đến 10 giờ sáng và buổi tối các ngày Tết, thường có ùn tắc trên tuyến đường Trần Phú tới bến tàu du lịch Cầu Đá và ga cáp treo Vinpearl Land.

Thăm nhà Công tử Bạc Liêu

Cty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Cẩm Quyên mở cửa cho du khách tham quan cụm nhà Công tử Bạc Liêu, vào sáng mùng 4 Tết. Hơn 40 hiện vật được trưng bày được cho là của Công tử Bạc Liêu.

Công tử Bạc Liêu là ông Trần Trinh Huy, sinh năm 1900, mất năm 1973, là con thứ 3 của đại điền chủ mà người dân gọi là ông hội đồng Trần Trinh Trạch.

Ngôi nhà Công tử Bạc Liêu được xây dựng vào năm 1919, thiết kế bởi một kỹ sư người Pháp nổi tiếng lúc bấy giờ. Toàn bộ vật liệu xây dựng ngôi nhà như sắt, xi-măng, gạch, ngói… đều được kỹ sư người Pháp lựa chọn mua từ Pháp.

lSáng 3/2 (tức mùng 4 Tết), hàng ngàn người dân đã đổ về làng An Mỹ (Xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) xem lễ hội cướp cù. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân nhằm thể hiện tinh thần thi đấu thể thao, cầu mong mưa thuận gió hòa và đem lại may mắn cho cá nhân, đội nào ném được cù vào rọ.

MỚI - NÓNG